Trẻ ăn đủ lượng đạm, canxi, kẽm, sắt, chất béo, các vitamin và khoáng chất cần thiết có thể tăng đạt đỉnh 15 cm mỗi năm trong giai đoạn dậy thì.
Bé Nguyễn Hoàng Huân, 13 tuổi (Hà Nội) nặng 37 kg, cao 140 cm (thiếu khoảng 16,7 cm so chuẩn 156,7 cm ở trẻ nam cùng độ tuổi). Gia đình mong Huân tăng cao tối ưu nên đưa em đến Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome khám.
Bác sĩ Trần Thị Trà Phương – Nutrihome, cho biết, bé thiếu kẽm, vitamin D, canxi, chẩn đoán suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi). Khẩu phần ăn hàng ngày của bé không đáp ứng được nhu cầu canxi, hay ngủ muộn. “Bé đang ở độ tuổi dậy thì, nếu dinh dưỡng thiếu khoa học sẽ bỏ lỡ giai đoạn vàng cuối cùng để tăng chiều cao tối ưu”, bác sĩ Phương nói.
Mục tiêu điều trị dinh dưỡng cho bé là tăng chiều cao tối ưu. Bác sĩ Phương hướng dẫn bé dùng lượng sữa để đạt mục tiêu canxi. Mỗi ngày Huân sẽ uống 2 hộp sữa tươi 180 ml, tương đương đạt 360 mg canxi lactate (canxi hữu cơ) từ sữa. Sữa tươi bình thường hoặc sữa tươi không đường, tách béo. Ngoài sữa, bé ăn thêm sữa chua 2 hộp một ngày (sau ăn cơm trưa hoặc tối), tương đương 200 mg canxi một ngày. Bé có thể thay sữa chua bằng 2-3 viên phô mai (loại 15 g một viên) mỗi ngày, tương đương hơn 200 mg canxi lactate từ phô mai. Mục tiêu đạt tổng ít nhất từ 560 mg canxi hữu cơ từ chế độ ăn mỗi ngày.
Đồng thời, bé được xây dựng thực đơn khoa học giúp cung cấp đủ các nhóm chất đạm, tinh bột, chất béo, các vitamin và khoáng chất thiết yếu từ đa dạng thực phẩm, đảm bảo mức năng lượng khoảng 1500 kcal mỗi ngày. Dựa vào kết quả xét nghiệm vi chất bằng máy sắc ký lỏng hiệu năng cao UPLC, bác sĩ còn lựa chọn cho bé bổ sung các vi chất đang thiếu gồm sắt, vitamin D, kẽm…
Sau 6 tháng, Huân tăng thêm 8,3 cm, đạt 148,3 cm với tốc độ tăng trưởng chiều cao 1,4 cm mỗi tháng trong vòng 6 tháng. Bé được chẩn đoán không còn tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi), tình trạng dinh dưỡng bình thường (tỷ lệ giữa cân nặng và chiều cao). Bé tiếp tục được tư vấn duy trì chế độ ăn, giấc ngủ và vận động khoa học.
Bác sĩ Phương cho biết thêm, giai đoạn chạm ngõ dậy thì, trẻ em sẽ phát triển mạnh về thể lực, tăng vượt bậc về cơ bắp, khung xương, thay đổi hệ thần kinh, nội tiết. Thực tế, cả bé trai và bé gái có thể sẽ không đạt đến chiều cao tối ưu, khả năng học tập giảm sút… nếu thiếu chế độ dinh dưỡng phù hợp. Giai đoạn này, cha mẹ cần cho trẻ nạp đủ những nhóm chất sau.
Chất đạm: Trẻ dậy thì cần phát triển cơ bắp nên nhu cầu đạm cao. Chất đạm chiếm khoảng 14-15% tổng số năng lượng trong khẩu phần ăn hàng ngày. Lượng đạm có nhiều trong các thực phẩm như thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa… Trong đó, trẻ nên ưu tiên đạm động vật vì có chứa nhiều sắt, kẽm tốt cho sức khỏe.
Chất béo: Đây là nguồn cung cấp năng lượng tốt và tăng cường hấp thu vitamin tan trong chất béo cho cơ thể như vitamin A, D, E, K. Trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ dậy thì, chất béo nên chiếm 20-25% năng lượng khẩu phần, trong đó có cả chất béo no có trong thức ăn chứa nhiều đạm động vật và chất béo không no trong dầu ăn và cá. Mẹ có thể nhờ bác sĩ tư vấn để cho trẻ ăn mỡ động vật và dầu thực vật phù hợp.
Chất bột đường: Đây là chất cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, chiếm 55-65% năng lượng. Bột đường có trong gạo, bột mì và sản phẩm chế biến, khoai, củ… Mẹ nên chọn lựa những loại bột đường thô để cung cấp chất xơ tốt cho đường tiêu hóa và phòng chống béo phì cho trẻ ở tuổi dậy thì.
Canxi: Đây là khoáng chất rất cần thiết trong chế độ dinh dưỡng cho tuổi dậy thì, giúp xương chắc khỏe và mật độ xương đạt mức tối đa để trẻ tăng trưởng chiều cao và phòng loãng xương sau này. Mỗi ngày, trẻ ở tuổi dậy thì cần được cung cấp khoảng 1000-1300 mg canxi hàng ngày để có thể phát triển tốt nhất. Canxi có nhiều trong sữa, các loại thủy sản tôm cá (nên kho nhừ cá để có thể ăn cả xương). Trẻ cũng cần hấp thu đủ kẽm, vitamin D để hỗ trợ cơ thể hấp thu canxi tốt hơn.
Chất sắt: Bước vào tuổi dậy thì, bé gái cần lượng sắt nhiều hơn bé trai do mất máu trong chu kỳ kinh nguyệt. Vì thế, bé trai chỉ cần 11-18 mg sắt mỗi ngày trong khi đó bé gái cần từ 12-24 mg sắt mỗi ngày. Chất sắt có nhiều trong thịt đỏ, phủ tạng động vật, lòng đỏ trứng, đậu đỗ… Trẻ cần ăn nhiều rau xanh để bổ sung vitamin C giúp hấp thu sắt tốt hơn. Lượng rau cần thiết trong chế độ dinh dưỡng cho tuổi dậy thì là 300-500 g. Nếu thiếu sắt trẻ sẽ bị thiếu máu gây ra các triệu chứng mệt mỏi, hay quên, buồn ngủ, da xanh…
Các vitamin và khoáng chất: Nhu cầu vitamin nhóm B, C, A, D, acid folic… cũng cao do tăng chuyển hóa năng lượng. Vì vậy, trẻ dậy thì cần ăn đa dạng thực phẩm. Thiếu vitamin A có thể gây ra bệnh về mắt, nhiễm khuẩn đường hô hấp và đường tiêu hóa; chậm phát triển chiều cao. Khi thiếu vitamin C, quá trình tổng hợp collagen gặp trở ngại, giảm quá trình hình thành tế bào ở các thành mạch, mô liên kết, xương, răng, giảm sức đề kháng.
Mỗi trẻ dậy thì là một cá thể riêng biệt với tình trạng dinh dưỡng, bệnh lý và khả năng tăng trưởng khác nhau. Do đó, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám dinh dưỡng để bác sĩ tư vấn cụ thể thực đơn, chế độ vận động giúp tăng chiều cao tối ưu, bác sĩ Trà Phương cho biết.
Lê Nguyễn