Tìm hiểu chung
Đau chi ma là gì?
Đau chi ma thường được mô tả là cảm giác đau liên tục, khó chịu, loạn cảm, nặng lên khi cử động hoặc có kích thích vào những vùng da bị tổn thương. Đây là hiện tượng thường gặp ở những người đã phẫu thuật đoạn chi (cắt cụt chi). Có nhiều người tin nguyên nhân là do vấn đề về tâm lý, nhưng các chuyên gia cho rằng cảm giác đau chi ma thực sự bắt nguồn từ tủy sống và não bộ của người bệnh.
Trong một số trường hợp, cảm giác này có thể thuyên giảm theo thời gian mà không cần điều trị. Ngược lại, một số người vẫn cảm nhận được cơn đau chi ma hàng ngày và cần sự hỗ trợ từ y tế.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của đau chi ma là gì?
Đặc điểm của cơn đau chi ma bao gồm:
- Khởi phát ở tuần đầu tiên sau khi đã đoạn chi, đôi khi trong vài tháng sau đó mới khởi phát
- Cơn đau thường tái đi tái lại
- Các triệu chứng ảnh hưởng đến một phần của chi cách xa phần thân cơ thể, chẳng hạn như bàn chân đã cắt cụt
- Cảm giác đau có thể được mô tả như bị bắn, bị bỏng, chuột rút, châm chích như kim đâm, đau như bị nghiền nát hay đau nhói
Nguyên nhân
Nguyên nhân của đau chi ma là gì?
Nguyên nhân chính xác của cơn đau này vẫn chưa rõ nhưng có thể có nguồn gốc từ tủy sống và não bộ. Trong quá trình chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp phát xạ positron (PET), các phần của não nơi đã từng kết nối với các dây thần kinh của chi đã cắt cụt có phản ứng khi người bệnh cảm thấy đau.
Nhiều chuyên gia tin rằng cơn đau chi ma có thể được giải thích như là một phần của phản ứng với các tín hiệu tổng hợp từ não. Sau khi đoạn chi, các khu vực của tủy sống và não mất tín hiệu đầu vào từ chi bị thiếu và có cách đặc biệt để điều chỉnh sự “tách rời” này. Kết quả có thể kích hoạt tín hiệu cơ bản nhất của cơ thể, đó là cảm giác bị đau.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sau khi đã cắt cụt 1 chi, não có thể tái cấu trúc một phần mạch cảm giác của bộ phận đó sang một phần khác của cơ thể. Nói cách khác, vì vùng bị cắt cụt không thể nhận thông tin cảm giác nên thông tin được chuyển đến nơi khác, chẳng hạn như từ bàn tay bị mất đến vùng gò má. Do đó, khi vùng má gặp va chạm, người bệnh cũng có cảm giác như bàn tay đã mất cũng đang được chạm vào và đôi khi phản ứng có thể gây đau.
Một số yếu tố khác được cho là góp phần vào cơn đau chi ma như các đầu dây thần kinh bị tổn thương, mô sẹo tại vị trí đoạn chi và cảm giác đau vật lý còn lưu giữ trước khi chi bị cắt cụt.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán đau chi ma?
Mặc dù không có phương pháp xét nghiệm y tế nào có thể chẩn đoán đau chi ma, bác sĩ có thể xác định tình trạng dựa trên các triệu chứng và hoàn cảnh của người bệnh, chẳng hạn như trải qua chấn thương hoặc phẫu thuật trước khi cơn đau xuất hiện.
Người bệnh cần mô tả chính xác cảm giác đau nhằm giúp bác sĩ xác định rõ và có thể chẩn đoán đúng.
Những phương pháp điều trị đau chi ma
Bước đầu, bác sĩ thường điều trị bằng thuốc và sau đó có thể áp dụng thêm các liệu pháp không xâm lấn chẳng hạn như châm cứu. Những phương pháp có độ xâm lấn lớn hơn như tiêm chích hoặc cấy ghép thiết bị cũng có thể được cân nhắc. Phẫu thuật sẽ là lựa chọn cuối cùng khi những phương pháp khác không đem lại kết quả khả quan.
