Bố mẹ nào cũng muốn sinh ra những đứa con ngoan ngoãn, biết nghe lời. Sự hình thành và phát triển về tính cách của một đứa trẻ dần được tạo nên từ những ngày thơ ấu mà tác động trực tiếp chính là từ cách dạy của bố mẹ. Cách dạy con có hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào tâm lý, thái độ của bố mẹ. Bạn có thể biến con ngoan thành con hư ngay từ cách dạy của mình. Nếu không muốn sự dạy dỗ của mình với con bị phản tác dụng, bạn hãy chú ý một số vấn đề sau đây.
Luôn mong muốn sự hoàn hảo nhất ở con
Trẻ con dù sao cũng vẫn là trẻ con, không phải là những người lớn có nhiều kinh nghiệm và trưởng thành về tâm lý cũng như kỹ năng. Trẻ con có “quyền” làm sai, sửa lỗi và tốt dần lên nhưng tất cả đều phải trải qua một quá trình phát triển chứ không thể đòi hỏi ngay lập tức. Vì vậy, bạn không nên khắt khe và đòi hỏi con quá cao, nếu không sẽ làm tổn thương lòng tự trọng, sự tự tin của bé, thậm chí có thể khiến bé nảy sinh sự chống đối, từ con ngoan thành con hư. Tốt nhất đừng nghĩ mình là người lớn, là bố mẹ mà hãy đặt mình vào vị trí của con, làm bạn cùng với con để hiểu và chia sẻ cuộc sống vui vẻ với bé.
Khen ngợi con quá nhiều – biến con ngoan thành con hư
Không nên khắt khe, cầu toàn nhưng không có nghĩa lúc nào cũng hết lời khen ngợi bé, cho mọi việc bé làm đều đúng, đều hay. Lời khen có tác dụng tích cực là khuyến khích, cổ vũ bé, tăng cường lòng tự tin vào bản thân nhưng nếu bị lạm dụng sẽ gây ra hậu quả khôn lường cho sau này. Bởi bé quen với việc được nghe khen quá nhiều thành quen nên sẽ tự cho mình là giỏi và không biết đâu là khuyết điểm của mình, cứ như vậy khi lớn lên, ra ngoài xã hội bé sẽ gặp nhiều thất bại và không có tâm lý vững vàng trước những thử thách của cuộc sống.
Đáp ứng nhanh mọi nhu cầu của trẻ
Bố mẹ nào cũng yêu con, vì vậy trẻ em trở thành đối tượng bảo vệ, chăm sóc của cả gia đình. Chính vì thế, chúng càng chiếm vị thế quan trọng trong lòng người lớn và dễ được yêu chiều hơn. Nhưng đừng để sự yêu chiều của phụ huynh hình thành nên tính cách muốn gì được nấy ở trẻ. Một khi quá dễ dàng được thỏa mãn mỗi khi đưa ra yêu cầu, chúng sẽ mặc định đó là điều đương nhiên và coi thường mọi thứ. Dù là công sức, sự hy sinh hay tiền bạc của bố mẹ, trong mắt chúng cũng sẽ là điều đương nhiên phải dành cho mình. Như vậy, đến khi yêu cầu không được thỏa mãn, trẻ sẽ không vừa ý, phàn nàn thậm chí là cáu gắt với bố mẹ. Dần dần chúng sẽ không còn là đứa trẻ ngoan như sự mong đợi của bố mẹ.
Đừng để yêu chiều trở thành con dao sắc, mài giũa tính cách con bạn trở nên ích kỷ, tự lợi. Tuy nhiên, khi con đưa ra một yêu cầu mà bạn cho là vô lý, đừng chỉ từ chối mà hãy giải thích cho con hiểu lý do vì sao bạn từ chối. Hãy để trẻ hình thành những giá trị đúng đắn, giúp con trẻ học cách tư duy và trưởng thành hơn.
Bao bọc con quá nhiều sẽ vô tình khiến con từ ngoan thành hư
Nhiều người luôn có tâm lý sợ con không làm được việc này việc kia, lo con không làm được tốt như mong muốn, sợ con gặp thất bại lại buồn… nên lúc nào cũng sẵn sàng trong tư thế làm giúp con mọi việc. Khi con còn nhỏ thì bảo: “Bài tập khó thế này làm sao con làm được?”, con lớn lên thì lại nghĩ: “Nó học hành nhiều như thế, bắt làm cả việc nhà nữa thì ốm mất”. Với cách nghĩ như thế không phải là bạn đang giúp con, yêu con mà đang làm con thêm ỷ lại, yếu ớt và không có ý chí vượt khó vươn lên.
