Mỗi người đều có một tính cách riêng, thường sẽ theo bạn suốt cuộc đời. Tuy nhiên, ở vài thời điểm nhất định, một số bệnh lý có khả năng gây ra những thay đổi tính cách không mong muốn.
Tính cách là các đặc điểm hình thành nên mỗi cá thể riêng biệt. Nó bao gồm cách bạn suy nghĩ hay tư duy, cảm nhận và hành động. Ngoài ra, tính cách còn thể hiện qua cách bạn phản ứng như thế nào với thế giới xung quanh.
Trong khi bạn có thể thay đổi tâm trạng mỗi ngày hay nhận thức của bạn cũng sẽ dần phát triển theo thời gian, một số đặc điểm tính cách có khả năng duy trì vĩnh viễn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm, các điều kiện sức khỏe có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến tính cách. Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ có những hành vi, lời nói hay tư duy khác thường so với trước khi mắc bệnh.
Vậy, bạn đã biết những vấn đề sức khỏe nào có khả năng làm thay đổi tính cách chưa? Hãy cùng Bệnh lý tìm hiểu qua bài viết sau nhé.
1. Bệnh Alzheimer
Alzheimer gây thay đổi tính cách bằng những ảnh hưởng trực tiếp đến lối suy nghĩ (tư duy), phán đoán, trí nhớ và đưa ra quyết định của bạn. Nó có khả năng khiến bạn cảm thấy bối rối và thay đổi phương thức hoạt động vốn có. Ngay từ khi bệnh phát sinh, bạn có thể cảm thấy lo lắng hoặc thường xuyên khó chịu hơn lúc trước.
Theo thời gian, hệ quả thay đổi tính cách do bệnh Alzheimer càng lộ rõ tác hại hơn. Chẳng hạn như, một người ngọt ngào, chu đáo có thể trở nên hách dịch và đòi hỏi. Mặt khác, một người vốn hay lo lắng nhiều hoặc dễ bị căng thẳng cũng có thể trở nên dễ dãi và hài lòng khi mắc bệnh Alzheimer.
2. Sa sút trí tuệ thể Lewy
Sau Alzheimer, mất trí nhớ thể Lewy, còn gọi là sa sút trí tuệ thể Lewy, là loại sa sút trí tuệ phổ biến. Những khối protein bất thường (thể Lewy) thường hình thành ở những khu vực trong não, nơi nhận nhiệm vụ điều khiển trí nhớ, vận động và tư duy. Sự hiện diện của thể Lewy tại đây ảnh hưởng đến cả thể chất lẫn tinh thần của bạn. Người bệnh có xu hướng thay đổi tính cách theo chiều hướng tiêu cực, chẳng hạn như:
- Thụ động hơn
- Ít bộc lộ cảm xúc
- Mất hứng thú với sở thích hay những hoạt động khác
Bạn có thể quan tâm: Mất trí nhớ thể Lewy là bệnh gì
3. Bệnh Parkinson
Parkinson có thể bắt đầu biểu hiện bằng những cơn run nhẹ ở tứ chi, rồi dần dần tác động đến cách bạn đi đứng, nói chuyện hay ngủ. Ngay từ khi phát sinh, bệnh Parkinson đã có khả năng dẫn đến tình trạng thay đổi tính cách bởi những ám ảnh về các chi tiết nhỏ hoặc người bệnh đột nhiên trở nên bất cẩn. Tiếp đó, bạn có nguy cơ đãng trí hoặc lãnh đạm với mọi thứ xung quanh. Điều này sẽ gây khó khăn cho bạn trong việc duy trì lối suy nghĩ đúng đắn như trước.
4. Bệnh Huntington
Huntington là một bệnh lý mang tính di truyền, có khả năng gây tổn hại cho các tế bào thần kinh trong não và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người bệnh. Thông thường, bệnh sẽ xuất hiện ở những người trong độ tuổi 30–40. Bạn có thể gặp khó khăn để suy nghĩ rõ ràng, chẳng hạn như đi va vào tường hay quên cách đánh răng.
Các biểu hiện đầu tiên của bệnh Huntington thường bao gồm:
- Thay đổi tính cách
- Thay đổi tâm trạng: bồn chồn, khó chịu…
- Thay đổi hành vi
Tuy nhiên, lúc này rất ít người có khả năng nhận thức bản thân đang mắc bệnh, vì những dấu hiệu trên hay bị đánh giá là “đại diện” của những vấn đề sức khỏe khác.
5. Bệnh đa xơ cứng (MS)
Đa xơ cứng xảy ra khi các tế bào bạch cầu tấn công những dây thần kinh trong não và cột sống. Tình trạng này có nguy cơ gây ra một loạt vấn đề nghiêm trọng như rối loạn chức năng ở bàng quang hay không thể di chuyển. Trong một số trường hợp hy hữu, bệnh còn có khả năng dẫn đến cảm giác hưng phấn hay hạnh phúc bất thường. Nếu những triệu chứng này kéo dài, bạn có thể hoàn toàn chìm trong ảo tưởng của bản thân. Mặt khác, bệnh đa xơ cứng cũng có thể khiến bạn khóc hoặc cười không kiểm soát được.
Bạn có thể muốn đọc tiếp: Bạn biết gì về vật lý trị liệu cho bệnh đa xơ cứng
6. Bệnh tuyến giáp
Tuyến giáp chịu trách nhiệm tạo ra các hormone ảnh hưởng đến tốc độ làm việc của cơ thể. Nếu lượng hormone này được sinh sản quá nhiều, cơ thể sẽ đẩy nhanh tốc độ hoạt động bất thường. Điều này có thể dẫn đến những cảm xúc tiêu cực như:
- Cáu kỉnh
- Lo lắng
- Thay đổi tâm trạng đột ngột
Ngược lại, nếu tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hormone đặc hiệu trên, tính cách của bạn sẽ có phần “nhạt”. Bạn có thể hay quên và gặp khó khăn khi phải suy nghĩ về một điều gì đó. Thực tế, bệnh tuyến giáp có nguy cơ tạo tác động nặng đến não nếu bạn không sớm điều trị.
