Việc kịp thời nhận biết các dấu hiệu ngộ độc thực phẩm sẽ giúp bạn phát hiện sớm tình trạng sức khỏe để được chăm sóc đúng cách, từ đó giúp hạn chế những nguy hiểm có thể xảy ra.
Ngộ độc thực phẩm là gì?
Ngộ độc thực phẩm (hoặc trúng thực theo cách gọi dân gian) là tình trạng xảy ra do:
- Tiêu thụ thực phẩm hoặc đồ uống bị nhiễm khuẩn như nhiễm vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng gây hại. Các vi sinh vật có hại trong thực phẩm thường bị phá hủy trong quá trình nấu ăn. Tuy nhiên, nếu bạn không thực hành vệ sinh tốt và bảo quản thực phẩm đúng cách thì ngay cả thực phẩm nấu chín cũng còn tồn tại các vi sinh vật ấy và có thể gây ngộ độc.
- Việc ăn thực phẩm có chứa độc tố độc hại cũng có thể gây ngộ độc thực phẩm. Những nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm này có thể xuất hiện tự nhiên trong thực phẩm như một số loài nấm hoặc vi khuẩn trong thực phẩm đã bị hỏng.
Triệu chứng ngộ độc có thể xuất hiện từ vài giờ đến vài ngày kể từ lúc bạn ăn thức ăn nhiễm độc. Triệu chứng nặng nhẹ, kéo dài hay mau khỏi phụ thuộc vào các loại tác nhân gây ngộ độc, lượng thức ăn tiêu thụ và hệ miễn dịch của bạn.
Dưới đây là 8 dấu hiệu ngộ độc thực phẩm bạn nên lưu ý:
Cảnh báo 8 dấu hiệu ngộ độc thực phẩm
Theo các chuyên gia sức khỏe, bạn hoàn toàn có thể tự nhận biết được các dấu hiệu ngộ độc thực phẩm hay dấu hiệu trúng thực căn cứ vào các biểu hiện dưới đây:
1. Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm: Đau bụng
Khi bị ngộ độc thực phẩm sẽ có dấu hiệu gì hay triệu chứng ngộ độc thực phẩm là gì? Đau bụng là một trong những biểu hiện của ngộ độc thực phẩm đầu tiên mà bạn thường gặp.
Trong trường hợp ngộ độc thực phẩm, các sinh vật gây hại có thể tạo ra độc tố gây kích ứng niêm mạc dạ dày và ruột. Điều này có thể dẫn đến viêm đau ở dạ dày, làm xuất hiện triệu chứng đau bụng. Nguyên nhân gây ra triệu chứng đau là do sự co thắt cơ dạ dày vùng trên rốn hoặc ruột non quanh rốn để tăng tốc độ chuyển động tự nhiên của ống tiêu hóa nhằm loại bỏ các sinh vật gây hại càng nhanh càng tốt.
Tuy nhiên, đau bụng là triệu chứng phổ biến của nhiều bệnh lý và tình trạng sức khỏe. Do đó, nếu triệu chứng này xuất hiện đơn lẻ vẫn chưa đủ để kết luận rằng bạn bị ngộ độc thực phẩm.
2. Tiêu chảy là dấu hiệu ngộ độc thức ăn
Tiêu chảy là biểu hiện ngộ độc thực phẩm phổ biến, là tình trạng đi phân lỏng trên 3 lần trong khoảng thời gian 24 giờ. Đây là một triệu chứng trúng thực điển hình, xảy ra khi tình trạng viêm khiến cho ruột làm việc kém hiệu quả trong quá trình tái hấp thu nước và các chất lỏng khác tiết ra trong quá trình tiêu hóa.
Tình trạng tiêu chảy cũng có thể đi kèm với các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm khác như:
- Cảm giác luôn muốn đi vệ sinh
- Đầy hơi
- Đau bụng.
Tần suất bị tiêu chảy nhiều có thể khiến cơ thể mất nước và các khoáng chất, nặng hơn có thể tụt huyết áp. Do đó, điều quan trọng là bạn cần bổ sung nước đầy đủ để duy trì lượng nước cho cơ thể, ổn định tuần hoàn.
Để kiểm tra xem có bị mất nước hay không, bạn hãy theo dõi màu của nước tiểu, bình thường là màu vàng nhạt hoặc trong. Nếu nước tiểu sẫm màu hơn, lượng nước tiểu ít đi, cảm giác luôn khát nước, môi khô là dấu hiệu cảnh báo tình trạng mất nước nghiêm trọng.
3. Đau đầu cũng là một biểu hiện ngộ độc thực phẩm
Ngoài 2 triệu chứng ngộ độc thực phẩm kể trên thì đau đầu, chóng mặt cũng có thể là dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm.
