Ngủ đủ giấc, không bỏ bữa, hạn chế các tác nhân stress, tiếng ồn, cà phê, góp phần giảm nguy cơ khởi phát các cơn đau đầu kinh niên.
Đau đầu kinh niên là cách gọi theo dân gian của đau đầu mạn tính. Khác với đau đầu cấp tính diễn ra trong thời gian ngắn, đau đầu mạn tính kéo dài, tần suất cao hơn. Người bệnh đau đầu hơn 15 lần trở lên mỗi tháng và trong ít nhất ba tháng.
ThS.BS.CKII Phạm Ngọc Danh Khoa, khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết có nhiều nguyên nhân gây đau đầu mạn tính như đau nửa đầu (đau đầu Migraine), các bệnh tiềm ẩn, sử dụng thuốc trong thời gian dài. Các yếu tố nguy cơ khác làm khởi phát bệnh như căng thẳng, hạ huyết áp vô căn.
Đau đầu mạn tính dễ dẫn đến suy giảm trí nhớ, giảm tập trung, lo âu, cáu gắt, trầm cảm. Nếu cơn đau đầu diễn ra dữ dội có thể cảnh báo đột quỵ hoặc hôn mê khi không được cấp cứu kịp thời. Bác sĩ Danh Khoa gợi ý 6 cách hỗ trợ giảm đau đầu mạn tính khởi phát hoặc tăng nặng.
Ghi lại nhật ký cơn đau: Nhật ký đau đầu bao gồm thông tin chi tiết như thời điểm cơn đau bắt đầu, kéo dài bao lâu, ngay trước đó bạn làm gì… Người bệnh nên ghi lại để xác định các yếu tố gây ra hoặc làm khởi phát cơn đau, từ đó chủ động thông tin cho bác sĩ, dự phòng bệnh.
Tránh lạm dụng thuốc giảm đau: Thuốc giảm đau không kê đơn có thể gây tác dụng ngược nếu uống nhiều, lệ thuộc thuốc, khiến cơn đau đầu gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng. Người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ về biện pháp cai thuốc để tránh các tác dụng phụ nghiêm trọng.
Ngủ đủ giấc: Trung bình người trưởng thành cần ngủ khoảng 7-8 giờ một đêm. Người bệnh bị đau đầu kinh niên nên đi ngủ và thức giấc cùng một thời điểm mỗi ngày. Ngượi bị rối loạn giấc ngủ như khó ngủ, ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ… nên đi khám sớm để có biện pháp khắc phục.
Tránh bỏ bữa: Duy trì bữa ăn lành mạnh như tránh dùng nhiều thực phẩm có thể gây đau đầu, khó ngủ như rượu bia, cà phê. Người béo phì cần lên kế hoạch giảm cân. Bổ sung thêm tinh chất thiên nhiên chiết xuất từ blueberry (việt quất), ginkgo biloba (bạch quả) hỗ trợ trung hòa gốc tự do, cải thiện tuần hoàn máu não, hạn chế đau đầu và mất ngủ.
Tập thể dục đều đặn: Thường xuyên vận động giúp cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần, góp phần giảm căng thẳng. Bác sĩ có thể tư vấn cho người bệnh các hoạt động phù hợp như bơi lội, đi bộ, đạp xe… Bắt đầu luyện tập từ từ để hạn chế nguy cơ chấn thương.
Giảm stress: Căng thẳng có thể dẫn đến chứng đau đầu kinh niên. Do đó, mỗi người cần giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, sắp xếp thời gian học tập, làm việc hợp lý, có thể thực hiện bài tập giảm căng thẳng như thiền, yoga.
Bác sĩ Danh Khoa khuyến cáo người bệnh đau đầu mạn tính cần tái khám định kỳ hoặc khi cơn đau bộc phát bất thường, tăng nặng. Hiện, các kỹ thuật hiện đại như kích thích từ trường xuyên sọ có thể giúp điều trị, kiểm soát bệnh.
Minh Anh
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để được bác sĩ giải đáp |