Điều trị bằng thuốc
Mặc dù không có loại thuốc đặc trị nhưng người bệnh có thể dùng một số loại thuốc có tác dụng giảm đau thần kinh. Người bệnh thường cần phải trải qua thời gian dùng thử các loại thuốc khác nhau để tìm ra loại phù hợp với mình. Một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị đau chi ma là:
- Thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol, ibuprofen hoặc naproxen natri. Chỉ dùng những thuốc này theo chỉ dẫn của bác sĩ. Sử dụng quá mức có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng, chẳng hạn như xuất huyết dạ dày.
- Thuốc chống trầm cảm. Thuốc chống trầm cảm 3 vòng có thể làm giảm cơn đau do dây thần kinh bị tổn thương, gồm amitriptyline, nortriptyline và tramadol. Các tác dụng phụ có thể xảy ra là buồn ngủ, khô miệng và mờ mắt.
- Thuốc chống co giật. Thuốc trị động kinh như gabapentin và pregabalin có thể được sử dụng để điều trị đau dây thần kinh. Tác dụng phụ thường bao gồm chóng mặt, buồn ngủ và thay đổi tâm trạng.
- Thuốc giảm đau narcotics nhóm opioid như codein và morphin có thể là một lựa chọn đối với một số người. Khi dùng với liều thích hợp theo chỉ dẫn của bác sĩ, thuốc có thể giúp kiểm soát cơn đau ảo. Tuy nhiên, thuốc có khuyến cáo với người có tiền sử lạm dụng chất gây nghiện. Loại thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như táo bón, buồn nôn, nôn và buồn ngủ.
- Thuốc đối kháng thụ thể N-methyl-d-aspartate (NMDA). Loại thuốc này hoạt động bằng cách liên kết với các thụ thể NMDA trên các tế bào thần kinh của não và ngăn chặn hoạt động của glutamate, một loại protein có vai trò lớn trong việc truyền tín hiệu thần kinh. Trong các nghiên cứu, chất đối kháng thụ thể NMDA ketamine và dextromethorphan đã giúp giảm cơn đau chi ma. Tác dụng phụ của ketamine bao gồm an thần nhẹ, ảo giác hoặc mất ý thức. Dextromethorphan không ghi nhận trường hợp nào gặp tác dụng phụ khi sử dụng.
Liệu pháp y tế
Cũng như các loại thuốc, điều trị đau chi ma bằng các liệu pháp không xâm lấn cần trải qua giai đoạn thử nghiệm và quan sát. Các kỹ thuật sau đây có thể làm giảm đau ảo cho một số người:
- Nghiệm pháp gương (Mirror Therapy). Nghiệm pháp này nhằm loại trừ những triệu chứng đau mạn tính do chi ma bằng phương pháp ảo ảnh. Dùng một chiếc gương phẳng để tự thôi miên bằng hình ảnh với nguyên tắc là thay đổi nhận thức não bộ. Khai thác ảo tưởng để giảm đau đớn cho người bệnh nhằm đánh lừa não bộ của để não nhận thức rằng người bệnh đang quan sát phần cơ thể (tay, chân) vốn không còn đó. Khi đó não người bệnh sẽ nghĩ là phần cơ thể bị mất vẫn tồn tại và cảm giác đau sẽ giảm bớt. Nghiệm pháp gương dễ thực hiện sớm ngay sau khi cắt cụt chi, không tốn kém, có thể làm hàng ngày giúp giảm được lượng thuốc giảm đau cũng như tác dụng phụ của thuốc và cải thiện chất lượng cuộc sống.
- Châm cứu. Châm cứu có thể làm giảm một số loại đau mạn tính. Khi châm cứu, kỹ thuật viên sát khuẩn các điểm cụ thể trên cơ thể và dùng kim thép không rỉ vô trùng châm vào da. Kỹ thuật này sẽ an toàn nếu được thực hiện chính xác.
