Khi thấy trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt, các bậc cha mẹ thường lo lắng không biết trẻ mắc bệnh gì và khắc phục ra sao.
Việc trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt là triệu chứng thường gặp và có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Việc xác định chính xác nguyên nhân sẽ giúp quá trình điều trị dễ dàng và hiệu quả hơn. Trong bài viết này, mời bạn cùng Sức khỏe khám phá những nguyên nhân và cách điều trị khi trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt.
6 nguyên nhân khiến trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt
Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt. Dưới đây là 6 nguyên nhân điển hình:
1. Trẻ bị nổi mề đay
Nếu bạn nhận thấy trẻ bị nổi mẩn đỏ ngứa như muỗi đốt nhưng trong khu vực sinh sống không có nhiều muỗi, có thể là bé đã bị nổi mề đay.
Nổi mề đay là tình trạng da nổi lên những mảng màu đỏ, từng cụm, có thể trông giống như vết muỗi đốt. Khi ấn vào, vết nổi mề đay thường chuyển sang màu trắng hoặc biến mất. Mề đay có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể và thường gây ngứa ngáy hoặc cảm giác châm chích.
Tình trạng nổi mề đay thường là biểu hiện của phản ứng dị ứng với thực phẩm (như đậu phộng, hải sản), phấn hoa, một số loại thuốc, vết đốt của côn trùng…
Việc điều trị mề đay cho trẻ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây ra, nhưng thường là dùng thuốc và tránh các tác nhân gây bệnh.
2. Bệnh chàm
Trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt có thể là do bệnh chàm. Đây là tình trạng phổ biến ở trẻ nhỏ, khiến da đỏ, khô, ngứa, sần sùi, bị kích ứng và đôi khi có thể nổi mụn. Theo thời gian, da của bé bị bệnh chàm có thể dày hơn, đóng vảy, bong tróc và đổi màu.
Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh chàm vẫn chưa được biết rõ. Có quan điểm cho rằng bệnh chàm xảy ra do sự kết hợp của các yếu tố di truyền và môi trường khiến hệ thống miễn dịch phản ứng thái quá với một số tác nhân nhất định, chẳng hạn như nước giặt hoặc mồ hôi.
Trẻ thường bị nổi những vết chàm ở má, khuỷu tay, đầu gối, da đầu và mu bàn tay. Việc điều trị bệnh đòi hỏi sự kết hợp giữa thuốc không kê đơn, thuốc theo toa và tự chăm sóc tại nhà.
3. Tay chân miệng
Nhiều cha mẹ cảm thấy lo lắng khi chợt nhận ra trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt khắp người, đặc biệt là ở vùng tay, chân, quanh miệng. Thực chất, tình trạng này là do trẻ đã mắc bệnh tay chân miệng – một căn bệnh truyền nhiễm do virus gây ra.
Triệu chứng đặc trưng của bệnh tay chân miệng là những nốt mụn nước nhỏ, màu đỏ, gây ngứa, nổi lên khắp tay, chân, bên ngoài và bên trong miệng của trẻ. Tuy nhiên, trước khi trở thành mụn nước, những nốt mụn này trông như phát ban. Do đó mà nhiều người cho rằng chúng trông giống như nốt muỗi đốt.
Bé bị nổi mẩn đỏ do tay chân miệng có thể trông mệt mỏi, biếng ăn hơn bình thường vì những nốt mụn nước trong khoang miệng gây đau rát, khó chịu khi ăn. Cha mẹ cần lưu ý không để trẻ gãi, nặn, chích, gỡ các nốt mụn nước vì có thể gây nhiễm trùng.
Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh tay chân miệng. Việc chăm sóc tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ có thể giúp triệu chứng bệnh mau thuyên giảm.
4. Trẻ bị rệp giường cắn
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC, Hoa Kỳ), vết cắn của rệp giường có thể trông giống như vết cắn của các loài côn trùng khác. Do đó, nếu cha mẹ nhìn thấy trẻ bị ngứa nổi mẩn đỏ như muỗi đốt, hãy tìm kiếm xem trên giường của bé có dấu hiệu của rệp giường hay không, chẳng hạn như:
- Có rệp hoặc xác rệp trên nệm
- Có vết máu nhỏ trên nệm
- Mùi mốc đặc trưng liên quan đến rệp giường
Bên cạnh đó, nếu các vết cắn trên da của trẻ xuất hiện theo đường thẳng thì rất có thể là do rệp giường gây ra. Mặc dù vậy, vết cắn của rệp giường cũng có thể xuất hiện ngẫu nhiên thành từng nhóm.
