Trả lời:
Nhiều nghiên cứu về mối liên hệ giữa thực phẩm nướng và nguy cơ ung thư. Thịt nấu ở nhiệt độ cao có thể tạo ra hai loại chất gây ung thư là các amin dị vòng (HCA) và hydrocarbon thơm đa vòng (PAH). Đây là những chất gây đột biến, tạo ra thay đổi trong DNA của tế bào, từ đó dẫn tới ung thư. Các amin dị vòng được hình thành từ phản ứng giữa protein động vật và nhiệt, trong khi hydrocarbon thơm đa vòng phát triển khi mỡ thịt nhỏ giọt, bốc khói và dính trên thịt.
Tương tự, khói thịt nướng cũng có chứa hydrocacbon thơm đa vòng và amin dị vòng, vì vậy cũng ảnh hưởng đến sức khỏe nếu hít phải. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào lượng hít phải và tần suất tiếp xúc. Nếu bạn chỉ là người qua đường, thi thoảng hít khói thịt nướng thì mức độ ảnh hưởng không đáng kể, khó có nguy cơ gây ung thư.
Thực tế, ung thư do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có yếu tố di truyền, lối sống… Để giảm thiểu nguy cơ ung thư do khói thịt nướng, người dân nên nướng thịt ở nơi thoáng khí, tránh nướng trong nhà hoặc không gian kín, đứng xa bếp nướng khi đang nướng thịt. Mang khẩu trang khi nướng và tắm rửa sạch sẽ sau khi nướng thịt.
Bạn cũng có thể nấu chín thịt trước để giảm bớt thời gian nướng, hạn chế ngọn lửa trực tiếp cháy trên thịt hoặc thử ở nhiệt độ thấp hơn. Bạn cũng có thể thử đặt thịt lên giấy bạc hoặc đặt thức ăn trên giá cao hơn để giảm tiếp xúc với ngọn lửa trần. Lật thịt thường xuyên cũng có thể làm giảm quá trình cháy thành than và giúp ngăn ngừa các chất gây ung thư hình thành.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh
Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội