“Toàn báo không à”, “báo quá trời báo gòi”, “báo cha, báo mẹ”,… Từ “báo” gần đây xuất hiện khá nhiều, nhưng liệu bạn đã biết báo là gì trên Facebook hay chưa?
Thông thường, “báo” (danh từ) dùng để chỉ một loài động vật hoang dã hoặc “báo” trong “báo chí”. Khi là động từ, báo được dùng như “thông báo” hoặc “dự báo”. Tất nhiên theo ngôn ngữ của gen Z, từ này không mang nghĩa như vậy. Hiện nay từ “báo” đã được chuyển đổi nghĩa sử dụng theo từ lóng. Vậy “báo” là gì?
“Báo” là gì trên Facebook?
Trên mạng xã hội Facebook, Tiktok nhiều người dùng từ “báo” là tiếng lóng dùng để ám chỉ những người có việc làm thiếu suy nghĩ, có hành vi chỉ ăn chơi vô ích khiến người xung quanh cảm thấy phiền. Sau đó gây ra hậu quả rồi lại làm phiền ảnh hưởng đến cha mẹ.
Từ “báo” có thể sử dụng để chỉ trích một cá nhân nào đó gay gắt, nhưng cũng có thể được dùng để “mắng” ai đó một cách hài hước.
Không chỉ được dùng trên Facebook, TikTok hay các trang mạng xã hội, “báo” còn được giới trẻ sử dụng thường xuyên trong cuộc sống. Khi có một người làm sai, làm ẩu hoặc gây ra một sự cố nào đó không mong muốn, những người xung quanh sẽ dùng từ “báo” để trêu chọc hoặc bày tỏ nỗi thất vọng của mình.
Lấy một ví dụ đơn giản của “báo” là gì, khi gia đình đang chuẩn bị ăn cơm và bạn là người phụ trách nấu cơm chín. Khi món ăn đã được bày lên thịnh soạn và ngon mắt thì bạn lại quên bật nút nồi cơm; khiến cả nhà tụt hứng. Đây cũng là một trường hợp cho thấy bạn đang là một “báo thủ”.
Để biết “báo thủ” là gì, bạn nhớ đọc các phần tiếp theo nhé!
“Báo quá trời báo” là gì?
Báo quá trời báo là một cụm từ cảm thán của một người khi nghe về chuyện gì đó khá sốc, hậu quả gây ra khá lớn. Từ này được sử dụng trong ngữ cảnh vui vẻ bình thường giữa những người bạn với nhau.
“Báo con”, “báo thủ” là gì?
Báo thủ hay còn gọi là “báo con” cũng xuất phát từ “báo”. Từ này được dùng để chỉ những người không làm được gì có ích mà chỉ gây ra rắc rối làm phiền những người xung quanh. Nhất là những đứa con suốt ngày “báo cha báo mẹ”.
Không chỉ biết về “báo”, flex là gì cũng được nhiều bạn Gen Z quan tâm.
Tâm lý học giải thích vì sao một số người “báo”
Nếu báo thủ có những hành động bất cẩn, đó có thể là do họ không thực sự để tâm, chú ý đến việc họ đang làm.
Điều này cũng có thể do họ thấy việc đó không quan trọng với họ, họ không tìm được ý nghĩa trong công việc đó. Khi đó, họ không quan tâm đến hậu quả khi thực hiện hành động “báo” là gì.
Thông thường, người này có thể rơi vào tình trạng anhedonia hoặc có dấu hiệu của trầm cảm. Anhedonia là tình trạng bạn cảm thấy “không có gì là quan trọng”; “cảm thấy mất hứng thú với mọi thứ”. Khi bạn thấy mình không quan tâm đến bất cứ điều gì, nó có thể cướp đi động lực bạn cần để theo đuổi mục tiêu của mình.
Dấu hiệu cho thấy bạn đang trải qua anhedonia:
Theo Cẩm nang Chẩn đoán & Thống kê của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, phiên bản thứ 5 (DSM-5), khi bị mất hứng thú, bạn sẽ có hai biểu hiện chính:
- Giảm động lực tìm kiếm những trải nghiệm thú vị mà trước đó bạn từng rất thích.
- Mất năng lượng, giảm khả năng cảm nhận cảm xúc tích cực trước những hoạt động từng mang lại niềm vui.