Hoặc “Đừng, cái đấy bẩn lắm”, “Đừng chạy, cẩn thận kẻo ngã”… đừng làm cái nọ, không được làm cái kia, đó là điều các ông bố bà mẹ hay ngăn cấm để tránh cho trẻ gặp phải những rắc rối mà người lớn biết nó tồn tại. Nhưng sự tò mò là thiên tính của mỗi đứa trẻ, chúng cần được nhìn, chạm thậm chí là nếm thử để tìm hiểu mọi thứ xung quanh. Đừng bắt con bạn phải là một đứa bé ngoan ngoãn ngồi im trên ghế, ăn mặc sạch đẹp không dính một hạt bụi. Điều đó không thực tế, ngược lại chỉ khiến đứa trẻ mất đi tính tò mò, khả năng khám phá và sáng tạo mà thôi. Chưa kể, nếu bị ngăn cấm trong thời gian dài, trẻ có thể bị trầm cảm. Vậy nên, hãy để trẻ nghịch bẩn nhưng sau đó dạy trẻ tắm rửa sạch sẽ, hãy để trẻ té ngã và dạy chúng đứng lên, hãy để con bày bừa và dạy chúng thu dọn…
Sự dỗ dành một cách mù quáng là hệ lụy của việc lo sợ con gặp chuyện không hay. Chính vì sợ con đau, con khó chịu nên không cho con làm thứ này thứ kia và chỉ cần con khóc liền đau lòng mà dỗ dành, thỏa mãn những yêu cầu của con. Chắc bạn đã không ít lần nghe thấy bố mẹ, ông bà dỗ dành con/cháu bằng câu nói này rồi nhỉ: “Con bị ngã đau à? Cái ghế này làm con ngã à? Bố/mẹ/ông/bà đánh chừa nó nhé. Chừa này, làm con ngã này”… Đây là một sai lầm nghiêm trọng. Cái bàn, cái ghế, giường thậm chí là sàn nhà đều không cố ý làm trẻ ngã, chúng ngã do tò mò và không cẩn thận. Đổ lỗi cho những sự vật vô tri sẽ dạy trẻ khi phạm lỗi chỉ biết đổ lỗi cho tất cả tác nhân ngoại cảnh, từ đó sinh ra thói vô trách nhiệm, con bạn sẽ lại trở thành đứa trẻ hư. Bên cạnh đó, nếu con không bị thương nặng khi ngã, đừng vì đau lòng mà vội vàng đỡ dậy. Hãy cổ vũ chúng tự đứng lên, để trẻ biết những nỗi đau nhỏ bé này chúng có thể tự đối mặt và xoay sở, không cần sự giúp đỡ từ người lớn.
Ghi nhận nỗ lực của con, tránh phủ nhận hoàn toàn
“Con toàn nói dối thôi”, “Nhà này không có ai bướng như con”, “Con xem bạn A, bạn B có học dốt như con không”… là những câu nói được xem là xúc phạm đến “danh dự” của bé. Chắc chắn bé sẽ rất đau lòng và nghĩ mình thật tồi tệ khi nghe bố mẹ nói những câu có tính phủ nhận hoàn toàn bé như thế này. Bố mẹ hãy ghi nhận những cố gắng, khuyến khích nỗ lực của con thay vì chỉ đăm đăm vào những khuyết điểm của con.
Để không biến con ngoan thành con hư, hãy làm gương cho con
Người ta thường nói: Học mười lần lý thuyết chẳng bằng một lần thực hành. Vì vậy, bạn dù bạn có nói với bé bao nhiêu lần là làm việc này mới tốt, như thế này mơi ngoan nhưng chính bạn không làm được như thế thì bé chưa chắc đã làm theo lời bạn. Hãy là một tấm gương sáng để con học tập và làm một người dẫn đường cùng con làm những việc hữu ích. Đó là cách giáo dục hợp lý với mọi gia đình.
Cho con một không gian riêng tư
Ngày nay trẻ em hình thành tính cách độc lập ngay từ khi còn nhỏ và yêu cầu có một thế giới nhỏ mà bố mẹ hay người thân cũng không nên tự ý “xâm nhập”. Vì vậy, dù yêu và quan tâm, lo lắng cho con đến mấy thì bố mẹ cũng tuyệt đối không làm những việc sau: xem trộm nhật ký của con, vào phòng con kiểm tra đồ đạc, tự ý sắp xếp lại phòng con, đem cho đồ chơi của bé mà không thông báo với bé, ngăn cấm con chơi với bạn (tất nhiên những bạn này không đến nỗi quá hư)… Nhiều khi sự quan tâm thái quá của bố mẹ lại vô tình biến những đứa trẻ ngoan thành hư từ cách dạy sai lầm của mình.
Trẻ em như từ giấy trắng, bố mẹ là người cầm bút, chính vì vậy những nét vẽ đầu tiên trong cuộc đời vào trang giấy của con rất quan trọng. Chúng ban đầu đều là những đứa trẻ ngoan, nhưng có thể cách dạy sai lầm của bố mẹ sẽ biến chúng từ con ngoan thành con hư.