Phát hiện sớm ung thư vú tái phát là yếu tố quan trọng trong việc chăm sóc và theo dõi sau khi hoàn thành điều trị ban đầu. Mục tiêu của việc này là nhằm cải thiện khả năng sống sót bằng cách phát hiện và điều trị bệnh tái phát khi vẫn còn khả năng chữa khỏi bằng phẫu thuật hoặc các phương pháp điều trị khác (1). Bài viết bên dưới của chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu hơn về ung thư vú tái phát cũng như cung cấp một số thông tin về thời điểm và phương pháp tầm soát ung thư vú sau điều trị ban đầu.
Tầm soát ung thư vú tái phát – Lưu ý quan trọng sau điều trị ung thư vú
Tầm soát ung thư vú tái phát thực hiện cho những người ung thư vú đã loại bỏ bướu và hạch nách và không còn bằng chứng bệnh nơi nào khác nữa. Hiện nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tái phát tại chỗ sau khi đoạn nhũ được báo cáo khoảng 5.7%. Sau khi được tái tạo bằng vạt cơ tự thân, tái phát tại chỗ ở da ở khoảng 1,8%, ở thành ngực khoảng 0,7% và ở phức hợp núm vú-quầng vú là 0,4% bệnh nhân. Đối với tái tạo bằng túi ngực, các vị trí tái phát tại chỗ bao gồm da (4,7%), thành ngực (0,4%) và phức hợp núm vú-quầng vú (0,4%). Khoảng 81,4% bệnh nhân tái phát ở vị trí khối u ban đầu (2). Ngoài ra, nguy cơ tái phát cao nhất là trong 2-3 năm đầu và sau đó tiếp tục giảm nhưng không bao giờ đạt đến 0% (3). Do đó, sau điều trị ung thư vú, việc thăm khám và tầm soát ung thư vú định kỳ đóng vai trò rất quan trọng. Mục tiêu của việc này là nhằm phát hiện sớm ung thư vú tái phát, qua đó có biện pháp can thiệp phù hợp.
Ung thư vú tái phát vẫn đang là một thách thức mặc dù hiện đã có sẵn nhiều lựa chọn điều trị mới. Bệnh tái phát tại chỗ nó có thể được điều trị khỏi (3). Tỷ lệ sống toàn bộ 5 năm sau khi tái phát thành ngực đơn độc là 68%; sau khi tái phát trong tuyến vú là 81% (4). Trong khi đó, ung thư vú tái phát di căn không thể chữa khỏi nên mục tiêu chính của điều trị là nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và giảm nhẹ các triệu chứng liên quan đến khối u.
Thời điểm tầm soát tái phát ung thư vú sau điều trị
Các hướng dẫn của NCCN (Mạng lưới Ung thư Toàn diện Quốc gia Mỹ) hiện tại khuyến cáo bệnh nhân ung thư vú nên được tái khám mỗi 4 đến 6 tháng một lần trong 5 năm đầu tiên sau khi đã hoàn tất điều trị ban đầu và mỗi năm sau đó. ASCO (Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ) khuyến cáo tái khám mỗi 3 đến 6 tháng trong 3 năm đầu, mỗi 6 tháng đến 12 tháng trong năm thứ 4 và thứ 5, sau đó hàng năm (1). Ngoài ra, theo hướng dẫn tại Hà Lan, nên có ít nhất 9 lần tái khám trong vòng 5 năm (5).
Các phương tiện tầm soát tái phát ung thư vú
1. Khám vú lâm sàng (1)
Mặc dù là một phương pháp dễ thực hiện và không xâm lấn nhưng độ chính xác của khám vú lâm sàng bị hạn chế bởi nhiều yếu tố. Độ nhạy của khám vú phụ thuộc vào một số yếu tố bao gồm kích thước tổn bướu, đặc điểm vú của từng bệnh nhân, tuổi của bệnh nhân và kỹ năng của người khám. Ví dụ, bác sĩ nữ có xu hướng là thời gian khám vú lâu hơn và có độ nhạy cao hơn so với bác sĩ nam.
Do đó, tác động của việc khám vú lâm sàng đến sống còn vẫn còn bàn cãi. Mặc dù việc phát hiện sớm tình trạng tái phát ở bệnh nhân không có triệu chứng làm tăng tỉ lệ sống còn, chưa có bằng chứng nào cho thấy khám lâm sàng đơn độc mang lại lợi ích về sống còn so với các phương pháp khác. Vì vậy, các kỹ thuật và quy trình khám cần được chuẩn hóa để đạt được độ chính xác cao hơn trong việc phát hiện sớm tái phát ung thư vú.
2. Các xét nghiệm hình ảnh học
a. Nhũ ảnh
Chụp nhũ ảnh là phương pháp chính nền tảng về hình ảnh để đánh giá tái phát sớm sau điều trị ung thư vú. ASCO và NCCN đề nghị: Đối với những bệnh nhân đã được phẫu thuật bảo tồn vú, nhũ ảnh nên được chụp 1 năm sau lần nhũ ảnh đầu tiên và ít nhất 6 tháng sau khi hoàn thành xạ trị. Sau đó, trừ khi có chỉ định khác, nên chụp nhũ ảnh hàng năm. Một số nghiên cứu khác lại cho thấy lợi ích của việc chụp nhũ ảnh hai lần một năm trong 2-5 năm đầu sau điều trị (1), (6).
