Bệnh giảm áp là gì?
Bệnh giảm áp là một loại chấn thương xảy ra khi áp lực xung quanh cơ thể giảm nhanh đột ngột.
Bệnh thường xảy ra ở những người thợ lặn, phi hành gia hoặc những công nhân trong hầm.
Với người bệnh giảm áp, bọt khí có thể hình thành trong mô và máu. Lúc này, người bệnh cần được cấp cứu ngay lập tức nếu không sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh giảm áp là gì?
Các triệu chứng phổ biến của bệnh gồm:
- Mệt mỏi
- Yếu
- Đau khớp và cơ
- Đau đầu
- Choáng váng
- Nhầm lẫn
- Có vấn đề về thị lực, như song thị
- Đau dạ dày
- Đau ngực hoặc ho
- Sốc
- Chóng mặt
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể xuất hiện các triệu chứng ít phổ biến sau:
- Viêm cơ
- Ngứa
- Phát ban
- Sưng hạch bạch huyết
- Cực kì mệt mỏi
Các chuyên gia phân loại giảm áp với các triệu chứng ảnh hưởng đến da, cơ xương và hệ bạch huyết là loại 1. Giảm áp loại 2 sẽ có các triệu chứng ảnh hưởng đến hệ thần kinh.
Các triệu chứng thường kéo dài trong bao lâu?
Các triệu chứng bệnh thường xuất hiện nhanh chóng. Đối với thợ lặn, chúng có thể xuất hiện trong vòng 1 giờ sau khi lặn. Người bệnh có thể có các dấu hiệu rõ ràng, như:
- Chóng mặt
- Thay đổi dáng đi
- Yếu
- Bất tỉnh (trong những trường hợp nghiêm trọng)
Lúc này, người bệnh cần được điều trị cấp cứu ngay nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Trong các trường hợp nhẹ, bạn có thể không nhận thấy các triệu chứng giảm áp trong vòng 1 giờ hoặc nhiều ngày sau khi lặn. Tuy nhiên, bạn vẫn cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân
Nguyên nhân nào gây ra bệnh giảm áp?
Khi bạn di chuyển từ nơi có áp suất cao tới nơi có áp suất thấp, các bọt khí nitơ có thể thể hình thành trong máu và mô. Khi áp suất giảm nhanh chóng, các bọt khí này sẽ được giải phóng ồ ạt vào cơ thể, khiến lưu lượng máu bị tắc nghẽn và gây ra các triệu chứng giảm áp.
Những ai thường hay bị giảm áp?
Bệnh giảm áp thường gặp ở thợ lặn. Ngoài ra, phi hành gia hoặc người leo núi cao cũng có khả năng bị tình trạng này.
Bạn cũng có nguy cơ bị giảm áp cao hơn nếu có các yếu tố sau:
- Khuyết tật tim
- Mất nước
- Đi máy bay sau khi lặn
- Vận động quá sức
- Mệt mỏi
- Béo phì
- Lớn tuổi
- Lặn trong vùng nước lạnh
Nhìn chung, bạn càng lặn sâu, nguy cơ bị giảm áp càng cao. Do đó, điều quan trọng là bạn cần lặn và bơi lên từ từ.
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Các phương pháp nào giúp điều trị giảm áp?
Phương pháp điều trị bệnh giảm áp được áp dụng dựa trên cơ chế của nguyên nhân gây bệnh, tức phải làm tan bọt khí trở lại và giải phóng từ lượng khí dư đó ra ngoài đường phổi bằng cách nhanh chóng đưa người bệnh trở về môi trường áp suất cao. Thuốc và các phương pháp khác không làm tan được bọt khí, đặc biệt là các bọt khí lớn.
Trên thực tế, ngư dân khi mắc chứng giảm áp phần lớn tự chữa bằng cách đưa xuống độ sâu như lúc ban đầu đã lặn rồi lại đưa lên mặt nước để giúp người gặp nạn tăng áp trở lại.
Biện pháp này đã áp dụng đúng nguyên tắc chữa trị bệnh giảm áp. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời và có thể áp dụng cho trường hợp bị nhẹ. Những trường hợp nặng hơn sẽ không có tác dụng do bọt khí quá nhiều gây ách tắc và tổn thương toàn bộ các mạch máu.
Hiện nay, người bị bệnh giảm áp nặng có thể được chữa trị thông qua phương pháp đặc hiệu bằng oxy cao áp. Bên cạnh đó, bác sĩ cần kết hợp với các thuốc nội khoa và vật lý trị liệu để phục hồi chức năng của các bộ phận cơ thể bị tổn thương.
Đối với các trường hợp bệnh nhân có triệu chứng, biểu hiện giảm áp nặng, sau khi thực hiện các biện pháp sơ cứu, cần nhanh chóng đưa ngay đến bệnh viện càng nhanh càng tốt để giúp cho việc cứu chữa đạt hiệu quả tốt hơn.
Phòng ngừa
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh giảm áp?
Để phòng ngừa bệnh giảm áp, thợ lặn nên:
- Uống nhiều nước, tránh để cơ thể thiếu nước
- Hít thở sâu 3 phút trước khi lặn
- Không lặn quá sâu (trên 12m độ sâu)
- Khi ngoi lên phải tuân thủ đúng quy trình
Ngoài ra, thợ lặn cũng cần trang bị kỹ đồ bảo hộ và được trang bị các kỹ năng đối phó khi giảm áp xảy ra.
Sức khỏe không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.