- Kích thích từ xuyên sọ lặp lại (rTMS). Liệu pháp này sử dụng một cuộn dây điện từ đặt trên trán. Các xung ngắn được truyền qua cuộn dây tạo ra dòng điện nhỏ trong các dây thần kinh ở một khu vực cụ thể của não. Nghiên cứu cho thấy liệu pháp này có thể hữu ích với cơn đau chi ma, mặc dù chưa được phê duyệt cụ thể. Từ trường trong liệu pháp tương tự như từ trường được sử dụng khi chụp MRI. Tác dụng phụ có thể bao gồm đau đầu nhẹ hoặc chóng mặt.
- Kích thích tủy sống. Bác sĩ chèn các điện cực nhỏ dọc theo tủy sống người bệnh. Một dòng điện nhỏ sẽ được truyền liên tục đến tủy sống để làm giảm đau.
Phẫu thuật
Như đã đề cập, phẫu thuật có thể là lựa chọn nếu đã thử qua các phương pháp điều trị khác mà không có kết quả như ý. Bác sĩ sẽ kích thích não sâu và kích thích vỏ não vận động, tương tự như kích thích tủy sống nhưng ở đây dòng điện được truyền trong não. Kỹ thuật chụp cộng hưởng từ (MRI) sẽ được bác sĩ phối hợp để định vị các điện cực chính xác. Mặc dù dữ liệu vẫn còn hạn chế và các phương pháp điều trị này chưa được phê duyệt cụ thể trong điều trị đau chi ma, kích thích não nhiều khả năng là một lựa chọn đầy hứa hẹn cho một số người bệnh.
Ngoài ra còn có phương pháp tân tiến hơn là sử dụng kính thực tế ảo. Chương trình trên máy tính có thể tạo ra hình ảnh ảo cho người bệnh nhìn thấy phần chi đã mất qua kính. Người bệnh sẽ “vận động” phần chi ảo để thực hiện những hành vi khác nhau như đá hay đập một quả bóng “ảo” treo giữa không trung. Mặc dù kỹ thuật này chỉ được thử nghiệm trên một số ít người nhưng tiên lượng của phương pháp rất khả quan.
Điều trị tại nhà
Những biện pháp nào giúp điều trị đau chi ma tại nhà?
Người bệnh có thể giảm bớt sự khó chịu từ cơn đau và cải thiện chất lượng cuộc sống bằng một số biện pháp tại nhà như:
- Làm sao nhãng cơn đau. Hãy tập trung vào các hoạt động khác để không chú ý đến cơn đau, chẳng hạn như đọc sách báo hoặc nghe nhạc.
- Duy trì hoạt động thể chất. Tập thể dục bằng cách thực hiện các hoạt động yêu thích như làm vườn, đi bộ, bơi lội hoặc đi xe đạp.
- Uống thuốc. Thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ khi dùng thuốc giảm đau. Nếu muốn dùng thảo dược và các loại thuốc thay thế khác, hãy tham vấn ý kiến bác sĩ trước.
- Thư giãn. Thực hiện các hoạt động làm giảm căng thẳng về cả mặt cảm xúc và cơ bắp. Người bệnh có thể tắm nước ấm (không quá nóng vì nhiệt độ cao có thể làm cơn đau nặng thêm), ngồi xuống và thư giãn như tập thở và thiền.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ từ người khác. Hãy gọi cho bạn bè hoặc tham gia một nhóm hỗ trợ, câu lạc bộ hội nhóm có cùng sở thích. Học cách sống khi không có chân tay và bị những cơn đau ảo có thể là cả 1 thử thách và dễ gây trầm cảm. Người bệnh nên có những buổi chia sẻ với một chuyên gia tâm lý hoặc nhà trị liệu. Cần nhớ rằng việc kiểm soát cơn đau chi ma phần lớn đến từ việc thay đổi cảm nhận.
Phòng ngừa
Những biện pháp nào giúp phòng ngừa đau chi ma?
Vì nguy cơ hình thành cơn đau chi ma sẽ cao hơn ở những người bị đau chi trước khi cắt cụt, một số bác sĩ khuyên nên gây tê cục bộ (cột sống hoặc ngoài màng cứng) trong vài giờ hoặc vài ngày trước khi tiến hành cắt cụt chi. Biện pháp này có thể làm giảm đau ngay sau phẫu thuật cũng như giảm nguy cơ đau chi ma về sau.
Bệnh lý không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.
[embed-health-tool-bmi]