Osteopenia hay còn gọi là tình trạng thiếu xương, thường bị nhầm lẫn với bệnh loãng xương (Osteoporosis). Bạn có biết cách phân biệt tình trạng osteopenia và bệnh loãng xương?
Tình trạng osteopenia cho thấy bạn có mật độ xương thấp hơn bình thường. Mật độ xương (BMD) là hàm lượng canxi và khoáng chất trong xương của bạn. Những người mắc phải osteopenia có BMD thấp hơn bình thường, nhưng đây chưa phải là bệnh. Tuy nhiên, một người bị osteopenia sẽ có nguy cơ mắc bệnh loãng xương.
Bạn hãy cùng DIEPHM tìm hiểu thêm về yếu tố nguy cơ, cách chẩn đoán và biện pháp điều trị osteopenia nhé!
1. Yếu tố nguy cơ gây osteopenia
Lão hóa là yếu tố nguy cơ phổ biến nhất đối với chứng osteopenia. Sau khi khối lượng xương đạt đến đỉnh điểm, tốc độ cơ thể phá hủy xương cũ sẽ nhanh hơn so với việc tái tạo xương mới, điều đó có nghĩa là mật độ xương sẽ giảm dần. Nếu bạn mất xương quá nhiều, khối lượng xương có thể giảm xuống thấp sẽ là điều kiện để đánh giá bệnh osteopenia.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải osteopenia bao gồm:
- Hút thuốc lá
- Lớn hơn 50 tuổi
- Không tập thể dục
- Mãn kinh trước 45 tuổi
- Tiền sử gia đình có BMD thấp
- Dùng quá nhiều rượu hoặc caffeine
- Cắt bỏ buồng trứng trước khi mãn kinh
- Dùng thuốc kháng viêm prednisone hoặc phenytoin
- Chế độ ăn uống kém dinh dưỡng, thiếu canxi và vitamin D
2. Phân biệt osteopenia và loãng xương
Để tránh nhầm lẫn về hai tình trạng xương này, bạn cần nhận biết rõ:
• Osteopenia: Là tình trạng khối lượng xương thấp hơn so với bình thường, tuy nhiên sự suy giảm không quá nghiêm trọng, chỉ là yếu tố nguy cơ dẫn đến loãng xương. Osteopenia thường gặp ở người trên 50 tuổi có mật độ xương thấp. Để chẩn đoán chính xác osteopenia và loãng xương, bác sĩ sẽ đo mật độ khoáng chất của xương.
• Loãng xương: Là bệnh do sự suy giảm trầm trọng khối lượng xương. Điều này do sự thiếu hụt canxi, vitamin D, magiê, vitamin và những khoáng chất khác. Nếu bệnh loãng xương tiến triển nặng dần, người bệnh có khả năng bị suy giảm chiều cao, gù lưng, đau nhức xương… Theo Hội loãng xương của Mỹ, bệnh loãng xương đã ảnh hưởng đến 10 triệu người Mỹ phần lớn là phụ nữ.
Việc đo mật độ xương cho phép kiểm tra mức canxi trong xương, nhờ đó đánh giá được nguy cơ gãy xương và xác định bạn bị osteopenia hay loãng xương.
3. Cách chẩn đoán tình trạng osteopenia
Tổ chức Loãng xương Quốc tế khuyến cáo bạn nên kiểm tra mật độ xương nếu bạn có các yếu tố:
- Phụ nữ từ 65 tuổi trở lên
- Phụ nữ mãn kinh, hậu mãn kinh
- Có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh osteopenia
- Bị gãy xương do hoạt động bình thường, như tập thể dục, bê đồ đạc…
Bạn có thực hiện đo mật độ xương bằng cách phương pháp đo độ hấp thụ tia X hai nguồn năng lượng DXA. Xét nghiệm DXA thường đo mức mật độ xương ở cột sống, hông, cổ tay, ngón tay, cẳng chân hoặc gót chân. Mật độ xương thay đổi ở các vùng khác nhau trên cơ thể, vì thế bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện kiểm tra ở nhiều vùng xương để có thể đưa ra kết luận chính xác.
