Hầu hết các trường hợp viêm loét dạ dày đã có triệu chứng đều được chỉ định dùng thuốc để nhanh chóng cải thiện tình trạng và sớm điều trị dứt điểm. Có những loại thuốc chữa viêm loét dạ dày nào? Đâu là loại thuốc chữa viêm loét dạ dày tốt nhất hiện nay?
Viêm loét dạ dày (hay đau bao tử) là bệnh đường tiêu hóa rất phổ biến. Những cơn đau quặn hoặc nóng rát điển hình của bệnh ở vùng bụng trên rốn là do các vết loét trên niêm mạc dạ dày gây ra. Ngoài ra, người bị viêm loét dạ dày có thể thường xuyên bị khó tiêu, chướng bụng, ợ hơi, ợ chua… do dạ dày làm việc không được tốt.
Hiện nay, sự tiến bộ của y học cho phép điều trị hiệu quả viêm loét dạ dày chưa có biến chứng chủ yếu bằng phương pháp nội khoa và lối sống. Lựa chọn loại thuốc chữa viêm loét dạ dày nào phụ thuộc vào nguyên nhân gây viêm loét và mức độ, tình trạng bệnh.
Tổng quát, thế hệ thuốc chữa viêm loét dạ dày tốt nhất hiện nay đang được sử dụng có 2 mục đích chính:
- Giảm độ axit cho môi trường dạ dày để lành ổ loét
- Trị nguyên nhân gây loét: vi khuẩn H. pylori, các thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAID)…
Ngoài ra, nhiều nhóm thuốc chữa viêm loét dạ dày có công dụng khác không kém phần quan trọng như: giảm nhẹ các triệu chứng đau rát, kích thích lành vết thương niêm mạc, ngăn tái phát và biến chứng.
Các nhóm thuốc chữa viêm loét dạ dày tốt nhất hiện nay đang được sử dụng
1. Thuốc kháng tiết axit dạ dày
Mục đích của nhóm thuốc chữa viêm loét dạ dày này là giảm bớt lượng axit được các tế bào trong dạ dày tiết ra, qua đó giảm tổn thương cho ổ loét, tạo điều kiện thuận lợi để vết loét có thể lành. Ngoài ra, các thuốc kháng tiết axit dạ dày cũng giúp giảm triệu chứng đau rát, khó chịu.
Thuốc chữa viêm loét dạ dày nhóm kháng tiết axit gồm 2 loại nhỏ hơn với 2 cơ chế tác động khác nhau:
- Các thuốc ức chế thụ thể histamin H2 (H2RA): famotidine, cimetidine, nizatidine…
- Các thuốc ức chế bơm proton (PPI): omeprazole, lansoprazole, rabeprazole, esomeprazole, pantoprazole…
Ưu điểm của các thuốc kháng tiết axit này là tác dụng mạnh do đó có thể dùng ở liều thấp và giảm tác dụng phụ. Trong khi H2RA giảm lượng axit được tế bào tiết ra, PPI bất hoạt việc tiết axit một cách hiệu quả.
H2RA thường được dùng trong ca bệnh đơn giản, ít triệu chứng. Ngoài ra, H2RA cũng được dùng để điều trị tăng axit dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản và dự phòng viêm loét tái phát.
PPI kết hợp với NSAIDS để dự phòng loét dạ dày tá tràng. Tuy nhiên, dùng lâu dài các thuốc PPI ở liều cao có thể gây loãng xương.
2. Thuốc trung hòa axit dạ dày
Như tên gọi, nhóm thuốc chữa viêm loét dạ dày này có công dụng trung hòa bớt ion H+ trong dạ dày, nâng độ pH lên trên 3, nhờ đó giảm tác động gây loét nhưng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động tiêu hóa của dạ dày (khả năng đệm).
Thuốc trung hòa axit thường được kết hợp vào liệu trình điều trị viêm loét dạ dày với mục đích giảm nhanh tức thời các triệu chứng đau, rát, khó chịu. Thành phần thuốc bao gồm: trisilicate, nhôm hydroxide, canxi carbonate…
Thuốc thường được uống sau bữa ăn và buổi tối trước khi ngủ. Vì thường được dùng với liều lớn, nên các tác dụng phụ có thể gặp phải khá rõ ràng như: tiêu chảy, táo bón, khó tiêu, đầy hơi, buồn nôn… nhưng nhìn chung không nghiêm trọng.
Vì các thuốc trung hòa axit chỉ giảm nhẹ triệu chứng mà không điều trị căn nguyên bệnh, do đó không nên tự ý sử dụng lâu dài mà không có chỉ định của bác sĩ.
3. Thuốc bao phủ ổ loét, bảo vệ dạ dày
Mỗi loại thuốc giúp bảo vệ niêm mạc và củng cố lớp chất nhầy theo những cơ chế khác nhau. Một số thuốc trong nhóm này:
- Sucralfat, misoprostol: liên kết với protein trong dịch tiết tạo lớp màng bao phủ niêm mạc dạ dày và đáy ổ loét, kích thích sản xuất prostaglandin.
- Rebamipide: kích thích dạ dày tiết prostaglandin, tăng chất lượng chất nhầy bằng cách tăng thành phần glycoprotein, ức chế sự bám dính của H. Pylori vào niêm mạc
- Teprenone: tăng tốc độ liền sẹo.
