Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hương – Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng Lâm sàng và Tiết chế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia; bác sĩ trưởng tại Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome – cho biết: “Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt năng lượng ở trẻ như chất bột, đường, chất đạm, chất béo, đặc biệt là các vitamin và khoáng chất. Sự thiếu hụt này phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là tuổi lên 3”.
Loại trừ nguyên nhân suy dinh dưỡng từ giai đoạn bào thai, những sai lầm thường gặp trong cách nuôi con (không cho trẻ bú mẹ hoàn toàn, cho trẻ ăn dặm sớm trước 6 tháng tuổi, thực đơn ăn uống không đủ chất) hay trẻ mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa, đường hô hấp… là nguyên nhân gây suy dinh dưỡng ở trẻ.
Cách nhận biết trẻ bị suy dinh dưỡng
Phát hiện sớm tình trạng suy dinh dưỡng và điều trị kịp thời sẽ giúp trẻ có cơ hội phát triển bình thường. Theo đó, phụ huynh cần đưa con khám bác sĩ nếu mắc dấu hiệu như: biếng ăn hoặc ăn ít, kém hoạt bát, hay quấy khóc; trẻ chậm tăng cân hoặc không tăng liên tục trong 2-3 tháng; chậm tăng chiều cao hoặc không tăng liên tục 2-3 tháng; con khó ngủ, hay quấy khóc và giật mình khi ngủ; mọc răng trễ, chậm biết đi; cơ trẻ nhão, không săn chắc, da xanh xao; dễ mắc các bệnh lý về nhiễm trùng, rối loạn tiêu hóa thường xuyên; tóc thưa, dễ rụng..
Trẻ suy dinh dưỡng nguy hiểm thế nào?
Nếu không can thiệp kịp thời, tình trạng này có thể khiến hệ miễn dịch của trẻ suy yếu, không đủ kháng thể chống lại virus, vi khuẩn xâm nhập, từ đó trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng nhất là tiêu chảy, viêm phổi.
Bệnh lý này còn để lại inhững hậu quả nặng nề như sau:
Thể chất kém phát triển: thể hiện qua dấu hiệu chậm phát triển chiều cao cân nặng lẫn trí não.
Di chứng sức khỏe lâu dài: ví dụ bé gái bị suy dinh dưỡng ở tuổi vị thành niên, khi trưởng thành nguy cơ trở thành mẹ bầu suy dinh dưỡng cao. Mẹ dễ sinh non, con chào đời nhẹ cân, thường đau ốm, bệnh tật…
Tăng tỷ lệ tử vong: theo thống kê, năm 1995 có 11,6 triệu trẻ ở các nước tử vong do nhiều nguyên nhân. Trong đó, có 6,3 triệu trẻ mất vì suy dinh dưỡng.
Cách phòng tránh, điều trị
Để phòng tránh trẻ bị suy dinh dưỡng, bố mẹ nên cho trẻ ăn uống đầy đủ theo nhu cầu từng lứa tuổi, nhất là các chất sinh năng lượng, vitamin và khoáng chất. Dưới đây là những vi chất cần thiết bố mẹ nên chú ý bổ sung cho trẻ:
Vitamin A: 6 tháng đến1 tuổi cần 100.000 đơn vị; hơn 1 tuổi cần đến 200.000 đơn vị.
Vitamin D: dưới 1 tuổi cần 10 mcg mỗi ngày, trên 1 tuổi cần 15 mcg mỗi ngày. Nếu không có điều kiện tắm nắng thường xuyên, bé cần được bổ sung bằng thuốc vì chế độ ăn hàng ngày rất khó cung cấp đủ.
Acid folic: 100 mcg folate tương đương 50 mcg acid folic mỗi ngày
Canxi: 0,3-0,6 mg mỗi ngày
Đồng: 0,3-0,4 mg mỗi ngày
Kẽm: 3-5 mg mỗi ngày
Kali: 900 – 1100 mg mỗi ngày
Sắt: 5-9 mg mỗi ngày
Ngoài ra, bố mẹ cũng khuyến khích trẻ hoạt động thể lực như đi bộ, đi xe đạp, bơi lội… Theo Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Thu Hương, chế độ dinh dưỡng và tập thể dục là “bộ đôi” giúp trẻ nâng cao sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch, từ đó phát triển khỏe mạnh hơn.
Trường hợp con suy dinh dưỡng kéo dài, bố mẹ nên đưa trẻ đi khám dinh dưỡng kịp thời tại các trung tâm uy tín để bé có cơ hội phát triển khỏe mạnh.
Trinh Vương