Thoát vị đĩa đệm L4 L5 là một trong những bất thường phổ biến trong chứng thoái hóa cột sống thắt lưng. Việc điều trị thường phải kéo dài và khó khăn, thậm chí phải phẫu thuật để giúp người bệnh hồi phục lại với cuộc sống bình thường. Chính vì vậy, việc trang bị kiến thức về căn bệnh này là rất cần thiết!
Cùng tìm hiểu về tình trạng thoát vị đĩa đệm L4 L5 qua bài viết sau đây nhé.
Thoát vị đĩa đệm L4 L5 là gì?
Cột sống được cấu tạo từ 33 đốt sống, bao gồm cột sống cổ có 7 xương, cột sống ngực có 12 xương, cột sống thắt lưng có 5 xương và xương cùng, xương cụt ở phần cuối cùng. Các xương này đều được lót bằng đĩa đệm ở giữa để bảo vệ xương khỏi các chấn động từ các hoạt động thường ngày.
L4 L5 là xương nằm đốt sống thắt lưng với nhiệm vụ hỗ trợ cơ thể thực hiện các động tác như xoay, gập hoặc vặn người. Ngoài ra, vì nằm ở dưới cùng nên chúng cũng phải chịu nhiều áp lực từ thân trên của cơ thể, do đó, L4 và L5 thường có khả năng cao thoái hóa và dễ bị tổn thương các đốt sống khác.
Thoát vị đĩa đệm L4 L5 là tình trạng nhân nhầy trong đĩa đệm ở hai đốt sống L4 L5 thoát ra ngoài và gây sức ép lên các dây thần kinh khiến người bệnh gặp triệu chứng đau nhức.
Triệu chứng bệnh
Các vấn đề về đĩa đệm khá phổ biến trong thời gian hiện nay và chúng thường gây rất nhiều đau đớn cho người mắc phải. Đặc biệt, điều này rất đúng với vùng đĩa đệm L4 L5, vì nó có thể tạo ra các triệu chứng đau đớn, khó chịu kéo dài, làm giảm chất lượng cuộc sống của bạn. Dưới đây là ba triệu chứng chủ yếu khi nói đến thoát vị đĩa đệm L4 L5:
Đau lưng kéo dài
Đau ở vùng thắt lưng có thể là dấu hiệu đầu tiên cho thấy bạn đang bị phồng đĩa đệm ở L4 L5. Cơn đau sẽ đến từ phần lưng dưới, gần đỉnh xương chậu và có thể tăng lên khi ấn vào cơ cạnh cột sống nơi dây thần kinh bị nén hoặc có thể tăng cao đột ngột khi ho hoặc hắt hơi. Hơn nữa, các hoạt động hàng ngày đòi hỏi bạn phải cúi xuống hoặc ngồi trong thời gian dài cũng khiến cơn đau trở nên khó chịu hơn.
Khả năng vận động yếu hơn
Chứng đau lưng dưới (hoặc đau thần kinh tọa) khác với cơn đau ở chân thường xảy ra khi có vấn đề về thoát vị đĩa đệm L4 L5. Bạn sẽ cảm thấy đau lan dần xuống chân dọc theo dây thần kinh hông, gây ra sự khó chịu, âm ỉ, nhức mỏi hoặc có hiện tượng châm chích. Nó có thể trở nên tệ hơn khi bạn ngồi trong một thời gian dài hoặc thực hiện các hành động như cười, hắt hơi hoặc ho. Đi bộ cũng có thể khiến tình hình trầm trọng hơn.
Ngứa ngáy và tê bì
Khi đĩa đệm chèn ép lên dây thần kinh sẽ xảy ra hiện tượng ngứa ran, tê hoặc cảm giác như kim châm ở vùng thắt lưng. Bạn sẽ cảm thấy tê ở một chân, bắt đầu ở mông hoặc sau đầu gối và kéo dài đến đùi, mắt cá chân hoặc bàn chân. Ngứa ran và tê có thể đến và đi tùy theo tình trạng của bạn hoặc có thể xảy ra liên tục trong thời gian dài.
Bạn có thể quan tâm:
Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm L4 L5
Các cơn đau do thoát vị đĩa đệm gây ra thường không đến từ các yếu tố bất ngờ mà chúng là cả quá trình kéo dài qua nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm.
Ban đầu cơ thể chúng ta có đĩa đệm với hàm lượng nước cao nên các đốt sống thường dẻo dai và linh hoạt. Tuy nhiên, theo tốc độ lão hóa của cơ thể, hàm lượng nước ít dần và khiến phần vòng ngoài của đĩa đệm trở nên giòn hơn và dễ bị nứt gãy. Vì vậy các hoạt động thường ngày như cúi người nhặt đồ hoặc xoay lưng đánh golf,… đều có thể gây ra chấn thương cho đĩa đệm.
Ngoài nguyên nhân tuổi tác khiến đĩa đệm thoái hóa và chấn thương thì còn có một số yếu tố khiến tỷ lệ mắc bệnh thoát vị đĩa đệm L4 L5 tăng cao:
- Thường xuyên làm các công việc nặng nhọc: Những người thường xuyên thực hiện các công việc lao động thể chất hoặc khuân vác nặng cũng khiến đĩa đệm gặp vấn đề nhanh hơn.
- Thể trạng cơ thể: Cơ thể béo phì hoặc có mức cân nặng quá cao, không hợp lý với thể trạng cơ thể có thể gây ra thoát vị bởi cột sống phải gánh mức áp lực lớn hơn khả năng có thể chịu được. Các đốt sống L4 L5 sẽ phải gánh mức khối lượng lớn hơn và dễ bị tổn thương hơn. Theo một nghiên cứu thì thể trạng béo phì cũng gây ra nguy cơ tái phát thoát vị đĩa đệm L4 L5 cao gấp 12 lần so với bình thường.