Kết hợp với các thuốc chữa viêm loét dạ dày nói trên, nhóm thuốc này thúc đẩy vết loét mau lành hơn, giảm triệu chứng viêm, cũng như ngăn ngừa loét dạ dày tá tràng do sử dụng lâu dài các thuốc NSAID.
4. Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh được sử dụng nếu xét nghiệm cho thấy có vi khuẩn Helicobacter pylori bên trong dạ dày. Hoạt động ký sinh của loại vi khuẩn này là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây viêm loét cho niêm mạc dạ dày và làm bệnh tiếp tục thêm trầm trọng.
Thông thường, bác sĩ sẽ phối hợp ít nhất 2 loại kháng sinh để điều trị dứt điểm H. pylori. Những loại kháng sinh thường được dùng bao gồm: amoxicillin, clarithromycin, metronidazole, tetracycline, tinidazole, tetracycline, levofloxacin… tùy thuộc vào đặc điểm cơ địa và tình trạng kháng kháng sinh của bệnh nhân.
Kháng sinh là loại thuốc cần thận trọng khi sử dụng để việc điều trị đạt hiệu quả, tránh vi khuẩn kháng thuốc làm bệnh tái đi tái lại và khó điều trị dứt điểm. Vì vậy, người bệnh không được tự ý mua thuốc kháng sinh uống để chữa viêm loét dạ dày mà cần có chỉ định từ bác sĩ.
Cần uống đúng liều, đúng cữ, hoàn tất liệu trình (thường là 14 ngày), không được bỏ ngang.
Để điều trị viêm loét hiệu quả, bác sĩ không chỉ sử dụng kháng sinh mà có sự phối hợp với những nhóm, loại thuốc chữa viêm loét dạ dày khác dưới đây.
Lưu ý khi sử dụng các thuốc chữa viêm loét dạ dày
1. Tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ khi sử dụng thuốc chữa viêm loét dạ dày
Bệnh viêm loét dạ dày sẽ khỏi trong không quá vài tháng nếu được điều trị đúng cách. Để đạt được kết quả này, người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ đối với các thuốc trị viêm loét dạ dày như:
- Uống bao nhiêu lần trong ngày
- Uống trước hay sau bữa ăn bao lâu? Trước khi ngủ bao lâu?
Việc quên liều, ngưng thuốc giữa chừng, đặc biệt là đối với thuốc kháng sinh có thể dẫn đến bệnh không khỏi hoặc dễ tái đi tái lại.
2. Cẩn trọng và phòng tránh tác dụng phụ của thuốc chữa viêm loét dạ dày
Để tránh các tác dụng phụ và tương tác bất lợi khi điều trị bằng thuốc chữa viêm loét dạ dày, bạn cần cho bác sĩ biết các thông tin về bản thân như: tiền sử dị ứng, bệnh lý đang có, thuốc hoặc thực phẩm chức năng đang sử dụng…
Đặc biệt thận trọng tác dụng phụ của các thuốc chữa viêm loét dạ dày đối với trẻ nhỏ và thai phụ.
Kịp thời đi khám nếu phát hiện những triệu chứng bất thường như:
- Đại tiện phân đen hoặc chất ói như bã cà phê (dấu hiệu bị xuất huyết tiêu hóa)
- Sốt cao, mệt mỏi, đau bụng, chướng bụng, buồn nôn, tiêu chảy… nghiêm trọng hoặc kéo dài (do tác dụng phụ của thuốc hoặc dấu hiệu của biến chứng viêm phúc mạc nguy hiểm).
3. Tuân thủ lịch hẹn tái khám
Quá trình điều trị viêm loét dạ dày cần theo dõi sát sao hiệu quả của thuốc và tình trạng bệnh để có điều chỉnh phù hợp. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ đầy đủ lịch hẹn tái khám của bác sĩ.
4. Kết hợp song song với lối sống lành mạnh để thuốc chữa viêm loét dạ dày phát huy hiệu quả
Sau cùng, để điều trị viêm loét dạ dày đạt hiệu quả, người bệnh không thể quên những điều chỉnh cần thiết trong chế độ dinh dưỡng và lối sống như:
- Chú ý ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ bao gồm các loại rau, củ, quả, bên cạnh các chất dinh dưỡng cần thiết khác
- Không nên ăn đồ ăn chua, cay, nóng, nhiều dầu mỡ, khó tiêu… trong thời gian điều trị
- Ăn đúng bữa, nhai kỹ
- Tránh cà phê, trà đậm và các thức uống có cồn
- Không hút thuốc
- Tránh căng thẳng, stress
Mong rằng bài viết đã cho bạn đọc những thông tin hữu ích về các loại thuốc thuộc thế hệ thuốc chữa viêm loét dạ dày tốt nhất hiện nay bác sĩ thường chỉ định. Người bệnh cần lưu ý không tự ý mua thuốc về uống để chữa bệnh. Điều trị sai cách có thể giúp che giấu triệu chứng trong khi bệnh vẫn diễn tiến âm thầm, tới khi phát hiện thì đã nghiêm trọng.
[embed-health-tool-bmr]