Tuy nhiên, bạn cũng có thể bị nhức đầu do các nguyên nhân như: căng thẳng, uống quá nhiều rượu, thức ăn có nhiều bột ngọt, mất nước và mệt mỏi… Do đó, dấu hiệu ngộ độc thực phẩm là nôn mửa và tiêu chảy dẫn đến đau đầu. Đặc biệt triệu chứng này thường xảy ra khi bệnh nhân mất nước và sốt.
4. Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm bao gồm mệt mỏi và chán ăn
Tình trạng mệt mỏi, chán ăn bất thường cũng có thể là biểu hiện ngộ độc thực phẩm.
Trong một phần của phản ứng miễn dịch, cơ thể giải phóng các chất hóa học được gọi là cytokine. Cytokine có vai trò quan trọng điều hòa phản ứng miễn dịch cơ thể đối với tình trạng nhiễm trùng bằng cách truyền thông tin cho các tế bào miễn dịch tìm đến và tiêu diệt mầm bệnh. Quá trình này dẫn đến các biểu hiện như sốt, đau cơ, chán ăn, mệt mỏi.
Do đó, nếu bạn cảm thấy đuối sức hoặc mệt mỏi do ngộ độc thực phẩm, điều tốt nhất bạn nên làm là lắng nghe cơ thể và hãy nghỉ ngơi để sức khỏe hồi phục.
5. Buồn nôn và nôn: Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm điển hình
Buồn nôn và nôn là dấu hiệu tự nhiên thường xảy ra ở những người bị ngộ độc thực phẩm. Điều này xuất hiện khi cơ bụng và cơ hoành co bóp mạnh, khiến bạn phải đưa những chất có trong dạ dày ra khỏi hệ tiêu hóa qua đường miệng. Đây là một cơ chế bảo vệ xảy ra khi cơ thể bạn cố gắng loại bỏ các sinh vật hoặc độc tố nguy hiểm mà nó phát hiện là có hại.
Trong thực tế, dấu hiệu ngộ độc thực phẩm thường dẫn đến các cơn nôn mửa kéo dài. Sau đó, có người sẽ giảm dần mức độ, có người lại nôn mửa liên tục nhiều hơn. Cách tốt nhất là bạn hãy đến gặp bác sĩ hoặc dược sĩ để tránh triệu chứng ngộ độc thực phẩm này gây mất nước.
6. Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm: Ớn lạnh, rùng mình
Cảm giác ớn lạnh có thể xảy ra khi cơ thể bạn run lên để tăng nhiệt độ cơ thể. Những cơn rùng mình là kết quả của việc cơ bắp hoạt động co bóp và thư giãn nhanh chóng nhằm tạo ra nhiệt. Việc cơ thể bạn tăng nhiệt độ là do tác động của pyrogen (một chất hoặc tác nhân được giải phỏng bởi hệ miễn dịch hay các vi khuẩn, virus và nấm sản xuất ra).
7. Sốt là biểu hiện ngộ độc thực phẩm
Sốt là dấu hiệu ngộ độc thực phẩm. Nhiệt độ cơ thể bạn tăng cao hơn 38ºC. Điều này là do sự tăng hoạt động của các tế bào bạch cầu giúp bạn chống lại tình trạng nhiễm trùng.
Sốt còn được gây ra bởi pyrogens làm kích hoạt sự gia tăng nhiệt độ, được giải phóng bởi hệ thống miễn dịch hoặc vi khuẩn truyền nhiễm đã xâm nhập vào cơ thể bạn. Chất này gây sốt bằng cách gửi tin nhắn lừa bộ não khiến nó nghĩ rằng cơ thể lạnh hơn bình thường. Điều này khiến cơ thể bạn tạo ra nhiều nhiệt hơn, do đó làm tăng nhiệt độ cơ thể.
8. Dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm: Đau cơ
Bạn có thể bị đau cơ bắp do nhiễm trùng khi bị ngộ độc thực phẩm. Điều này xảy ra do hệ thống miễn dịch của cơ thể đã được kích hoạt, gây viêm. Trong quá trình này, cơ thể giải phóng histamine, một hóa chất giúp mở rộng các mạch máu để cho phép nhiều tế bào bạch cầu đi qua để chống lại nhiễm trùng.
Histamine cùng với các chất khác liên quan đến phản ứng miễn dịch, chẳng hạn như cytokine, histamine có thể đến các bộ phận khác trên cơ thể và kích hoạt các thụ thể gây đau. Điều này khiến cho một số bộ phận của cơ thể bạn nhạy cảm hơn với cơn đau và dẫn đến những cơn đau âm ỉ mà bạn thường gặp phải khi bị ốm.
[embed-health-tool-bmr]