Ngoài ra, việc trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt cũng có thể do các loài côn trùng khác đốt, cắn. Do đó, cha mẹ cần quan sát kỹ các triệu chứng của con. Trong trường hợp nghiêm trọng, bạn nên đưa bé đi khám để được chẩn đoán và hỗ trợ điều trị.
5. Bé bị bệnh ghẻ
Bệnh ghẻ xảy ra do sự xâm nhập và đẻ trứng của loài ve Sarcoptes scabiei qua lớp da trên cùng. Loài ve này gây ra những tổn thương trên da với triệu chứng phổ biến nhất là nổi mẩn ngứa trông như vết muỗi đốt nhưng nhỏ hơn.
Trẻ thường nổi ghẻ ở cổ tay, khuỷu tay, giữa các ngón tay và khuỷu chân. Bệnh rất dễ lây lan giữa người với người qua tiếp xúc da kề da hoặc dùng chung đồ đạc.
6. Viêm da tiếp xúc
Trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt cũng có thể do viêm da tiếp xúc. Đây là tình trạng phát triển các phản ứng dị ứng khi da tiếp xúc với các dị nguyên như mủ cao su, kim loại, sản phẩm gia dụng…
Viêm da tiếp xúc có thể gây ngứa, đau, viêm và phồng rộp da. Việc điều trị có thể phải mất đến 2-3 tuần.
Nên làm gì khi trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt?
Tùy thuộc vào nguyên nhân khiến trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt mà sẽ có phương pháp điều trị phù hợp.
- Nếu nguyên nhân do nổi mề đay, trẻ có thể dùng thuốc kháng histamin, chườm mát vị trí nổi mẩn đỏ và tránh các tác nhân gây bệnh.
- Nếu trẻ bị bệnh chàm, ngoài việc cho trẻ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bạn cần tắm rửa sạch sẽ cho bé bằng sữa tắm dịu nhẹ cho da nhạy cảm để làm sạch da, giảm viêm và ngứa.
- Nếu bệnh tay chân miệng khiến trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt, bạn cần đưa bé đi khám để được kê đơn thuốc và hướng dẫn chăm sóc tại nhà.
- Nếu nguyên nhân do rệp hay côn trùng đốt thì bạn có thể chườm mát lên da trẻ để giảm ngứa rát.
- Nếu bệnh ghẻ là nguyên nhân, bạn nên đưa bé đi khám để được kê đơn thuốc bôi cho bé.
- Nếu trẻ bị viêm da tiếp xúc, bạn có thể làm sạch da trẻ, sau đó chườm mát để giảm các triệu chứng. Nếu phản ứng nghiêm trọng, trẻ có thể cần dùng thuốc theo toa, chẳng hạn như thuốc kháng histamin và cortisone.
Tốt nhất là khi thấy trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt, cha mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và chẩn đoán chính xác nguyên nhân, từ đó đề xuất phương pháp điều trị phù hợp.
Bạn có thể quan tâm:
Phòng ngừa tình trạng trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt
Để hạn chế tình trạng trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt khắp người, bạn nên áp dụng một số biện pháp phòng ngừa sau:
- Vệ sinh cơ thể của bé sạch sẽ. Đối với trẻ lớn, bạn hãy yêu cầu bé tắm rửa mỗi ngày.
- Giữ gìn vệ sinh nhà cửa, đảm bảo không gian sinh hoạt gọn gàng, thoáng mát.
- Giặt mền gối, drap, hút bụi giường, định kỳ để tránh rệp giường trú ngụ.
Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ về tình trạng trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt. Điều quan trọng là bạn cần tìm ra được chính xác nguyên nhân gây nổi mẩn đỏ ngứa như muỗi đốt để có biện pháp điều trị phù hợp, từ đó giúp bệnh nhanh khỏi. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ đừng quên tham gia cộng đồng Nuôi dạy con trên Sức khỏe ngay hôm nay để cập nhật những thông tin hữu ích nhé!
Bài viết được tham vấn y khoa bởi đội ngũ y bác sĩ tại PKĐK Quốc tế Mỹ – thành viên Hệ thống BV Quốc tế Mỹ (AIH). Phòng khám cung cấp dịch vụ thăm khám & điều trị đầy đủ chuyên khoa chuẩn quốc tế: Nội tổng quát, Sản-Phụ khoa, Nhi khoa, Tai-Mũi-Họng,… Cơ sở còn được đầu tư trang thiết bị hiện đại, nổi bật là phần mềm ORION HEALTH – Phần mềm quản lý hồ sơ bệnh nhân tại các bệnh viện quốc tế.