Rất nhiều người bị thiếu máu chủ quan vì nghĩ đây chỉ là vấn đề nhỏ. Khi thiếu máu đủ nhiều bắt đầu gây xanh xao, chóng mặt, hoa mắt, ù tai thường xuyên, ăn gì cũng nhạt miệng, làm việc khó tập trung, vô kinh ở nữ, di tinh ở nam giới. Lâu dài hơn, các cơ quan trong cơ thể không có đủ máu hoạt động sẽ dần suy yếu. Nhưng thật may mắn là thiếu máu nhẹ và trung bình có thể khắc phục tại nhà bằng những món ăn bài thuốc trị thiếu máu.
Dưới đây là 7 món ăn bổ máu, tăng cường sinh lực vừa dễ tìm nguyên liệu, dễ nấu, ngon miệng và hiệu quả vô cùng.
Cách nấu món ăn bài thuốc trị thiếu máu đơn giản
Các món ăn dinh dưỡng có tính dưỡng huyết, ích tinh và bổ gan thận sẽ rất có ích cho bệnh nhân thiếu máu.
Bài số 1. Cháo gạo nếp gan lợn
Nguyên liệu: 100g gan lợn, 50g vỏ lụa của hạt lạc, 50g gạo nếp, một ít gừng tươi, hành lá và gia vị.
Cách thực hiện: Đầu tiên để chuẩn bị, bạn rửa sạch và thái miếng gan lợn vừa ăn, ngâm qua gạo nếp cho mềm và thái gừng thành sợi. Bắc bếp, đổ gạo nếp và vỏ lạc vào, ninh cho đến khi mềm thành cháo thì thêm gan lợn cùng với gừng vào nấu, đợi sôi thêm 10 phút, nêm gia vị vừa ăn rồi tắt bếp. Món ăn bổ máu này nên ăn khi còn nóng, ngày vài lần.
Gan động vật có nhiều vitamin B12, sắt, acid folic rất tốt cho việc tạo máu. Bạn có thể ăn thêm những món khác từ gan động vật nói chung như gan xào nấm mèo, gan xào cà chua…
Công dụng: Những món ăn bổ máu từ gan phù hợp với người huyết hư với triệu chứng mệt mỏi liên tục, da nhợt nhạt, hoa mắt, chóng mặt thường xuyên, tim đập nhanh, ít kinh nguyệt hoặc tắc kinh.
Bài 2. Món ăn bài thuốc trị thiếu máu ngon từ gà
Nguyên liệu: 100g thịt gà, 10g đương quy, 20g hoàng kỳ, 20g đẳng sâm, 10 quả đại táo (táo tàu, táo đỏ Trung Quốc) và 15g gừng tươi.
Cách thực hiện: Rửa sạch các vị thuốc, chặt thịt gà thành miếng, giã nát gừng rồi cho tất cả vào nồi hầm lửa nhỏ trong 2 giờ, nêm gia vị vừa ăn. Có thể ăn nhiều lần trong ngày.
Đơn giản hơn, bạn có thể hầm một con gà mái khoảng 0,5kg lấy nước dùng đặc, 15g hoàng kỳ sắc lấy nước cốt. Trộn hai loại nước lại cùng nhau, thêm 100g gạo tẻ nấu thành cháo, nêm gia vị và ăn nóng. Món ăn bài thuốc trị thiếu máu này nên ăn 2 lần trong ngày vào sáng và tối.
Công dụng: Phù hợp với người thiếu máu ở thể khí huyết hư. Triệu chứng dễ nhận thấy là hay hoa mắt, choáng váng đầu óc, khó thở, tiếng nói nhỏ yếu, hay hụt hơi, dễ hồi hộp, thường xuyên chảy máu cam hoặc chảy máu chân răng, da và niêm mạc nhợt nhạt.
Bài 3: Nhung hươu nấu món ăn bồi bổ cơ thể suy nhược
Nguyên liệu: 5g nhung hươu, 100g thịt gà, 10g gừng tươi.
Cách thực hiện: Rửa sạch các nguyên liệu, chặt thịt gà thành miếng, nhung hươu thái lát to, giã nhuyễn gừng. Cho thịt gà và gừng vào nồi nước, ninh trong 1 giờ rồi mới thêm nhung hươu và tiếp tục hầm thêm 2 giờ. Nêm gia vị cho vừa ăn, chia thành nhiều bữa trong ngày.
Công dụng: Dù món ăn bài thuốc trị thiếu máu này khá tốn thời gian nấu nhưng bù lại có tác dụng tuyệt vời trong điều trị bệnh thiếu máu cho người có tụy và thận dương hư nhược. Triệu chứng bệnh có thể kể đến như tứ chi lạnh, sợ lạnh, xương cốt yếu, đau lưng mỏi gối, hay tiểu đêm, hoa mắt, nặng đầu, ù tai, da dẻ nhợt nhạt, phù chân nhẹ, phân lỏng; nam giới di tinh, xuất tinh sớm, thậm chí liệt dương và khó có con.
Bài 4: Canh gà hầm tam thất – Món ăn chữa thiếu máu thông dụng
Nguyên liệu: 150g thịt gà, 10g tam thất, 10g gừng tươi, gia vị.
