Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết bữa sáng rất quan trọng, chiếm 30-40% tổng năng lượng cơ thể cần nạp vào trong ngày.
Nhiều gia đình tự chuẩn bị một bữa sáng tại nhà với mong muốn tăng tính gắn kết giữa các thành viên, đảm bảo đủ chất, kiểm soát năng lượng đầu vào, giảm nguy cơ béo phì. Tuy nhiên, một số chị em gặp sai lầm trong chế biến bữa sáng, như sau:
Hâm lại thức ăn thừa qua đêm để ăn sáng
Các món ăn thừa đun nấu lại sẽ mất đi lượng lớn dinh dưỡng. Mặt khác, bảo quản thực ăn không tốt, để qua đêm, sẽ có nguy cơ nhiễm vi sinh vật, nấm mốc, ăn vào dễ ngộ độc với dấu hiệu là đau bụng, nôn, đi ngoài, khó tiêu.
Ví dụ, một số món làm nóng lại như cá, thịt rán sẽ bị khô và hao hụt dinh dưỡng, chưa kể còn ngấm thêm dầu mỡ, không tốt cho sức khỏe. Hoặc cơm trắng, nếu hâm lại, dù không ôi thiu nhưng cũng không còn thơm ngon. Đặc biệt, các món canh, sốt hay xào chế biến cùng các loại rau không nên để qua đêm vì dễ gây hại.
Nấu đồ ăn sáng từ tối hôm trước
Tương tự, nhiều gia đình nấu sẵn thức ăn mới từ tối hôm trước như xôi, bánh bao, bánh mỳ… không đụng đũa, để sáng hôm sau ăn. Thực tế, các món ăn sáng như bún, phở, mỳ có thể chuẩn bị nước dùng từ tối hôm trước. Tuy nhiên, nếu bảo quản không tốt cũng tiềm ẩn nguy cơ vi sinh vật phát triển. Thức ăn để qua đêm cũng gây hao hụt dinh dưỡng.
Đặc biệt, trong thời tiết nắng nóng kèm độ ẩm cao kéo dài như hiện nay là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển, đẩy nhanh quá trình phân hủy thức ăn. Các chuyên gia cảnh báo dù nguyên liệu đảm bảo chất lượng, chế biến cẩn thận nhưng thực phẩm chỉ cần để nhiệt độ vài giờ đã có thể hỏng. Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ liên tục nóng trên 60 độ C hoặc lạnh dưới 10 độ C. Các thức ăn chín dùng lại phải được đun kỹ trở lại, bởi nếu chỉ hâm cho đến khi vừa bốc hơi là không đủ để vô hiệu hóa độc tố.
Do đó, mọi người nên hạn chế tối đa việc chế biến sẵn thực phẩm, bảo quản qua đêm để ăn sáng.
Bác sĩ Hưng cho rằng thời gian chuẩn bị cho bữa sáng eo hẹp nên bạn không nhất thiết phải nấu đủ cơm, canh, thịt, cá mà có thể thay đổi bằng các món bún, phở, bánh mì sốt vang, xôi. Khi chế biến nên cho thêm thịt, trứng, cá, các loại rau sống, dưa chuột để đa dạng dưỡng chất. Đơn cử, các món như thịt rang, thịt xào, trứng rán nấu nhanh, dễ ăn, đủ chất.
Mỗi người có lựa chọn cho bữa sáng khác nhau, tùy sở thích, cân nặng, tuổi tác, khả năng chi trả. Món ăn cung cấp khoảng 300-500 Kcal là hợp lý, nên thay đổi thực đơn, tránh ăn một món liên tục, gây nhàm chán.
Với trẻ nhỏ, người cao tuổi, nên ăn sáng bằng các thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa. Còn với người mắc bệnh nền như tiểu đường, béo phì, ung thư, cần có chế độ cụ thể, phù hợp. Lưu ý, nhiều người có thói quen ăn sáng bằng bún, phở, xôi, bánh mì mà thiếu rau xanh, vì vậy cần cân nhắc đưa rau vào các món ăn của mình để đa dạng dinh dưỡng, đủ 4 nhóm chất, gồm: bột đường, protein, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Một gợi ý có thể tham khảo cho bữa sáng là món bánh mì kẹp trứng, hoặc bánh mì lát kết hợp trứng ốp. Nhóm tinh bột từ bánh mì kết hợp cùng protein, chất béo trong trứng và dầu rán, vitamin và khoáng chất từ các loại rau gia vị như đu đủ, cà chua, dưa chuột, rau mùi, giúp bữa sáng đầy đủ, đa dạng và cân bằng.
Không ăn sáng làm cơ thể bạn không có nguồn cung năng lượng. Cơ thể phải huy động một lượng đường và protein được dự trữ và sẵn sàng cho mọi hoạt động, làm cho bề mặt của da khô, mất dinh dưỡng. Vì thế có thể xuất hiện các nếp nhăn ở mắt và mặt, làm tăng quá trình lão hóa ở người nhịn ăn sáng. Bỏ bữa sáng sẽ gây cảm giác đói cồn cào, tụt huyết áp, người nôn nao, lâu dài sẽ gây những tổn thương nghiêm trọng cho hệ tiêu hóa như đau dạ dày.
Ngoài ra, bỏ qua bữa sáng sẽ dẫn tới tình trạng buổi trưa và tối sẽ ăn nhiều để bổ sung năng lượng. Trong khi đó, vào buổi tối, hoạt động không nhiều, thức ăn sẽ không kịp để tiêu hóa hết, nó làm cho nhiệt lượng cơ thể bạn ngày càng tăng, lượng mỡ tích tụ ngày càng nhiều. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng thừa cân, béo phì.
Thúy Quỳnh