- Di truyền từ gia đình: Theo một vài nghiên cứu thì tiền sử gia đình mắc thoát vị đĩa đệm cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho người thân trong gia đình.
- Sử dụng các chất kích thích: Các chất nicotin trong thuốc lá sẽ làm hạn chế lưu lượng máu di chuyển đến đĩa đệm, chính vì vậy, tốc độ thoái hóa cũng tăng lên khiến đĩa đệm dễ bị nứt, rách và kém đàn hồi.
Cách điều trị thoát vị đĩa đệm L4 L5
Sử dụng thuốc giảm đau
Tùy vào tình trạng của người bệnh mà các bác sĩ có thể chỉ định các dòng thuốc như:
- Thuốc giãn cơ: tolperisone, eperisone
- Thuốc giảm đau thông thường: paracetamol – thường chỉ dùng với cơn đau nhẹ
- Thuốc chống viêm không steroid: diclofenac, meloxicam, celecoxib,…
- Thuốc giảm đau trung ương: codein, tramadol,…
Lưu ý: Các dòng thuốc trên đều có tác dụng phụ nhất định lên cơ thể người, chính vì vậy, người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định sử dụng của bác sĩ.
Vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm L4 L5
- Xoa bóp: Giúp giảm sự co cứng của cơ, tăng sự lưu thông của máu để các đốt sống linh hoạt hơn
- Thủy liệu pháp: Sử dụng dòng nước luân chuyển trên bề mặt cơ thể để kích thích cảm thụ thần kinh
- Liệu pháp nóng – lạnh: Chườm nóng hỗ trợ giãn cơ và tăng lưu thông tuần hoàn máu đến các cơ quan khác trên cơ thể. Trong khi đó chườm lạnh có tác dụng giảm đau nhanh chóng nên được áp dụng trong các trường hợp đau cấp tính.
Phương pháp phục hồi chức năng
Sau khi điều trị nội khoa khoảng 5 – 10 ngày thì các cơn đau sẽ giảm dần và người bệnh có thể thực hiện các phương pháp phục hồi chức năng như kéo giãn cơ, tập thể dục nhịp điệu,… Đồng thời, cần điều chỉnh tư thế sinh hoạt hàng ngày để phù hợp với tình trạng bệnh. Tuyệt đối không vặn mình đột ngột hoặc nghiêng người quá mức, mang vác vật nặng,… để tránh tái phát. Bạn có thể hỏi bác sĩ xem có bộ môn thể thao nào phù hợp với mình để tập luyện.
Phẫu thuật
Nếu đã sử dụng qua các phương pháp trên mà tiến trình phục hồi vẫn không khả quan thì bác sĩ có thể sẽ tiến hành chỉ định phẫu thuật. Một số loại phẫu thuật phổ biến trong điều trị thoát vị đĩa đệm L4 L5 như: phẫu thuật nội soi, phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo,…
Thoát vị đĩa đệm L4 L5 có nguy hiểm không?
Thoát vị đĩa đệm là căn bệnh có liên quan đến cột sống nên nếu về lâu về dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của bạn. Quá trình điều trị cũng cần thời gian lâu dài nên phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ giúp giảm thiểu được nhiều vấn đề. Trong nhiều trường hợp, nếu không được điều trị sớm sẽ có một vài biến chứng xảy ra:
- Rối loạn cảm giác: Do dây thần kinh bị chèn ép nên một số vùng da bị ảnh hưởng khiến người bệnh không cảm nhận được nóng, lạnh
- Đau rễ dây thần kinh: Phần đốt sống L4 khi mắc thoát vị đĩa đệm thường có xu hướng trượt về phía trước trên đốt sống L5. Đây chính là lý do tại sao cơn đau lặp đi lặp đi với mức độ đau không đồng đều khiến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày trở nên khó khăn hơn
- Rối loạn vận động: Hai chân ngày càng yếu, khả năng vận động khó khăn
- Rối loạn cơ quan bài tiết: Do cơ thắt bị chèn ép khiến người bệnh không thể kiểm soát được việc đi vệ sinh của mình.
Xem thêm
Lumbar Spine
Làm thế nào để cải thiện bệnh thoát vị đĩa đệm L4 L5?
Để kiểm soát được tình trạng bệnh và nâng cao kết quả điều trị, bạn cần chú ý đến một số điều sau:
- Kiểm soát cân nặng hợp lý
- Nghiêm túc tuân thủ các chỉ định của bác sĩ
- Duy trì tư thế đúng trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày
- Tập luyện thể thao các bộ môn phù hợp với thể trạng của mình
- Sử dụng các công cụ hỗ trợ để mang vác vật nặng khi cần thiết
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích hoặc đồ có cồn, thuốc lá
- Tránh thay đổi tư thế đột ngột hoặc nằm trên các bề mặt không bằng phẳng
- Xây dựng thực đơn ăn uống lành mạnh và đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung vitamin D, canxi, protein, Omega-3,… để thúc đẩy quá trình sửa chữa các tổn thương trong cơ thể
Thoát vị đĩa đệm L4 L5 là căn bệnh cần được điều trị càng sớm càng tốt để không gây ra các biến chứng nguy hiểm và bảo toàn khả năng vận động cho người bệnh. Chính vì vậy, đừng ngần ngại đến các cơ sở y tế ngay khi có dấu hiệu đau nhức, khó chịu tại vùng thắt lưng nhé!