TP HCMMong muốn có thêm con ở tuổi ngoài 40, chị Ngân trữ trứng để thụ tinh ống nghiệm, không may bị quá kích và vỡ buồng trứng.
Chị Ngân bị biến chứng nhau cài răng lược, phải cắt tử cung khi sinh con thứ hai. Sau đó chị ly hôn, kết hôn lần nữa ở tuổi ngoài 40. Mong sinh con cho người chồng sau, chị sang Thái Lan trữ trứng. Trên máy bay trở về Việt Nam, chị đau vùng bụng dưới, bụng chướng, vã mồ hôi phải vào thẳng Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cấp cứu.
Ngày 6/8, BS.CKI Hồ Ngọc Bảo, khoa Cấp cứu, cho biết người bệnh được siêu âm ngay, ghi nhận nhiều dịch tự do trong ổ bụng nghi ngờ tràn máu phúc mạc. Hai buồng trứng to kích thước 6x7x8 cm do quá kích buồng trứng. Buồng trứng trái có chỗ vỡ 0,5 cm, buồng trứng phải là 2 cm, đang chảy máu. Chị Ngân cùng lúc có quá kích buồng trứng và tổn thương hai buồng trứng gây xuất huyết sau chọc hút.
Hội chứng quá kích buồng trứng là tình trạng đáp ứng quá mức của cơ thể khi sử dụng thuốc kích thích phóng noãn. “Khoảng 1% bệnh nhân tiến triển đến mức độ trung bình hoặc nặng như chị Ngân”, bác sĩ Bảo nói, giải thích thêm tổn thương buồng trứng do kim chọc hút chạm vào các mạch máu không thể cầm được. Nếu không điều trị kịp thời người bệnh có nguy cơ tử vong do mất máu, suy kiệt.
Kíp mổ đã hút ra từ ổ bụng 700 ml máu, cắt lọc mô dập ở buồng trứng, cầm máu hai bên lỗ rách, truyền máu.
Còn chị Hà, 47 tuổi, 10 năm không có con do dự trữ buồng trứng cạn kiệt, phải xin trứng làm thụ tinh ống nghiệm. Lần chuyển phôi đầu, chị đậu thai nhưng sảy ở tuần thai 22 do hở eo cổ tử cung. Lần thứ hai chuyển phôi chị cũng có thai song đến tuần 22 siêu âm hình thái học phát hiện thai nhi có dị tật thần kinh không thể điều trị.
Kết quả chụp MRI xác định thai nhi bị giãn não thất hai bên, chọc ối ghi nhận có gene bất thường gây bệnh rối loạn vận động, bất thường về trương lực, động kinh…, bác sĩ chỉ định đình chỉ thai kỳ. Chị vẫn quyết giữ con, hiện thai 29 tuần. BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, cho biết trẻ sinh ra có nguy cơ rối loạn chức năng vận động miệng và khuyết tật trí tuệ từ nhẹ đến nặng với tỷ lệ 100%, động kinh với tỷ lệ 50%.
Chị Ngân và Hà là hai trong số hàng trăm phụ nữ lớn tuổi gặp rủi ro khi tìm cách sinh con tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Theo ThS.BS Giang Huỳnh Như, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, nhiều kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại giúp những người hiếm muộn, phụ nữ lớn tuổi có con. Song tỷ lệ có thai và sinh con khỏe mạnh nhờ vào kỹ thuật này giảm dần ở nhóm phụ nữ lớn tuổi.
Theo các nghiên cứu trên thế giới, tỷ lệ có thai giảm theo độ tuổi, giảm 55% ở phụ nữ dưới 30 tuổi, 10% khi trên 40 tuổi, dưới 1% nếu trên 45 tuổi. Ở phụ nữ 45 tuổi, tỷ lệ sảy thai hơn 50% ngay cả khi đã thụ thai thành công bằng trứng của mình. Nhiều phụ nữ phải can thiệp y tế để sinh con.
Bác sĩ Như giải thích người phụ nữ lớn tuổi bị suy giảm số lượng và chất lượng noãn, gặp nhiều vấn đề sức khỏe khác ảnh hưởng đến khả năng sinh sản như nhân xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung. Tỷ lệ sảy thai và các bất thường nhiễm sắc thể, gene cũng ghi nhận ở mức cao.
Phụ nữ trên 40 tuổi mang thai có nguy cao bị tăng huyết áp, tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, vỡ ối sớm hoặc chuyển dạ sinh non, nhau thai bất thường… Những bà mẹ lớn tuổi cũng có nguy cơ gặp biến chứng cao hơn khi sinh con, sinh non và trẻ bị bất thường như hội chứng Down, Edwards và Patau. Tỷ lệ sảy thai của người phụ nữ tăng dần theo độ tuổi.
Theo Bộ Y tế, nguy cơ sinh con dị tật ở người mẹ có độ tuổi từ 35 trở lên, người bố trên 45 tuổi. Ước tính nguy cơ trẻ em có bất thường nhiễm sắc thể là khoảng 1/400 đối với phụ nữ ở độ tuổi 30 và 1/100 đối với phụ nữ ở độ tuổi 40. Bác sĩ Mỹ Nhi cho biết một số nghiên cứu cho thấy người mẹ 25 tuổi, tỷ lệ sinh con mắc bệnh Down chỉ 1/1.250, nhưng người mẹ trên 45 tuổi, tỷ lệ này là 1/30.
Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, mỗi năm trung tâm tiếp nhận khoảng 30.000 trường hợp vợ chồng lớn tuổi, vô sinh lâu năm, tương đương 60% số bệnh nhân. Tại Hà Nội, tỷ lệ phụ nữ 40-50 tuổi đến khám và tư vấn sinh con tăng 42% so với hai năm trước, chiếm 20% số bệnh nhân điều trị hỗ trợ sinh sản. Trong đó, 50% trường hợp chưa có con đầu lòng và 50% có nhu cầu sinh thêm con.
Để giúp vợ chồng hiếm muộn lớn tuổi có thể sinh con khỏe mạnh, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh áp dụng nuôi cấy phôi ngày 5, sinh thiết phôi sàng lọc di truyền tiền làm tổ, bơm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân cải thiện niêm mạc mỏng…
Bác sĩ Mỹ Nhi khuyến cáo phụ nữ nên sinh đủ hai con trước 35 tuổi. Trước khi muốn mang thai, phụ nữ nên khám sức khỏe tiền sản, thực hiện các xét nghiệm thích hợp góp phần đảm bảo an toàn tối đa cho thai kỳ. Phụ nữ hiếm muộn, cần được tư vấn các nguy cơ, ứng dụng các kỹ thuật hiện đại để giảm biến chứng.
Tuệ Diễm
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |