Cảm giác đói bụng liên tục ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày cũng như hiệu suất trong công việc. Có nhiều yếu tố gây ra tình trạng này, chúng có thể là dấu hiệu của việc bạn ăn không đủ no hoặc là điềm báo bạn đang mắc một căn bệnh nguy hiểm. Vậy hay đói bụng là bệnh gì? Cách khắc phục ra sao? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết bài viết ngay sau đây nhé!
1. Nguyên nhân lúc nào cũng đói bụng?
Nhưng nếu bạn luôn cảm thấy đói bụng, ngay cả khi bạn đã ăn đúng giờ thì đó không phải là một dấu hiệu tốt. Dưới đây là những lý do cơ bản khiến một người luôn đói.
1.1 Không ăn đủ lượng protein trong ngày
Protein đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát sự thèm ăn vì khả năng giảm cảm giác đói bụng giúp bạn tự động tiêu thụ ít calo hơn trong cả ngày. Protein hoạt động bằng cách tăng sản xuất hormone báo hiệu cảm giác no và giảm mức độ hormone kích thích cảm giác đói. Nếu cơ thể được cung cấp đủ protein, bạn sẽ no lâu hơn. Ngược lại, dù ăn nhiều nhưng không đủ protein, bạn sẽ luôn thấy mình ăn nhiều nhưng vẫn đói.
1.2 Do thiếu ngủ
Giấc ngủ ngon là điều cần thiết để duy trì chức năng của não và hệ thống miễn dịch. Ngủ đủ giấc cũng giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim hoặc ung thư. Không chỉ vậy, thói quen ngủ đủ giấc còn giúp giảm cảm giác thèm ăn vì nó điều chỉnh nồng độ hormone ghrelin, một loại hormone kích thích sự thèm ăn và gây ra cảm giác đói. Ngủ đủ giấc cũng giúp giữ mức leptin của bạn ở mức bạn cần để cảm thấy no và kiểm soát sự thèm ăn của bạn. Để đảm bảo kiểm soát cơn đói thích hợp, bạn phải ngủ đủ 7-9 tiếng mỗi đêm.
1.3 Do ăn quá nhiều carbohydrate tinh chế
Carbohydrate tinh chế được chế biến để loại bỏ chất xơ, vitamin, khoáng chất, loại carb này thường có trong bánh mì, mì ống, nước ngọt, kẹo… Carbohydrate tinh chế thiếu chất xơ nên cơ thể tiêu hóa rất nhanh khiến bạn bị đói nhanh hơn.
Thói quen ăn nhiều carbohydrate tinh chế cũng có thể khiến lượng đường trong máu của bạn tăng vọt nhanh chóng, có thể dẫn đến tăng nồng độ insulin, điều này có thể khiến lượng đường trong máu giảm đột ngột. Đây là một lý do khác khiến bạn thường xuyên cảm thấy đói nếu tiếp tục tiêu thụ carbohydrate tinh chế trong chế độ ăn hàng ngày. Bạn nên ưu tiên các loại thực phẩm lành mạnh, không tinh chế và giàu chất xơ như rau, trái cây, đậu và ngũ cốc nguyên hạt để kiềm chế cơn đói và cảm giác thèm ăn.
1.4 Chế độ ăn của bạn thiếu chất béo
Chất béo giúp bạn no lâu hơn, đó là do thời gian vận chuyển chất béo qua hệ tiêu hóa chậm, có nghĩa là thời gian tiêu hóa và lưu trữ chất béo trong dạ dày mất nhiều thời gian hơn.
Chất béo cũng thúc đẩy việc giải phóng các hormone cảm giác no khác nhau. Vì vậy, ăn hoài mà vẫn đói bụng có thể là do chế độ ăn ít chất béo. Không phải tất cả các chất béo đều có hại, một số loại chất béo, chẳng hạn như axit béo omega-3 và chất béo trung tính, đã được chứng minh là có tác dụng ngăn chặn sự thèm ăn. Bạn có thể ăn các chất béo lành mạnh như cá hồi, cá ngừ và cá thu, quả óc chó, hạt lanh, bơ, dầu ô liu, trứng, sữa chua nguyên chất để tăng cường năng lượng cho cơ thể.
