Bạn từng có ý định ngồi lướt mạng xã hội một lúc nhưng lại ngốn hàng giờ trên đó mà không biết. Bạn có biết nguyên nhân nghiện mạng xã hội đằng sau đó là gì? Điều gì thu hút và níu kéo bạn ở lại lâu trên mạng xã hội như vậy?
Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân nghiện mạng xã hội thực sự của giới trẻ hiện nay qua bài viết sau!
Mạng xã hội là gì?
Theo định nghĩa của Hiệp hội Tiếp thị Hoa Kỳ – American Marketing Association mạng xã hội hay phương tiện truyền thông (social media / social network), là những công cụ, phương tiện truyền thông, tiếp thị và là nơi kết nối người dùng với nhau.
Mạng xã hội cũng còn được hiểu là dùng để chỉ các nền tảng và các ứng dụng trực tuyến mà người dùng có thể sử dụng để kết nối với nhau qua internet. Trong số đó có thể kể đến như Facebook, Instagram, Twitter, Telegram, TikTok, LinkedIn, WhatsApp, WeChat…
Thực trạng sử dụng mạng xã hội hiện nay
Từ cuối những năm 1995 và đầu năm 2000, các nền tảng mạng xã hội bắt đầu trở nên phổ biến và nền tảng đi đầu và phổ biến nhất ở thời điểm đó chính là Yahoo!. Đến nay mạng xã hội còn phát triển mạnh mẽ hơn gấp nhiều lần, dù chỉ mới hơn 20 năm.
Quả thật, không ai có thể phủ nhận những lợi ích và những tiện lợi mà mạng xã hội mang đến cho con người và cho xã hội. Cũng chính vì những lợi ích và những sự tiện lợi này mà con người dường như trở nên phụ thuộc và có cảm giác bị nghiện mạng xã hội.
Theo thống kê mới nhất năm 2024 của WorldMetrics và Lotus Behavioral Health về thực trạng sử dụng mạng xã hội của mọi người trên toàn thế giới:
Số liệu thống kê về thực trạng sử dụng mạng xã hội (05/2024)
- 61,4% tổng dân số thế giới là người dùng mạng xã hội.
- Tỷ lệ nghiện mạng xã hội là 12% trên toàn cầu vào năm 2021.
- Đến tháng 4 năm 2024, số lượng người dùng mạng xã hội đã tăng lên 5,07 tỷ.
- Tính đến năm 2021 ở Mỹ, gần 28% thanh niên từ 18-34 tuổi kiểm tra tài khoản mạng xã hội của họ ngay sau khi thức dậy.
- Thời gian trung bình dành cho mạng xã hội mỗi ngày trên toàn cầu trong quý 2 năm 2023 là 2 giờ 24 phút.
- Thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội từ 3 giờ trở lên mỗi ngày có nguy cơ cao mắc các vấn đề về sức khỏe tinh thần.
Nguyên nhân nghiện mạng xã hội
Sau khi đã tìm hiểu về mạng xã hội và những thông tin mới nhất về mạng xã hội, tiếp theo đây chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về các nguyên nhân vì sao mạng xã hội có khả năng gây nghiện mọi người đến mức như vậy.
1. Vòng lặp dopamine (hóa học não bộ)
Sử dụng mạng xã hội có thể dẫn đến chứng nghiện, bởi các hoạt động trên mạng xã hội có thể kích hoạt hệ thống phần thưởng của não bộ, giải phóng dopamine (chất hóa học tạo cảm giác dễ chịu).
Dopamine là chất dẫn truyền thần kinh hay còn được gòi là hormone hạnh phúc, nó liên quan đến hoạt động thần kinh và sinh lý. Đây là chất hóa học bộ não tiết ra ra tương tự khi chúng ta ăn uống, quan hệ tình dục, đánh bạc hoặc sử dụng điện thoại thông minh. Khi sử dụng mạng xã hội, người dùng nhận được những bình luận, những lượt thích như là một sự ủng hộ dành cho họ. Từ đó tạo ra cảm giác vui vẻ, hưng phấn và củng cố cho hành vi tiếp tục sử dụng sau đó.