Cách thực hiện: Rửa sạch các nguyên liệu, chặt nhỏ gà, tam thất thái thành lát mỏng, giã nát gừng sau đó bỏ tất cả vào một cái bát, thêm nước ngập mặt nguyên liệu. Đậy miệng bát thật kín, đem hấp cách thủy trong 2 tiếng, lấy ra nêm gia vị và ăn thành 3 lần trong ngày.
Công dụng: Đây là món ăn chữa thiếu máu cho người tuần hoàn kém nhờ công dụng bổ máu, tăng cường lưu thông máu và cầm máu. Có thể nhận thấy những triệu chứng rõ ràng như dễ chảy máu (bầm tím da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, rối loạn kinh nguyệt, lưỡi nhiều đốm tím), cơ thể mệt mỏi và thường xuyên hoa mắt, chóng mặt.
Bài 5: Món ăn bài thuốc trị thiếu máu từ hà thủ ô đỏ
Nguyên liệu: 50g hà thủ ô đỏ, 2 quả trứng gà, đường đỏ.
Cách thực hiện: Đem hà thủ ô và trứng gà (nguyên quả) bỏ vào nồi, nấu với lửa nhỏ trong 30 phút. Vớt trứng ra ngoài, bóc vỏ rồi cho lại vào nồi nấu tiếp 1 giờ, thêm đường đỏ vừa miệng. Ăn trứng và uống nước.
Công dụng: Chè hà thủ ô đỏ là món ăn bài thuốc trị thiếu máu dành cho người thiếu máu do thận và gan yếu. Triệu chứng gồm có hoa mắt, choáng váng đầu óc, ù tai thậm chí không nghe thấy gì, đau mỏi lưng gối, ngủ không sâu giấc, trí nhớ kém, táo bón, hay tiểu đêm, nam giới bị di tinh.
Tuy nhiên, lòng đỏ trứng gà có chứa nhiều cholesterol nên phải thận trọng ở những đối tượng có mỡ máu cao, gan nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch… Hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Bài 6: Chè đậu xanh táo đỏ
Nguyên liệu: Đậu xanh và táo đỏ mỗi loại 50g, đường phèn (có thể thay bằng đường cát).
Cách thực hiện: Đậu xanh ngâm nước lạnh trong 2 tiếng cho mềm, rửa sạch. Táo đỏ rửa sạch. Cho tất cả vào nồi, thêm nước ninh nhừ đến khi hạt đậu nở là được, thêm đường, để nguội ăn dần.
Bài 7: Chè mộc nhĩ đen
Nguyên liệu: 15g mộc nhĩ đen, 20 quả táo đỏ.
Cách thực hiện: Đem ngâm mộc nhĩ đến khi nở, rửa sạch táo đỏ. Cho hết vào bát lớn, thêm đường phèn rồi hấp cách thủy trong 1 giờ là có thể ăn.
Hai món chè này đều có tác dụng bổ huyết.
Bên cạnh đó, dùng nồi gang để nấu những món ăn bài thuốc trị thiếu máu kể trên sẽ tăng thêm lượng sắt cho cơ thể, hỗ trợ rất tốt quá trình tạo máu.
Những bài thuốc cổ phương trị thiếu máu
Đây là những bài thuốc bổ khí, chữa thiếu máu đã được chứng minh hiệu quả, sử dụng từ lâu đời trong Y học cổ truyền nước ta.
- Tứ quân tử thang: Bài thuốc bổ khí, trị kém ăn, mệt mỏi, gầy yếu. Gồm có: 6g nhân sâm, 8g bạch truật, 8g bạch linh, 4g cam thảo sắc uống, ngày một thang trong 2 – 3 tuần.
- Độc sâm thang: 4 – 6g nhân sâm hãm uống trong ngày. Tránh dùng khi bị sôi bụng, tiêu chảy, huyết áp cao, mất ngủ.
- Bổ trung ích khí thang: Bài thuốc bổ khí dùng khi mất máu do trĩ, sa nội tạng. Gồm có mỗi loại nhân sâm (hoặc thay bằng đẳng sâm), hoàng kỳ, bạch truật 12g, 8g đương quy, mỗi vị thăng ma, sài hồ, cam thảo 6g và 4g trần bì sắc uống. Ngày dùng một thang trong 3 – 4 tuần.
- Tứ vật thang: Bổ huyết, tốt cho người thiếu máu, suy nhược, xanh xao, mệt mỏi vô lực. Gồm có 12g thục địa, 10g đương quy, 10g bạch thược, 6g xuyên khung sắc uống. Ngày một thang trong 3 – 4 tuần.
- Đại bổ âm hoàn: 24g thục địa, 24g quy bản, 16g tri mẫu, 16g hoàng bá sắc đặc làm thành dạng viên hoàn, ngày uống 12 – 16g.
Hi vọng những món ăn bài thuốc trị thiếu máu kể trên sẽ giúp bạn cải thiện sức khỏe và lấy lại cảm giác ngon miệng. Dù vậy, nguyên nhân thiếu máu có rất nhiều, như nhiễm giun, chảy máu tiêu hóa, suy tủy xương, bệnh thận mạn tính hay thiếu hụt các thành phần tạo máu… Bạn cũng nên dành thời gian thăm khám, biết và điều trị cả căn nguyên để sớm bình phục.