Tôi hay khó ngủ, mất ngủ, mệt mỏi. Tôi nghe nói mất ngủ không nên uống cà phê. Tôi dùng ca cao để cải thiện tâm trạng được không? (Phúc Nguyên, TP HCM)
Trả lời:
Tương tự như cà phê, thành phần ảnh hưởng đến giấc ngủ trong ca cao là caffein. Caffein khi vào cơ thể sẽ tác động đến não bộ khá nhanh. Cụ thể, chất này được ruột non hấp thu chỉ sau khoảng 30-60 phút tùy từng người. Sau đó, caffein sẽ vượt qua hàng rào máu não, tác động đến não cũng như toàn bộ cơ thể.
Bên trong não bộ, caffein ngăn chặn các thụ thể adnosine. Thông thường, adnosine được tích tụ trong não bộ khi chúng ta thức, khi lượng adnosine càng tăng lên thì chúng ta càng buồn ngủ. Do đó, khi caffein ngăn chặn các thụ thể adnosine khiến cơ thể tỉnh táo kéo dài và không buồn ngủ.
Theo nghiên cứu của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), thời gian bán hủy của caffein thường dao động khoảng 4-6 giờ. Thời gian bán hủy có thể hiểu đơn giản là khoảng thời gian mà cơ thể đã chuyển hóa xong 50% lượng caffein mà cơ thể đã tiêu thụ. Do thời gian bán hủy của caffein có thể kéo dài đến 6 giờ nên khi ngay cả khi bạn sử dụng ca cao vào buổi chiều vẫn có thể gây khó ngủ, mất ngủ vào ban đêm.
Lượng caffein có trong ca cao là khoảng 230 mg trong 100 g, thấp hơn so với lượng caffein có trong cà phê (khoảng 500-700 mg trong 100 g). Tuy vậy, khi mất ngủ, nếu bạn uống ca cao thì vẫn có thể làm cơ thể tỉnh táo, khó ngủ hơn. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến nhịp sinh học ngày – đêm do caffein ngăn chặn thụ thể adnosine, từ đó càng làm cơ thể mất ngủ. Ngoài ca cao, những người bị mất ngủ cũng không nên uống các thức uống khác có chứa caffein như cà phê, trà…
Bác sĩ Trần Thị Trà Phương
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome