Trẻ sơ sinh còn rất nhỏ và dễ tổn thương nên bất kỳ biểu hiện bất thường nào của bé cũng khiến ba mẹ lo lắng. Đặc biệt, việc hô hấp của trẻ luôn được chú ý, nhất là khi thấy trẻ sơ sinh thở mạnh hay nhanh hơn bình thường.
Khi quan sát một em bé mới chào đời ngủ say, bạn có thể nhận thấy nhịp thở của trẻ thường nhanh hơn người lớn, khoảng dừng giữa mỗi nhịp thở cũng có khi kéo dài hơn hoặc có những âm thanh phát ra khi bé thở. Vậy trẻ sơ sinh thở nhanh, mạnh có sao không? Đâu là cách thở bình thường của trẻ? Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về hơi thở của bé yêu qua bài viết sau đây của Sức khỏe cha mẹ nhé!
Hơi thở của trẻ sơ sinh: Trẻ như thế nào là bình thường?
Phổi của trẻ sơ sinh chưa phát triển hoàn thiện, có kích thước nhỏ hơn, các cơ yếu hơn và trẻ cũng đang trong quá trình học cách thở. Đến 8 tuổi, phổi của bé mới phát triển đầy đủ hoàn toàn.
Do đó, trẻ sơ sinh thở mạnh, nhanh hơn rất nhiều so với các trẻ nhỏ và người lớn. Nhịp thở cũng có thể không đều cho đến khi trẻ lớn dần lên. Trung bình, trẻ dưới 6 tháng tuổi hít thở khoảng 40-60 nhịp mỗi phút. Điều này có thể khiến cha mẹ nhận thấy trẻ sơ sinh thở mạnh bụng phập phồng khi ngủ hay cả khi thức.
Tốc độ thở của trẻ sơ sinh có thể chậm xuống còn 30-40 nhịp mỗi phút trong khi ngủ. Chu kỳ thở của trẻ cũng khác so với người lớn. Trẻ có thể thở nhanh nhiều lần sau đó nghỉ từ 5-10 giây rồi tiếp tục các nhịp thở nhanh. Điều này hoàn toàn bình thường vì trẻ thường sử dụng cơ hoành để thở. Tuy nhiên, khoảng nghỉ giữa các đợt thở không nên lâu hơn 10 giây dù trong khi ngủ.
Bạn có thể quan tâm:
Trẻ sơ sinh thở mạnh khi ngủ: Nguyên nhân do đâu? Khi nào thì đáng lo?
Trẻ sơ sinh thở nhanh, mạnh nhưng các chu kỳ thở vẫn đều và không có âm thanh bất thường thì không phải là vấn đề đáng lo. Nếu vẫn lo lắng không biết tại sao trẻ sơ sinh thở mạnh khi ngủ, bạn hãy tiếp tục theo dõi các biểu hiện hít thở của trẻ để kịp thời phát hiện những sự thay đổi đáng ngờ.
1. Nguyên nhân
Mặc dù trẻ sơ sinh thường thở nhanh, mạnh hơn người lớn do con đang dần học cách thở hiệu quả nhưng một số trường hợp trẻ có thể bị khó thở do bệnh tim, nhiễm trùng hoặc các vấn đề sức khỏe khác. Các vấn đề hô hấp có khả năng là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó, bao gồm:
- Ho nhiều: có thể là dấu hiệu cho thấy có nhiều chất nhầy tích tụ trong đường hô hấp hoặc nhiễm trùng phổi.
- Có âm thanh như huýt sáo, tiếng ngáy: đường thở không thông thoáng cần hút dịch nhầy trong mũi.
- Ho sặc sụa, khàn tiếng: có thể do viêm thanh quản khiến cổ họng sưng lên và hẹp đường thở.
- Thở nhanh, nặng nề: có khả năng có dịch trong đường thở do viêm phổi hoặc tình trạng thở nhanh thoáng qua.
- Thở khò khè: có thể là dấu hiệu của viêm tiểu phế quản.
- Ho khan kéo dài: Đây có thể là triệu chứng của dị ứng.
- Ngừng thở trong ít nhất 20 giây: có khả năng là dấu hiệu của chứng ngưng thở.
2. Trẻ sơ sinh thở mạnh: Khi nào là dấu hiệu đáng lo?
Nếu bạn cảm thấy lo lắng về tình trạng trẻ sơ sinh thở mạnh, nhanh, hãy trao đổi và tham khảo ý kiến bác sĩ để hiểu hơn về sức khỏe của bé yêu. Theo thời gian, bạn sẽ có thêm kinh nghiệm và nhận biết được các dấu hiệu bất thường của trẻ.
Một số dấu hiệu cảnh báo hơi thở của trẻ có vấn đề xuất hiện kèm theo tình trạng thở nhanh, mạnh mà bạn cần đưa trẻ đến cơ sơ y tế gần nhất nhanh chóng:
- Khó thở
- Thở nhanh hơn 60 nhịp/ phút, thở không đều
- Thở khó khăn, khi hít thở phần dưới xương sườn bị hõm vào hoặc con phải rướn cổ khi thở
- Có âm thanh rên rỉ sau mỗi hơi thở
- Lỗ mũi phập phồng
- Da đổi thành màu xanh hoặc xám, nhất là vùng quanh miệng, đầu hoặc giữa cơ thể
- Có biểu hiện mất nước do không chịu bú.
Bạn có thể quan tâm:
Cách khắc phục tình trạng thở mạnh khi ngủ ở trẻ sơ sinh
Để đường thở của trẻ được thông thoáng, giúp trẻ dễ dàng hít thở, thở đều nhịp và hạn chế thở mạnh khi ngủ, bạn có thể chú ý thực hiện những việc sau:
- Điều chỉnh tư thế khi ngủ cho trẻ: Hãy để trẻ ngủ ở tư thế thoải mái, dễ thở và quan sát biểu hiện của trẻ. Nếu trẻ vẫn còn thở mạnh, khò khè thì có khả năng là đường hô hấp đang có vấn đề.
- Vệ sinh mũi cho trẻ: Lỗ mũi của trẻ sơ sinh khá nhỏ hẹp nên rất dễ bị bít tắc bởi bụi bẩn, dịch nhầy. Do đó, bạn nên vệ sinh mũi cho trẻ hàng ngày bằng nước muối sinh lý hoặc dùng các thiết bị rửa, hút mũi để đường thở của bé luôn thông thoáng.
Bạn có thể quan tâm:
Trẻ sơ sinh thở mạnh, nhanh trong khi ngủ hay thức thường là không phải tình trạng đáng lo do phổi của trẻ chưa phát triển hoàn thiện. Tuy vậy, bạn cũng cần theo dõi thường xuyên nhằm phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường để đưa trẻ đến gặp bác sĩ thay vì tự ý chữa trị tại nhà, có thể khiến bệnh tình nặng hơn. Ngoài ra, các bậc cha mẹ đừng quên tham gia vào Cộng đồng Nuôi dạy con và đặt câu hỏi xoay quanh việc chăm sóc bé để được các bác sĩ của Sức khỏe giải đáp nhé!