Cứ như thế, vòng lặp được củng cố, chu kỳ sử dụng mạng xã hội, được tạo động lực, được khen thưởng và sử dụng tiếp tục. Theo thời gian nó hình thành một thói quen và người sử dụng chỉ việc duy trì đúng một hành động đó là đăng nhập vào mạng xã hội.
2. Hiện tượng FOMO – Fear of missing out
FOMO là một hiệu ứng tâm lý khiến bạn có cảm giác sợ hãi nếu bạn bỏ lỡ những điều thú vị và hay ho trong cuộc sống, khi mà người khác được trải nghiệm còn bạn thì không.
Một nghiên cứu mô tả hiệu ứng FOMO là cảm giác lo lắng khi mọi người xung quanh có thể đang có những trải nghiệm vui vẻ và thú vị hơn bạn. Tâm lý lo lắng này thôi thúc bạn phải liên tục cập nhật và bám sát mọi xu hướng, mọi trào lưu của xã hội và xem bạn bè đang làm gì. Đó chính là lý do vì sao bạn cứ phải kiểm tra điện thoại và truy cập vào mạng xã hội liên tục.
3. Nhu cầu thuộc về và nhu cầu được chấp nhận
Tuổi vị thành niên là tuổi ẩm ương, giai đoạn chuyển giao giữa thời ấu thơ và tuổi trưởng thành, là khi ảnh hưởng của cha mẹ giảm đi và ảnh hưởng của bạn bè bắt đầu trở nên lớn hơn.
Trong giai đoạn niên thiếu, nhu cầu được chấp nhận từ bạn bè và cảm giác thuộc về tăng lên. Thanh thiếu niên rất nhạy cảm với sự từ chối và chấp nhận. Họ có thể dễ dàng bốc đồng, bồng bột. Việc được chấp nhận hay bị từ chối trên mạng xã hội có những tác động nhất định đối với hoạt động và sự phát triển của não bộ.
4. Di truyền học
Nghiện mạng xã hội được các chuyên gia nghiên cứu hành vi gọi là chứng nghiện hành vi (behavioral addiction); ví dụ như mua sắm trực tuyến.
Ngoài ra các chuyên gia còn cho biết những người mắc phải chứng nghiện sử dụng chất cũng có thể làm gia tăng tỷ lệ bị nghiện mạng xã hội. Chưa kể, nếu cha mẹ bạn là người từng bị nghiện thì khả năng di truyền sang bạn là có thể xảy ra.
5. Vòng luẩn quẩn lặp đi lặp lại
Khi tham gia mạng xã hội, người dùng như lao vào một vòng luẩn quẩn, dẫn đến nghiện mạng xã hội và nghiêm trọng hơn họ có thể mắc một số tình trạng sức khỏe tâm thần khác:
- Người dùng sử dụng các trang mạng xã hội để giảm bớt sự cô đơn, trầm cảm, lo lắng, buồn chán hoặc sự cô lập.
- Càng sử dụng, hiệu ứng FOMO càng tăng, cảm giác không thỏa đáng, không hài lòng và cảm giác bị cô lập.
- Điều này lại tác động tiêu cực đến tâm trạng, làm trầm trọng thêm các triệu chứng trầm cảm và lo lắng.
- Người dùng lại tiếp tục tăng cường sử dụng mạng xã hội để làm giảm các triệu chứng cô đơn, lo lắng này, nhưng chu kỳ vẫn tiếp tục lặp lại.
Dù cho có bao nhiêu lượt thích hoặc bình luận thế nào, cũng không thể khiến họ thấy đủ hay được chấp nhận như họ đang tìm kiếm. Vòng luẩn quẩn này cũng giống như một con chuột đồng chạy trên bánh xe, liên tục theo đuổi một phần thưởng không tồn tại.
