Viêm khớp dạng thấp (hay thấp khớp) có thể khó chẩn đoán do triệu chứng trùng lặp với nhiều bệnh lý khác nhau. Không có một xét nghiệm cụ thể nào đặc hiệu cho bệnh này. Vì vậy mà tiêu chuẩn chẩn đoán viêm khớp dạng thấp thường là sự kết hợp của rất nhiều yếu tố.
Hãy đến gặp bác sĩ thăm khám càng sớm càng tốt ngay khi xuất hiện các triệu chứng như đau hay sưng, cứng khớp để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp sớm là bước đầu tiên để điều trị bệnh hiệu quả.
Tiêu chuẩn chẩn đoán viêm khớp dạng thấp dựa trên kết quả những xét nghiệm nào?
Viêm khớp dạng thấp có thể khó chẩn đoán trong giai đoạn đầu vì các dấu hiệu ban đầu thường giống với nhiều bệnh lý về cơ xương khớp khác. Bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán viêm khớp dạng thấp thông qua các xét nghiệm sau đây:
Hỏi triệu chứng và khám lâm sàng
Bác sĩ cần xem xét các khớp của bạn xem có bị sưng, đỏ hay không và có thể kiểm tra phản xạ và sức mạnh cơ bắp, cũng như hỏi bạn về các triệu chứng đang mắc phải để việc chẩn đoán được chính xác hơn.
Một số các triệu chứng cần trong tiêu chuẩn chẩn đoán viêm khớp dạng thấp bao gồm:
- Cứng khớp, đặc biệt là vào buổi sáng. Tình trạng kéo dài ít nhất một giờ và duy trì trong ít nhất 6 tuần.
- Sưng từ 3 khớp trong số 14 nhóm khớp sau: ngón tay gần, bàn ngón tay, cổ tay, khuỷu, gối, cổ chân, bàn ngón chân (2 bên) trở lên trong ít nhất 6 tuần.
- Trong đó ít nhất 1 khớp thuộc vị trí: cổ tay, bàn ngón tay hoặc ngón gần trong ít nhất 6 tuần.
- Sưng các khớp giống nhau ở cả hai bên của cơ thể.
- Xuất hiện các nốt dạng thấp (cục u) trên da.
- Đau nhức các khớp.
Tiêu chuẩn chẩn đoán viêm khớp dạng thấp dựa trên xét nghiệm máu
Nghe có vẻ không liên quan nhưng thực tế, kết quả một số xét nghiệm máu cũng góp phần vào tiêu chuẩn chẩn đoán viêm khớp dạng thấp.
Tốc độ lắng hồng cầu (ESR)
Tốc độ lắng của hồng cầu cho thấy dấu hiệu viêm trong cơ thể. Ở thí nghiệm này, bác sĩ sẽ lấy mẫu máu vào ống nghiệm, sau đó tính xem hồng cầu mất bao lâu để lắng xuống đáy ống. Nếu hồng cầu chìm nhanh hơn bình thường tức là tốc độ lắng cao, bạn có thể có yếu tố viêm cao hơn bình thường. Viêm khớp dạng thấp chỉ là một trong những nguyên nhân có thể xảy ra.
Mức protein phản ứng C (CRP)
Tiến hành xét nghiệm bằng cách kiểm tra xem có bao nhiêu CRP trong máu. Xét nghiệm này cũng cho biết cơ thể bạn có đang bị viêm hay không. Nếu có nhiều CRP hơn bình thường, bạn có thể bị viêm. Đây cũng được xem là một trong những tiêu chuẩn chẩn đoán viêm khớp dạng thấp khá hiệu quả.
Yếu tố dạng thấp và kháng thể kháng peptid citrulline vòng (Anti CCP)
Những người có kết quả xét nghiệm dương tính với cả yếu tố dạng thấp và Anti CCP có thể có nhiều khả năng bị viêm khớp dạng thấp nặng cần điều trị sớm.
Cụ thể như sau:
- Yếu tố dạng thấp là các protein mà hệ thống miễn dịch tạo ra khi nó tấn công các mô khỏe mạnh. Khoảng 80% người bị viêm khớp dạng thấp có yếu tố dạng thấp trong máu. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu của bệnh, chỉ có 30% người bệnh có yếu tố này.
- Anti CCP là các kháng thể cũng được sản xuất bởi hệ thống miễn dịch. Khoảng 60 – 70% bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp sẽ có kết quả dương tính với chất chống CCP trong máu, nhưng không phải ai bị viêm khớp dạng thấp cũng có kháng thể này.