1.5 Do không uống đủ nước
Nước còn có tác dụng tạo cảm giác no và giảm cảm giác thèm ăn khi uống trước bữa ăn. Khát nước có thể bị nhầm lẫn với đói, vì vậy, nếu bạn vẫn đói bụng, hãy uống một hoặc hai ly nước ngay lập tức để xem điều đó có giúp ích không. Để đảm bảo cơ thể được cung cấp đủ nước, hãy uống đủ ít nhất 2 lít nước mỗi ngày và ăn nhiều thực phẩm chứa nước bao gồm trái cây, rau xanh … để đảm bảo lượng nước trong cơ thể luôn được duy trì ở mức ổn định
1.6 Do không tập trung khi ăn
Lúc nào cũng bận rộn khiến bạn dễ mất tập trung vào bữa ăn. Kết quả là, cơ thể không nhận thấy bạn đang ăn bao nhiêu và bạn thường xuyên đói. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người làm việc khác trong khi ăn thường dễ đói bụng hơn những người chỉ tập trung vào việc ăn cơm.
1.7 Ăn quá nhanh cũng khiến bạn bị đói
Tốc độ ăn cũng tác động không nhỏ đến việc khiến bạn nhanh đói. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người ăn nhanh thường có cảm giác thèm ăn hơn và có xu hướng ăn nhiều hơn những người ăn chậm. Tuy nhiên, người ăn nhiều cũng dễ bị thừa cân béo phì, vì vậy hãy cố gắng ăn chậm bằng cách hít thở sâu trước bữa ăn, nhai kỹ, từ tốn thưởng thức hương vị của từng món ăn để giảm cảm giác đói.
1.8 Do ăn thiếu chất xơ
Nếu không bổ sung đủ chất xơ trong bữa ăn hàng ngày, bạn sẽ thường xuyên cảm thấy đói. Thực phẩm giàu chất xơ rất hữu ích trong việc kiểm soát cơn đói, vì chúng có tác dụng làm chậm quá trình tiêu hóa. Ngoài việc giúp giảm cảm giác đói, chất xơ có liên quan đến một loạt các lợi ích sức khỏe khác, chẳng hạn như giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường và béo phì.
1.9 Do tập thể dục quá nhiều
Hoạt động thể chất thường xuyên giúp đốt cháy nhiều calo hơn, đặc biệt nếu bạn vận động mạnh trong thời gian dài. Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng những người vận động mạnh có khả năng trao đổi chất cao hơn, quá trình trao đổi chất diễn ra nhanh hơn, nên thường xuyên có cảm giác đói bụng hơn so với những người ít hoạt động.
1.10 Mắc bệnh cường giáp
Cường giáp xảy ra khi tuyến giáp sản xuất nhiều hormone hơn mức cơ thể cần. Khi lượng hormone tuyến giáp quá cao, cơ thể đốt cháy calo nhanh hơn nhiều và làm tăng cảm giác đói. Nếu nồng độ hormone tăng quá cao, cường giáp có thể xảy ra. Nó có thể đe dọa tính mạng nếu không được chẩn đoán và điều trị ngay lập tức, bởi bệnh cường giáp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, như: biến chứng tim mạch với nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp tim nặng. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy tim.
1.11 Béo phì
Ăn quá nhiều có thể dẫn đến tăng cân, nhưng ngược lại, béo phì cũng có thể khiến bạn luôn cảm thấy đói bụng. Chất béo dư thừa có thể làm tăng mức insulin và kích thích sự thèm ăn. Thêm vào đó, các tế bào mỡ khiến cơ thể bạn ít nhạy cảm hơn với leptin, hormone tạo cảm giác no, vì vậy bạn sẽ không cảm thấy no ngay cả khi ăn nhiều.
