Nguyên nhân gây tê ngón chân và bàn chân khi chạy bộ là gì?
Đôi khi, có những nguyên nhân đơn giản, như đi giày chạy bộ quá chật hoặc cách bạn chạy, là nguyên nhân gây ra tình trạng tê ngón chân hoặc bàn chân. Nhưng cũng có các nguyên nhân khác, là dấu hiệu các bệnh lý bạn cần tìm hiểu.
Giày chạy bộ không vừa vặn
Tê bàn chân do giày chạy bộ không vừa
Tình trạng tê chân gia tăng khi chạy bộ thường do việc chèn ép một hoặc nhiều dây thần kinh ở mắt cá chân và bàn chân. Thông thường, nếu một động mạch bị chèn ép, cơn đau sẽ rõ rệt hơn là tê. Khi bạn chạy, bàn chân của bạn sẽ nở ra, khiến giày của bạn chật hơn. Nếu có áp lực lên dây thần kinh, sẽ có cảm giác tê.
Khoảng 63% đến 72% người chạy đang mang giày chạy bộ không đúng cách, phần lớn trong số đó là đi giày bị chật. Khi giày quá chật, nhỏ hoặc hẹp, nó sẽ gây áp lực lên bàn chân và các ngón chân, làm thay đổi sự liên kết bình thường của các khớp. Điều này cũng có thể gây chèn ép dây thần kinh và làm tê liệt một số bộ phận của bàn chân.
Nhiều chuyên gia khuyên nên thay giày mỗi 500-800km để giảm nguy cơ chấn thương. Tùy vào mức độ bạn sử dụng giày, bạn có thể cần thay giày sớm hơn hoặc muộn hơn. Hãy thay giày khi khả năng giảm chấn của chúng giảm, lớp đệm có đấu hiệu bị xẹp hoặc đã mòn đế.
Đau thần kinh tọa
Đau thần kinh tọa gây đau, ngứa ran, tê ở phía sau chân, có thể lan xuống bàn chân. Nguyên nhân thường là do các vấn đề ở lưng dưới hoặc chấn thương dây thần kinh ở chân.
Người chạy bộ có thể bị đau thần kinh tọa do hội chứng piriformis, khi cơ piriformis ở hông bị căng hoặc co thắt, chèn ép lên dây thần kinh tọa.
Một số bài tập kéo giãn có thể giúp giảm đau, nhưng nếu tình trạng nặng hơn, bạn có thể cần điều trị chuyên sâu hơn.
Bunion (chai chân)
Bunion là cục xương mọc ở gốc ngón chân cái, thường do di truyền hoặc mang giày chật, giày cao gót. Bunion khiến khớp ngón chân cái lệch, chèn ép dây thần kinh gây tê. Mang giày mũi rộng, dùng miếng đệm hoặc tiêm corticosteroid có thể giúp giảm đau. Trường hợp nặng có thể cần phẫu thuật.
U thần kinh Morton
U thần kinh Morton là hiện tượng dây thần kinh ở khớp bàn chân dày lên bất thường, thường ở giữa ngón chân thứ ba và thứ tư. Nó gây đau khớp bàn chân và tê ngón chân. Người chạy bộ thường gặp tình trạng này do áp lực lên khớp bàn chân tăng. Đệm xương bàn chân, tiêm hoặc phẫu thuật có thể là giải pháp.
Hội chứng đường hầm cổ chân
Hội chứng đường hầm cổ chân xảy ra khi dây thần kinh chày bị chèn ép ở mắt cá chân, gây đau, tê, ngứa ran và yếu cơ. Người từng bị bong gân mắt cá chân có nguy cơ cao hơn. Điều trị bao gồm thay đổi hoạt động, dùng thuốc và vật lý trị liệu.
Cố gắng quá sức
Tập luyện quá sức, chạy quá nhiều mà không nghỉ ngơi đủ có thể gây căng cơ, khớp bàn chân, mất cân bằng cơ, sưng bàn chân và tăng nguy cơ chấn thương. Điều này cũng có thể dẫn đến chèn ép thần kinh, gây tê và ngứa ran bàn chân.
Tổn thương thần kinh
Tổn thương dây thần kinh chân hoặc bàn chân do bệnh tiểu đường, chấn thương, sử dụng rượu hoặc thuốc có thể gây tê bàn chân. Tình trạng này gọi là bệnh thần kinh ngoại biên, thường gây tê hoặc ngứa ran liên tục, có thể nặng hơn vào ban đêm.
Hiện tượng Raynaud
Hiện tượng Raynaud khiến mạch máu ở ngón tay, ngón chân co lại quá mức khi gặp lạnh, gây đau, tê và ngứa ran. Nguyên nhân chưa rõ ràng và không có cách chữa khỏi, nhưng thuốc có thể giúp ích. Mang tất ấm khi chạy và tránh căng thẳng cũng có thể giảm triệu chứng.
Cách ngăn ngừa tê ngón chân và bàn chân khi chạy bộ
Mang giày vừa vặn là điều quan trọng nhất. Hãy chọn giày có mũi rộng và hỗ trợ vòm bàn chân tốt để giữ các khớp liên kết chặt chẽ. Bạn cũng có thể sử dụng miếng lót giày chỉnh hình để tăng thêm hỗ trợ cho bàn chân. Nếu không chắc chắn, hãy tham khảo ý kiến của cửa hàng chuyên về chạy bộ.
Ngay cả khi giày vừa vặn, bạn vẫn có thể bị chèn ép dây thần kinh nếu buộc dây giày quá chặt. Hãy giữ dây giày vừa khít nhưng không quá chặt, để có chút không gian cho chân di chuyển.
Dáng chạy cũng rất quan trọng. Dáng chạy kém có thể làm tăng nguy cơ chấn thương căng thẳng lặp đi lặp lại và chèn ép dây thần kinh. Để ngăn ngừa, hãy duy trì dáng chạy tốt, điều chỉnh tốc độ hợp lý và thực hiện bài khởi động, giãn cơ trước khi chạy.
Nếu vẫn gặp vấn đề về tê ngón chân và bàn chân, hãy xem xét lại giày chạy, dáng chạy và lịch tập luyện. Điều chỉnh các yếu tố này có thể ngăn ngừa tình trạng căng thẳng bàn chân lặp đi lặp lại và chèn ép thần kinh. Nếu vẫn gặp các vấn đề khác, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Nguồn tham khảo: goodrx, runnersworld