Sau khi thực hiện xét nghiệm, bạn sẽ có chỉ số T cho biết mật độ xương của bạn so với chỉ số tiêu chuẩn của người khỏe mạnh trong độ tuổi 30. Chỉ số có giá trị càng nhỏ thì nguy cơ bạn bị mắc các bệnh về xương càng cao.
• Từ –1 đến +1: Bình thường.
• Từ –1 đến –2,5: Bạn có mật độ xương thấp, nên cân nhắc mua thuốc ngăn ngừa loãng xương để làm chậm quá trình mất xương và giảm thiểu nguy cơ loãng xương.
• Từ –2,5 trở xuống: Bạn bị loãng xương. Bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc để giúp làm chậm hay thậm chí đảo ngược tiến trình loãng xương
4. Hướng điều trị tình trạng osteopenia
Osteopenia thường có thể tiến triển thành bệnh loãng xương làm tăng nguy cơ gãy xương, việc điều trị nhằm mục đích ngăn ngừa tình trạng này tiến triển. Các hướng điều trị bao gồm:
• Chế độ ăn uống phù hợp: Bạn nên bổ sung các loại thực phẩm làm tăng sức mạnh của xương giàu vitamin D và canxi. Các thực phẩm giàu canxi bao gồm rau xanh, sữa, cá, tôm… Nguồn thực phẩm chứa vitamin D bao gồm gan bò, các loại cá, ngũ cốc dinh dưỡng.
• Tập thể dục đều đặn: Thói quen tập thể dục có thể giúp bạn ngăn ngừa, điều trị osteopenia, giảm mất xương và có thể cải thiện mật độ xương. Chương trình tập luyện có thể bao gồm chống đẩy, khiêu vũ, leo cầu thang, đi bộ… Các bài tập giữ thăng bằng cũng thường được khuyến cáo để giúp ngăn ngừa té ngã đối với người lớn tuổi.
• Sử dụng thuốc: Các bác sĩ thường không khuyên dùng thuốc cho đến khi tình trạng tiến triển thành bệnh loãng xương. Tuy nhiên, nếu một người mắc phải osteopenia đã bị gãy xương, bác sĩ có thể kê đơn thuốc bisphosphonates, hoạt động bằng cách ngăn chặn sự tái hấp thu xương. Đối với những người có tình trạng nguy cơ tiến triển thành loãng xương, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng liệu pháp thay thế hormone.
5. Cách ngăn ngừa tình trạng osteopenia
Có rất nhiều cách giúp ngăn ngừa tình trạng osteopenia bao gồm thường xuyên tham gia tập thể dục giảm cân và có một chế độ ăn uống cân bằng bao gồm thực phẩm giàu canxi và vitamin D. Đồng thời, bạn cần điều chỉnh lối sống để ngăn ngừa osteopenia bao gồm:
• Tránh sử dụng nicotine: Việc hút thuốc và sử dụng các dạng nicotine khác có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể hấp thụ và duy trì canxi, có thể làm tăng tốc độ mất xương.
• Hạn chế dùng nước ngọt chứa phosphate: Một số loại nước ngọt như cola, có chứa axit phosphate, có thể làm giảm canxi trong xương. Ngoài ra, caffeine trong một số loại nước ngọt cũng có thể ảnh hưởng đến mật độ xương.
• Hạn chế sử dụng muối: Thực phẩm chứa nhiều muối có thể khiến cơ thể mất canxi và giảm mật độ xương. Một số thực phẩm chẳng hạn như thức ăn nhanh, thịt hộp… thường có lượng cao muối.
• Uống bổ sung dinh dưỡng: Bạn có thể hỏi bác sĩ về các loại thực phẩm bổ sung canxi để được tư vấn sử dụng hợp lý. Lượng canxi được khuyến nghị có thể thay đổi tùy theo tuổi, giới tính và các yếu tố khác đối với tình trạng osteopenia.
Dù bạn ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng đều có thể giúp xương chắc khỏe bằng cách duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, đảm bảo có đủ canxi và vitamin D. Ngoài ra, bạn có thể phơi nắng để cơ thể nhận đủ vitamin D, tuy nhiên bạn hãy lưu ý chỉ nên tắm nắng buổi sáng từ 6 – 8 giờ để tránh tổn thương da nhé!
Hoàng Trí HELLO BACSI
[embed-health-tool-bmi]