Để cải thiện tình trạng này, bạn cần phải cẩn thận khi chọn thực phẩm lành mạnh và thúc đẩy quá trình giảm cân như bơ, cá hồi, quả óc chó, ngũ cốc, v.v. để thỏa mãn cơn đói và tránh việc ảnh hưởng đến cân nặng. Uống nhiều nước cũng là cách giúp cơ thể bạn no lâu hơn.
1.12 Bệnh tiểu đường
Cả bệnh tiểu đường loại 1 và loại 2 đều làm rối loạn lượng đường trong máu và thường kích thích cảm giác thèm ăn và hay đói bụng để cân bằng lại lượng đường. Tuy nhiên, ngay cả khi bạn đói, hãy cố gắng giữ lượng đường trong máu ở mức ổn định bằng cách tránh các loại thực phẩm giàu tinh bột, thực phẩm chế biến sẵn hoặc có đường. Thay vào đó, rau, sữa chua, trái cây và các loại hạt… là những lựa chọn lành mạnh và giảm cảm giác đói hiệu quả mà không khiến chúng ta bị tăng cân.
1.13 Chu kỳ kinh nguyệt
Sự thay đổi nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt có thể khiến bạn thèm đồ ngọt và thường xuyên cảm thấy đói bụng, và cần nhiều calo hơn để bù đắp cho sự thiếu hụt dinh dưỡng. Phụ nữ có xu hướng cảm thấy đầy hơi, mệt mỏi và mất nước trong kỳ “đèn đỏ”, nên các chị em cần bổ sung nhiều nước và thực phẩm giàu chất sắt như hải sản, thịt đỏ, gan, các loại ngũ cốc… để bù lại lượng máu đã mất cho cơ thể khỏe mạnh.
1.14 Hạ đường huyết
Lượng đường trong máu thấp hoặc hạ đường huyết cũng có thể làm cho một người thường xuyên đói. Khi lượng đường trong máu giảm xuống, não bắt đầu phát tín hiệu rằng cơ thể cần nhiên liệu, khiến người bệnh cảm thấy đói. Nguyên nhân có thể là do quá nhiều insulin hoặc sử dụng thuốc điều trị tiểu đường, chúng làm cho lượng đường trong máu của bạn giảm xuống quá thấp. Nhưng các vấn đề sức khỏe khác như viêm gan và các vấn đề về thận cũng có thể gây ra lượng đường trong máu thấp.
1.15 Nhiễm giun sán
Đói bụng, ngay cả sau khi ăn đúng giờ, có thể là dấu hiệu của nhiễm giun sán trong ruột, do giun có thể cướp đi các chất dinh dưỡng thiết yếu của cơ thể, chính vì thế nên khiến bạn đói thường xuyên hơn, đặc biệt là vào sáng sớm. Thậm chí còn bị sụt cân dù cho bạn có ăn nhiều đến đâu
2. Một số biện pháp xử lý trình trạng đói bụng liên tục
Tùy theo nguyên nhân sẽ có một số cách xử lý tình trạng này đói bụng liên tục. Phần lớn là do chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và luyện tập, thì chúng ta chỉ cần thay đổi lối sống, ăn uống khoa học để giảm thiểu tình trạng này.
2.1 Duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng
Một chế độ ăn uống cân bằng và đủ chất dinh dưỡng sẽ cung cấp đủ chất cho cơ thể. Một bữa ăn nên có protein, chất béo lành mạnh, chất xơ như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, cá, thịt gia cầm … Bạn cũng nên chế biến món ăn dưới nhiều hình thức, điều đó sẽ giúp bạn no lâu hơn. Ngoài ra, bạn cần uống đủ nước, hạn chế đồ uống có cồn.
