Theo nhiều số liệu thống kê tại Việt Nam, bệnh tiểu đường là một trong 3 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, chỉ sau bệnh tim mạch và ung thư. Hơn 90% trường hợp mắc bệnh là thuộc type 2 nên vấn đề bệnh tiểu đường type 2 có chữa được không có rất nhiều người quan tâm.
Bệnh tiểu đường type 2 có chữa được không?
Bệnh tiểu đường type 2 xảy ra khi các tế bào trong cơ thể trở nên đề kháng với insulin (hormone do tuyến tụy tiết ra để đưa đường từ máu vào tế bào, tạo ra năng lượng), khiến lượng đường tăng trong máu. Tình trạng này về lâu dài dẫn đến lượng đường trong máu thường xuyên ở mức cao, gây tổn thương hệ thống tuần hoàn, thần kinh và miễn dịch. Nếu không được điều trị, bệnh tiểu đường type 2 có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như bệnh tim, bệnh thận, võng mạc tiểu đường, vấn đề về da, vết thương lâu lành…
Bệnh tiểu đường type 2 có chữa được không? Thật đáng tiếc khi không có cách chữa khỏi bệnh tiểu đường type 2 và phải theo dõi, điều trị suốt đời. Duy chỉ có tình trạng tiền tiểu đường có thể điều trị khỏi bằng thay đổi lối sống, để nó không tiến triển thành tiểu đường tuýp 2.
Thực hiện giảm cân, ăn kiêng điều độ và tập thể dục có thể hỗ trợ bạn kiểm soát lượng đường trong máu và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Nếu thay đổi lối sống không đủ để duy trì đường huyết ổn định trong ngưỡng mục tiêu, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc tiểu đường hoặc liệu pháp insulin.
Bạn có thể quan tâm: Chỉ số đường huyết bình thường là bao nhiêu? Mục tiêu đường huyết của người tiểu đường
Kiểm soát bệnh tiểu đường type 2 như thế nào?
Khi bạn đã có câu trả lời cho việc tiểu đường type 2 có chữa được không thì bạn cũng hiểu, việc điều trị là suốt đời. Hãy yên tâm rằng bạn hoàn toàn có thể kiểm soát tình trạng bệnh và có tuổi thọ như người bình thường.
Điều trị tiểu đường type 2 không dùng thuốc
Với người bệnh tiểu đường, lối sống sẽ góp phần kiểm soát lượng đường trong máu ở mức ổn định và ngăn ngừa biến chứng.
Bạn có thể quan tâm: Chế độ ăn dành cho người bị tiểu đường type 2 theo khuyến cáo từ Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ
Một số biện pháp bạn có thể áp dụng bao gồm:
- Ăn thực phẩm lành mạnh. Bạn chọn thực phẩm ít chất béo và ít calo. Cụ thể, hãy tập trung vào các thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau củ không có tinh bột và ngũ cốc nguyên hạt; đồng thời lựa chọn nguồn đạm nạc từ cá, đậu, thịt gia cầm bỏ da; hạn chế ngũ cốc tinh chế, rau củ nhiều tinh bột và đồ ngọt.
- Tập thể dục thường xuyên. Tập thể dục vừa giúp duy trì cân nặng hợp lý, đồng thời cũng giúp cơ thể sử dụng insulin hiệu quả hơn. Cố gắng dành 150 phút trở lên mỗi tuần cho các hoạt động thể dục nhịp điệu vừa phải, chẳng hạn như đi bộ nhanh, đi xe đạp, chạy hoặc bơi lội. Bạn cũng nên xen kẽ tập cử tạ, yoga và thể dục dưỡng sinh với 2-3 buổi mỗi tuần.
- Giảm cân. Giảm cân giúp kiểm soát tốt hơn lượng đường trong máu, cholesterol, chất béo trung tính và huyết áp. Nếu bạn thừa cân, giảm ít nhất 7% trọng lượng cơ thể có thể giúp cải thiện sức khỏe về mặt tổng thể.
- Theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên. Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn tần suất kiểm tra lượng đường trong máu. Nếu đường huyết không ổn định trong ngưỡng an toàn, bạn cần điều chỉnh lại việc ăn uống và tái khám để thay đổi đơn thuốc.
Thuốc chữa trị tiểu đường tuýp 2
Có rất nhiều người cũng tìm hiểu xem tiểu đường type 2 có chữa được không nếu dùng thuốc với hi vọng dứt khỏi bệnh này. Đáng tiếc rằng thuốc không giúp bạn khỏi hoàn toàn tiểu đường. Đây là cách để kiểm soát đường huyết khi lối sống chưa đủ và ngừa biến chứng.
Các loại thuốc thường được kê đơn cho bệnh nhân tiểu đường type 2 bao gồm metformin, sulfonylureas, glinides, thiazolidinediones. Chúng được sử dụng đơn lẻ, hoặc kết hợp với nhau, hoặc kết hợp với tiêm insulin. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định bạn dùng duy nhất insulin. Loại insulin, liều lượng và lịch trình tiêm sẽ thay đổi tùy theo thể trạng của mỗi người.
Hãy thăm khám với bác sĩ và đo đường huyết thường xuyên để theo dõi tác động của thuốc đến lượng đường trong máu như thế nào. Tùy theo mức độ kiểm soát bệnh mà bạn có thể phải thay đổi đơn thuốc khi cần.
Hi vọng thông qua bài viết này đã giúp bạn giải đáp được vấn đề bệnh tiểu đường type 2 có chữa được không để bạn bớt lo lắng. Hãy chủ động thay đổi và duy trì lối sống lành mạnh ngay từ hôm nay để sống khỏe với bệnh tiểu đường nhé!
[embed-health-tool-bmi]