Các yếu tố dễ gây nghiện mạng xã hội
Đối tượng dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội thường là thanh thiếu niên. Ngoài ra, còn một số yếu tố khác khiến người dùng dễ gây nghiện mạng xã hội như:
- Giới tính nữ: Các bạn nam thường có xu hướng nghiện chơi game, các bạn gái lại có nhiều khả năng bị thu hút bởi các trang mạng xã hội hơn.
- Môi trường gia đình: Những bạn trẻ sống trong môi trường thiếu sự quan tâm, yêu thương hoặc các thành viên trong gia đình ít giao tiếp với các bạn nhỏ, phụ huynh không dành thời gian chất lượng cho con…sẽ thường giải tỏa, giải trí bằng mạng xã hội.
- Trầm cảm, lo lắng: Trầm cảm hay chứng rối loạn lo âu xã hội làm tăng khả năng thanh thiếu niên chìm mình vào mạng xã hội.
- Tính bốc đồng và sự ức chế: Tính bốc đồng của tuổi trẻ và khả năng kiểm soát cảm xúc chưa tốt có thể khiến thanh thiếu niên làm bất cứ điều gì mà không quan tâm đến hậu quả. Điều này dẫn đến nghiện nói chung.
- Tự ti về ngoại hình: Một số bạn gái tự ti ngoại hình, nhưng lý tưởng hoá về bản thân, chỉnh sửa và đăng những hình ảnh ảo. Những phản hồi tích cực này lại càng thúc đẩy họ nghiện mạng xã hội.
Cách ngăn ngừa, cai nghiện mạng xã hội
Hệ thống phần thưởng của não bộ thường hoạt động rất tích cực ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Vì vậy cần một số các biện pháp ngăn ngừa việc kích hoạt hệ thống phần thưởng, giúp cai nghiện mạng xã hội như:
- Tắt thông báo điện thoại.
- Thiết lập thời điểm và giới hạn thời gian truy cập mạng xã hội.
- Phụ huynh cần làm gương cho con về việc sử dụng mạng xã hội mà bạn đã đặt ra cho con mình.
- Cởi mở và trò chuyện với bạn bè của mình, thảo luận về mức độ nguy hiểm của chứng nghiện mạng xã hội.
Để ngăn ngừa từ sớm cho bản thân trước vòng luẩn quẩn cơn nghiện mạng xã hội hội, bạn cần:
- Thiết lập thói quen sử dụng mạng xã hội lành mạnh từ sớm
- Tìm hiểu về các tình trạng rối loạn sức khỏe tinh thần và các hiệu ứng trong tâm lý học.
- Ngăn chặn những phiền nhiễu gây mất tập trung như tắt thông báo, xoá ứng dụng trong khi đang làm việc và học tập.
Câu hỏi thường gặp
Biểu hiện của nghiện mạng xã hội là gì?
Vô thức sử dụng smartphone (điện thoại thông minh), cập nhật mọi thứ lên Facebook, cảm thấy khó chịu ở mức ám ảnh nếu không được sử dụng mạng xã hội; đó là những dấu chứng minh bạn ‘nghiện’ mạng xã hội.
Tác hại của việc nghiện mạng xã hội là gì?
Nghiện mạng xã hội dẫn đến các ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dùng, trong đó các dấu hiệu đặc trưng chứng minh cần gặp bác sĩ bao gồm: Rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu. Gia tăng sự cô lập, cô đơn. Giảm kết quả học tập, giảm năng suất công việc.
Bên cạnh việc tìm hiểu các nguyên nhân nghiện mạng xã hội, bạn cũng nên biết đến nhũng tác hại của mạng xã hội, từ đó giúp bạn ý thức hơn về việc cai nghiện mạng xã hội.
Kết luận
Bạn cần nhận thức sớm về nguyên nhân nghiện mạng xã hội và hậu quả của nó. Nếu biết áp dụng những phương pháp để hạn chế tiếp xúc điện thoại và sử dụng mạng xã hội đúng mục đích, đúng thời gian phù hợp, bạn vẫn có thể kiếm soát và không bị mắc chứng nghiện này.
[embed-health-tool-bmi]