Khi bạn ăn, hãy tập trung vào bữa ăn thay vì để tâm đến các hoạt động khác. Bạn cần nhai kỹ thức ăn, ăn chậm để đảm bảo thức ăn được tiêu hóa hết. Thời gian đầu khi điều chỉnh chế độ ăn uống, bạn có thể vẫn cảm thấy đói, điều đó là hoàn toàn bình thường, và nó sẽ tự hết sau một vài ngày
2.2 Giữ chế độ sinh hoạt khoa học
Sinh hoạt điều độ chính là cách giúp bạn duy trì một cơ thể khỏe mạnh và ngăn chặn cơn đói. Phải ăn đúng bữa, đủ bữa. Ngủ đủ giấc, tốt nhất là 8 tiếng mỗi đêm. Cân bằng giữa giờ làm việc và nghỉ ngơi giúp bạn tránh được căng thẳng. Để quản lý mức độ căng thẳng, bạn có thể áp dụng một số mẹo dưới đây:
- Nghe nhạc
- Xem video hài hước, đọc truyện cười, biện pháp này sẽ giúp bạn giải tỏa căng thẳng.
- Trò chuyện cùng người thân, bạn bè
- Tích cực đi dạo, hãy cảm nhận không khí trong lành, không gian thoáng đãng và ánh sáng mặt trời sẽ giúp bạn thấy thư thái hơn.
- Ngồi thiền sẽ tạo thời gian cho bạn thả lỏng cả cơ thể và trí óc.
2.3 Rèn luyện cơ thể hợp lý
Bạn nên tập thể dục thường xuyên vì nó giúp duy trì sức khỏe thể chất. Tuy nhiên, cần lưu ý chọn bài tập vừa sức và tập với cường độ phù hợp với thể lực, vì tập luyện quá sức luôn khiến bạn đói bụng nhanh chóng.
Để giảm cảm giác đói bụng quá mức sau khi tập luyện, chỉ cần bổ sung một lượng lớn calo lành mạnh trước khi tập luyện. Chọn thực phẩm giàu chất xơ, protein và chất béo tốt vì chúng sẽ giúp bạn no lâu và khỏe mạnh.
Điều quan trọng cần lưu ý là các giải pháp này chủ yếu áp dụng cho các vận động viên và cá nhân tập thể dục thường xuyên ở cường độ cao hoặc trong một thời gian dài. Nếu bạn tập thể dục vừa phải và vẫn đói, vấn đề có thể nằm ở chỗ khác.
2.4 Tìm kiếm sự trợ giúp từ bác sĩ
Nếu thấy khó khăn trong việc xây dựng thực đơn, chế độ tập luyện, bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng. Điều này đặc biệt cần thiết nếu sau một thời gian thay đổi chế độ mà cơn đói vẫn “bám riết” bạn.
Đến thăm khám tại các cơ sở y tế cũng giúp bạn đảm bảo chắc chắn rằng tình trạng đang gặp phải không xuất phát từ bệnh lý. Nếu có thì bạn cũng sẽ được chữa trị kịp thời. Nếu triệu chứng đói bụng liên tục là do tác dụng phụ của thuốc, bác sĩ sẽ cân nhắc đổi loại thuốc cho bạn.
Cơn đói không phải là tình trạng nguy hiểm, đe dọa tới tính mạng. Nhưng nếu bạn có cảm giác thèm ăn liên tục đi kèm với các triệu chứng sau hãy tới gặp bác sĩ ngay:
- Đau bụng dữ dội
- Tiêu chảy
- Buồn nôn
- Chóng mặt
- Đau đầu
- Sốt
- Mệt mỏi
Như vậy, trình trạng hay đói bụng liên tục là dấu hiệu cảnh báo tình trạng bất hợp lý trong dinh dưỡng, sinh hoạt, tập luyện của bạn, nó cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý cần điều trị. Hãy nhớ là bạn không nên chủ quan với triệu chứng này. chúng tôi cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi bài viết