DSM-5 xác định anhedonia là một trong hai triệu chứng cốt lõi của chứng rối loạn trầm cảm chủ yếu; ngoài ra, tình trạng này cũng liên quan đến các rối loạn tâm thần khác như: rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt, rối loạn căng thẳng sau sang chấn,…
Trường hợp bạn cảm thấy các vấn đề sức khỏe tinh thần của mình đang ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống (công việc, tình cảm, gia đình,…), cách tốt nhất là liên hệ với chuyên gia tâm lý lâm sàng hoặc bác sĩ tâm thần để được hỗ trợ và can thiệp điều trị.
Cách để chú tâm và tránh mắc lỗi trong cuộc sống
Lý do khiến một người “báo”, thờ ơ với xung quanh thường do họ cảm thấy không quan tâm, không hứng thú những việc họ làm. Do đó, cách giải quyết đó là tìm cách để yêu thích những điều họ làm trong cuộc sống.
Dành thời gian cho sở thích cá nhân
Bạn có thấy một đứa trẻ khi chúng làm điều chúng thích, sự chuyên tâm và tập trung của các em rất là cao không? Khi lớn lên, chúng ta thường bị đánh lạc hướng khỏi những gì mà ta yêu thích nhất. Lẽ dĩ nhiên khi ta không làm khiến ta thấy hứng khởi, sự mất tập trung và thờ ơ đôi lúc sẽ xảy ra.
Do đó, bạn hãy tìm về những gì bạn “muốn làm” thay vì “phải làm”. Cho dù đó là đọc truyện tranh, nghe nhạc K-pop, tô màu, tô tượng,… Bất kể điều gì khơi lại niềm vui trong bạn, những điều bạn làm “không vì lý do gì” ngoài cảm giác tận hưởng.
Tìm cách thư giãn và giảm căng thẳng
Khi bạn đã hiểu “báo” là gì và vì sao chúng ta làm điều đó, bạn cũng có thể thấy mối liên hệ giữa việc “báo” và mất động lực, mất năng lượng. Khi bạn trải qua trạng thái căng thẳng kéo dài quá lâu, bạn dễ cảm thấy “không muốn làm gì” và không để tâm đến hậu quả từ hành động của mình.
Những lúc như vậy, bạn sẽ cần một ngày chỉ-cho-riêng-mình. Hãy tìm cách để cơ thể, tâm trí và cảm xúc của bạn được thư giãn (ví dụ như thực hành thiền, tập yoga, hoặc không làm gì cả). Ngoài ra, bạn cần xem xét lại cuộc sống của bạn có đang quá tải hay không, rồi tìm cách cắt giảm bớt công việc không quan trọng để tránh căng thẳng quá mức bạn nhé.
Chăm sóc bản thân như cách bạn chăm sóc bạn thân của mình
Chúng ta thường được học cách chăm sóc người khác nhiều hơn là chăm sóc cho chính mình. Vào những thời điểm tinh thần của bạn không khỏe, bạn hãy đối xử với mình như một người bạn thân. Hãy hỏi: “Điều gì mình cần làm để mình cảm thấy tốt hơn?”; “Làm thế nào để nuôi dưỡng sự tự trắc ẩn cho chính mình?”
Gợi ý cho bạn một số điều bạn có thể làm trong thời gian me-time:
- Viết nhật ký suy nghĩ để bạn giải tỏa vào những trang giấy.
- Lắng nghe bản nhạc không lời, uống một ly nước ấm và đọc sách.
- Vận động và hoạt động thể chất – chọn ra môn thể thao bạn hứng thú nhất.
- Tìm một người bạn, tức tốc rủ đi cà phê và tâm sự về những câu chuyện hai bạn hứng thú.
Kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý
Nếu bạn cảm thấy các dấu hiệu của anhedonia đã xuất hiện trong một thời gian dài và bắt đầu ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày của bạn, bạn hãy tìm đến một nhà trị liệu hoặc bác sĩ tâm thần để nhận sự hỗ trợ chuyên nghiệp và can thiệp điều trị.
Hy vọng bài viết trên đã giải đáp thắc mắc “Báo là gì”, “Báo quá trời báo là gì”, “Báo thủ, báo con là gì” cho bạn. Nếu bạn thấy “báo” thực chất đang phản ánh về sức khỏe tinh thần của mình, hãy tìm cách để chăm sóc cho bản thân và nhận sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý bạn nhé!