- Trong giai đoạn đầu của bệnh xét nghiệm có thể thấy Anti CCP dương trước yếu tố thấp RF
Tổng số lượng hồng cầu
Hồng cầu mang sắt đi khắp cơ thể và số lượng tế bào hồng cầu thấp có nghĩa là bạn có thể bị thiếu máu. Thiếu máu là tình trạng thường gặp ở những người bị viêm khớp dạng thấp, mặc dù thiếu máu không chứng minh rằng bạn bị thấp khớp.
Nhìn chung, không phải tất cả mọi người mắc căn bệnh này đều dương tính với các yếu tố kể trên, kể cả yếu tố dạng thấp và Anti CCP. Đây là lý do tại sao tiêu chuẩn chẩn đoán viêm khớp dạng thấp lại cần dựa trên sự kết hợp của rất nhiều yếu tố khác nhau.
Xét nghiệm bằng hình ảnh
Trong tiêu chuẩn chẩn đoán viêm khớp dạng thấp, bác sĩ có thể yêu cầu bạn tiến hành các xét nghiệm bằng hình ảnh để việc chẩn được chính xác nhất. Chúng có thể bao gồm:
- Chụp X-quang:Chụp 2 bàn tay thẳng hoặc các khớp bị tổn thương. Hình ảnh chụp X-quang sẽ cho thấy bất kỳ thay đổi nào trong khớp, những tổn thương hay tình trạng viêm trong khớp. Giai đoạn đầu X-quang thường bình thường hoặc chỉ thấy sưng mô mềm hoặc mất khoáng đầu xương. Giai đoạn muộn tổn thương ăn mòn ở đầu xương và nặng dần theo tiến trình của bệnh, nặng hơn là hình ảnh ăn mòn sụn khớp, hẹp khe khớp, lệch trục, trật khớp, thoái hóa thứ phát,…
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Hình ảnh về khớp của bạn được tạo ra bằng cách sử dụng từ trường mạnh và sóng vô tuyến. Xét nghiệm này giúp đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh.
- Siêu âm khớp, siêu âm doppler: đánh giá tình trạng viêm màng hoạt dịch.
Tuy nhiên, những kết quả kể trên cũng có thể gặp phải ở một số người mắc các bệnh thấp khớp khác.
Đôi khi, bác sĩ cần phải theo dõi diễn biến của bệnh theo thời gian trước khi có thể chẩn đoán xác định bạn đã mắc viêm khớp dạng thấp.
Làm gì khi được chẩn đoán viêm khớp dạng thấp?
Căn cứ vào các tiêu chuẩn chẩn đoán viêm khớp dạng thấp kể trên, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận bệnh và phương án điều trị phù hợp. Có thể là: thuốc men, vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật. Điều đầu tiên bạn cần làm là tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ.
Bên cạnh đó, bạn có thể thực hiện các bước để chăm sóc cơ thể nếu bị bệnh này. Những biện pháp chăm sóc ngay tại nhà sau đây có thể giúp kiểm soát triệu chứng và giúp bạn sống khỏe mạnh hơn:
- Tập thể dục đều đặn. Tập thể dục nhẹ nhàng có thể giúp tăng cường sức mạnh các cơ xung quanh khớp và giảm mệt mỏi. Tránh tập thể dục ở các khớp bị viêm. Nên tập khi triệu chứng viêm giảm, tập luyện nhiều lần trong ngày, phù hợp với từng người bệnh. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn các bài tập phù hợp.
- Trong đợt viêm cấp: để khớp nghỉ ngơi thư thế thoải mái, tránh kê độn không đúng tại khớp, có thể udnfg nẹp chỉnh hình để tránh co rút các khớp vào ban đêm.
- Chườm nóng hoặc lạnh. Nhiệt có thể giúp giảm đau và thư giãn các cơ bị căng, đau. Lạnh có tác dụng giúp làm tê, giảm sưng và làm giảm đau đớn.
- Thư giãn. Giảm căng thẳng, cố gắng hít thở sâu và thư giãn cơ sẽ giúp kiểm soát cơn đau.
- Duy trì cân nặng hợp lý. Béo phì có thể gây áp lực lên xương khớp, đặc biệt là với những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Điều quan trọng là bạn cần phải duy trì cân nặng hợp lý bằng một chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học và cân bằng.
Hy vọng thông qua bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các xét nghiệm đáp ứng tiêu chuẩn chẩn đoán viêm khớp dạng thấp và những biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả nhé!
[embed-health-tool-bmi]