Bạn có thể muốn tìm hiểu: 1001 thắc mắc về bệnh tuyến giáp ở phụ nữ.
7. U não
Sự xuất hiện của khối u ở thùy trán (khu vực phía trước não) có khả năng ảnh hưởng đến những vấn đề liên quan đến:
- Tính cách
- Cảm xúc
- Trí nhớ
Nếu được chẩn đoán dương tính với bệnh u não, bạn thường sẽ gặp phải hai tình trạng là nhầm lẫn và hay quên. Điều này có thể gây thay đổi tâm trạng, khiến bạn trở nên hung hăng hơn hoặc có nhiều suy nghĩ hoang đường.
8. Một số loại ung thư
Các khối u trong não và tủy sống không phải là những tác nhân duy nhất có nguy cơ gây thay đổi tính cách. Nếu những tế bào đột biến phát sinh ở tuyến yên (tuyến não thùy), nơi kiểm soát hàm lượng hormone, chúng cũng có khả năng này. Điều này tương tự ở một số loại ung thư xảy ra trên khắp bộ phận cơ thể, chẳng hạn như:
- Ung thư biểu mô tuyến ở dạ dày
- Ung thư vú
- Ung thư ruột kết
- Ung thư phổi
- Ung thư tuyến tụy
9. Đột quỵ
Khi một bộ phận ở não không nhận đủ lượng máu cần thiết, những tế bào ở đó sẽ dần chết do thiếu oxy. Hậu quả của đột quỵ phụ thuộc vào thời gian tình trạng này kéo dài và vị trí các tế bào não chịu tổn thương. Thông thường, bạn sẽ không thể di chuyển một số bộ phận, chẳng hạn như tứ chi. Trong nhiều trường hợp, đột quỵ cũng gây thay đổi tính cách, bao gồm:
- Dễ mất kiên nhẫn
- Bốc đồng
- Hay cáu gắt
- Thay đổi tâm trạng nghiêm trọng
Bạn có thể muốn đọc thêm: Thói quen có thể gây bệnh đột quỵ.
10. Chấn thương sọ não
Sau khi đầu chịu một tác động nặng nề, những thay đổi trong tính cách có thể là triệu chứng tiềm ẩn của tình trạng chấn thương sọ não. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bạn có thể trở thành một con người hoàn toàn khác so với trước đây, bao gồm các thói quen, cách đi đứng, làm việc, nói chuyện…
11. Trầm cảm
Bệnh trầm cảm có khả năng ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của bạn. Vấn đề sức khỏe này không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng mà còn cả về những điều bạn suy nghĩ đến, khả năng ghi nhớ và cách bạn đưa ra quyết định. Thậm chí, nhận thức về thế giới xung quanh cũng sẽ thay đổi. Những triệu chứng của trầm cảm có thể khác nhau, phụ thuộc vào giới tính của người bệnh. Chẳng hạn như, nếu là nữ, bạn có thể cảm thấy bản thân vô dụng, buồn bã và tội lỗi. Trong khi đó, nếu là đàn ông, người bệnh sẽ có xu hướng mệt mỏi, hay cáu gắt và tức giận.
12. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
Bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế làm cho bạn cảm thấy lo lắng và có những suy nghĩ cũng như “động lực” để không ngừng các “thói quen” bất thường. Ví dụ như: bạn luôn lo sợ tay mình nhiễm trùng và rửa tay mỗi ngày với tần suất nhiều. Hệ quả của bệnh này là đôi khi bạn có thể nghi ngờ bản thân.
Ngoài ra, bạn cũng sẽ tốn nhiều thời gian hơn cần thiết để hoàn thành các công việc được giao, dù đôi khi chúng thật sự đơn giản. Tình trạng có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn nếu có người chỉ trích “thói quen” của bạn. Bởi vì điều này khiến bạn càng thêm lo lắng và kích động.
13. Rối loạn lưỡng cực
Bệnh rối loạn lưỡng cực gây ra những thay đổi tâm trạng bất thường. Khi hưng phấn, bạn có thể cảm thấy kích động, nói nhanh và chấp nhận những thử thách với tỷ lệ rủi ro cao. Ngược lại, khi tinh thần đi xuống, bạn sẽ thấy lo lắng, mệt mỏi và nhiều lúc cho rằng bản thân vô dụng.
Đôi khi bạn cũng có thể cảm thấy vui, buồn cùng một lúc. Những thay đổi trạng thái cảm xúc nhanh chóng như thế này sẽ tạo tác động mạnh mẽ đến giấc ngủ cũng như năng lượng trong cơ thể. Từ đó, khả năng tư duy có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Bạn có thể muốn biết: Cùng người thân đối diện với chứng rối loạn lưỡng cực.
14. Tâm thần phân liệt
Người mắc bệnh tâm thần phân liệt thường gặp ảo giác thính giác và thị giác. Bên cạnh đó, họ cũng có xu hướng tin vào những điều hoang đường, không có cơ sở thực tại. Khi bệnh mới phát sinh, bạn có thể chỉ cảm thấy khó hòa đồng. Tuy nhiên, khi tình trạng này trở nặng, ngay cả khả năng giao tiếp với mọi người xung quanh cũng sẽ gặp trở ngại. Lúc này, bạn sẽ có những thói quen bất thường và hành động mất kiểm soát.
[embed-health-tool-bmi]