b. Siêu âm vú
Mặc dù có thể phát hiện ung thư tiềm ẩn trên nhũ ảnh nhưng vai trò của siêu âm trong việc phát hiện sớm ung thư vú tái phát vẫn chưa được xác định rõ ràng. Cả NCCN và ASCO đều không khuyến cáo thêm siêu âm vú vào đánh giá bệnh ung thư vú tái phát. Hiện nay, vai trò chính của siêu âm là đánh giá tái phát ở những bệnh nhân có triệu chứng. Trong khi đó, ACR (Hiệp hội X quang Hoa Kỳ) đề nghị xem xét siêu âm là lựa chọn ở những phụ nữ có nguy cơ trung bình và có đậm độ tuyến vú dày. Siêu âm còn là một lựa chọn hữu ích cho những phụ nữ có nguy cơ cao nhưng không thể chụp MRI vú (1).
c. MRI vú (1)
Những thay đổi của tuyến vú sau thủ thuật và điều trị đã làm hạn chế độ nhạy của chụp nhũ ảnh và siêu âm trong việc phát hiện tái phát. MRI vú có độ đặc hiệu cao trong việc phát hiện tái phát tại chỗ. MRI vú cũng có độ nhạy, độ đặc hiệu và độ chính xác cao trong việc phân biệt sẹo sau phẫu thuật với khối u tái phát. Tuy vậy, MRI có nhược điểm đắt tiền, tốn nhiều nguồn lực so với chụp nhũ ảnh hoặc siêu âm.
MRI rất hữu ích ở những bệnh nhân ung thư vú nghi ngờ bệnh tái phát khi khám lâm sàng, chụp nhũ ảnh hoặc siêu âm không thể kết luận được. MRI vú hàng năm kết hợp chụp nhũ ảnh và khám vú lâm sàng được khuyến cáo đối với một số nhóm dân số có nguy cơ cao, bao gồm những phụ nữ từ 25 tuổi trở lên có mang gen di truyền ung thư vú, chẳng hạn như BRCA1/BRCA2 dương tính.
d. Các phương tiện hình ảnh khác
Xạ hình xương hoặc PET-CT FDG (fluorodeoxyglucose) hiện không được chỉ định ở những bệnh nhân không có triệu chứng hoặc không có bất thường trên khám lâm sàng thực thể, tức không thực hiện thường quy khi tái khám. Khi có triệu chứng nghi ngờ bệnh tái phát, FDG PET rất hiệu quả trong việc chẩn đoán xác định tái phát và di căn xa nếu có (1).
3. Xét nghiệm dấu ấn ung thư
Hiện tại không có đủ bằng chứng ủng hộ sử dụng các dấu ấn (marker) ung thư như CA 15-3, CA 27-29 hoặc CEA để theo dõi tái phát bệnh sau điều trị bước đầu (1) vì những lý do sau (7):
- Thiếu độ chính xác
- Tế bào bình thường và tế bào ung thư đều có thể tạo ra dấu ấn ung thư
- Dấu ấn ung thư không phải lúc nào cũng xuất hiện trong ung thư giai đoạn sớm
- Dấu ấn ung thư có thể dương tính ở các tình trạng bệnh không phải ung thư. Trong khi đó, bệnh nhân ung thư có thể không bao giờ có dấu ấn ung thư tăng cao trong máu
- Ngay cả khi nồng độ dấu ấn ung thư cao, chúng cũng không đủ đặc hiệu để xác định sự hiện diện của ung thư, tức không có ung thư tái phát vẫn tăng cao.
Tóm lại, việc tái khám định kỳ sau điều trị cho những người không còn bằng chứng bệnh hay đã khỏi sau điều trị là nhằm phát hiện tái phát sớm có khả năng chữa khỏi cao. Các phương pháp bao gồm thăm khám vú, chụp nhũ ảnh. Nếu mô vú dày có thể hỗ trợ thêm siêu âm. Nếu người nguy cơ cao như mang gen di truyền ung thư vú thì chụp thêm cộng hưởng từ MRI. Khi không có triệu chứng gợi ý tái phát hay di căn thì không thực hiện xạ hình xương, CT hay PET/CT, X quang ngực (phổi), đặc biệt các dấu ấn bướu cũng không nên thực hiện. Ngoài ra, nếu bạn thuộc đối tượng này thì cũng cần tự khám vú, thành ngực và nách giữa 2 lần tái khám, nếu phát hiện bất thường cần liên lạc với bác sĩ của mình hoặc tái khám đột xuất ngay.
Sinh hoạt sau điều trị ung thư vú
Bên cạnh việc tầm soát ung thư vú tái phát, về lối sống, bệnh nhân sau điều trị ung thư vú được khuyến cáo: (8)
- Hoạt động thể chất: Nên hoạt động thể chất ít nhất 150 phút mỗi tuần
- Chế độ ăn: Các sản phẩm từ sữa chứa chất béo, có thể liên quan đến việc tăng tỷ lệ tử vong do ung thư vú. Các sản phẩm từ đậu nành chưa được phát hiện là làm tăng nguy cơ tái phát
- Hút thuốc: So với những phụ nữ tiếp tục hút thuốc sau khi được chẩn đoán ung thư vú, những người bỏ hút thuốc sau khi được chẩn đoán có tỷ lệ sống còn toàn bộ cao hơn, do đó khuyến cáo bệnh nhân ngưng hút thuốc
- Vitamin: Tăng vừa phải vitamin C trong chế độ ăn uống hoặc bổ sung bằng đường uống có thể làm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư vú
Về tinh thần, phần lớn bệnh nhân sau điều trị sẽ lo lắng về bệnh tái phát. Để đối phó với nỗi lo này, bệnh nhân cần được tư vấn và hiểu đầy đủ về bệnh của mình. Bệnh nhân có thể tìm đến nhà tư vấn hay gia đình, bạn bè, tham gia các nhóm hỗ trợ để giải bày những lo lắng của bản thân. Bệnh nhân nên nhìn vào sự tích cực của cuộc sống, thực hiện các hoạt động để thư giãn và cố gắng có một lối sống năng động ngoài xã hội (9).