Chỉ khoảng 20% trường hợp ung thư buồng trứng được phát hiện ở giai đoạn đầu. Khi ung thư buồng trứng được phát hiện sớm, khoảng 94% bệnh nhân có thể sống lâu hơn 5 năm. Vì vậy, việc làm các xét nghiệm ung thư buồng trứng và chẩn đoán sớm bệnh là rất quan trọng.
Ung thư buồng trứng không còn là một căn bệnh hiếm gặp ở phụ nữ. Các bác sĩ khuyên những người có nguy cơ cao nên thực hiện việc tầm soát ung thư buồng trứng hằng năm.
Ai nên làm xét nghiệm ung thư buồng trứng?
Sau đây là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh và nên đi thăm khám và tiến hành các xét nghiệm ung thư buồng trứng:
- Phụ nữ trên 50 tuổi
- Trong gia đình có người thân như mẹ, em gái hay chị gái đã mắc bệnh ung thư buồng trứng hoặc ung thư vú
- Người bị thừa cân, béo phì
- Người từng sử dụng liệu pháp thay thế hormone sau mãn kinh
- Phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung
- Phụ nữ bắt đầu hành kinh sớm và mãn kinh muộn hoặc có cả 2
- Phụ nữ chưa bao giờ mang thai
- Phụ nữ mắc các triệu chứng bất thường nghi ngờ là ung thư buồng trứng như: đau bụng dưới, đau hoặc chảy máu sau khi quan hệ, chảy máu âm đạo bất thường, kinh nguyệt không đều, khó thở, chướng bụng…
Cách phát hiện ung thư buồng trứng sớm
1. Khám phụ khoa định kỳ
Khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần có thể giúp bác sĩ có thể kiểm tra buồng trứng và tử cung về kích thước, hình dạng, độ đồng nhất cũng như những vấn đề thường gặp phải.
Bác sĩ sẽ thăm khám âm đạo, đồng thời khám bụng phối hợp xem có bất thường nào hay không. Khám vùng chậu có thể giúp phát hiện một khối u to bất thường, hoặc tình trạng cổ trướng.
2. Đi khám kịp thời nếu có triệu chứng
Ung thư buồng trứng giai đoạn đầu thường không có biểu hiện gì mà triệu chứng thường chỉ xuất hiện khi khối u đã lan rộng. Hơn nữa, các triệu chứng của ung thư buồng trứng cũng không đặc hiệu nên dễ bỏ sót.
Tuy nhiên, theo dõi sát sao tình hình sức khỏe của bản thân và đi khám kịp thời nếu có tình trạng đau bụng dưới dai dẳng, khó chịu… sẽ giúp nâng cao tỷ lệ chẩn đoán sớm và điều trị bệnh thành công.
Các xét nghiệm ung thư buồng trứng
Nếu khám phụ khoa thấy dấu hiệu bất thường hoặc bạn có các triệu chứng nghi ngờ ung thư buồng trứng, bác sĩ sẽ đề nghị kiểm tra chuyên sâu hơn. Các bước có thể bao gồm:
1. Xét nghiệm chỉ dấu sinh học u CA-125
Xét nghiệm CA-125 giúp kiểm tra một protein trong máu có tên là CA-125. Protein này tăng cao ở phụ nữ mắc ung thư buồng trứng.
Tuy nhiên, nồng độ CA-125 cao cũng có thể là do các bệnh lý thông thường khác gây ra như lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, viêm vùng chậu. Ngoài ra, không phải ai bị ung thư buồng trứng cũng có mức CA-125 cao vì có rất nhiều loại ung thư buồng trứng khác nhau. Vì vậy, xét nghiệm này sẽ hữu ích như một chất chỉ điểm khối u, giúp hướng dẫn điều trị ở những phụ nữ đã được chẩn đoán bệnh cũng như theo dõi trong và sau điều trị nhằm phát hiện bệnh tái phát hay tiến triển, di căn. Nếu điều trị có kết quả, nồng độ CA – 125 sẽ giảm xuống.
Ngoài ra, AFP (Alpha-fetoprotein) và HCG (Human chorionic gonadotropin) tăng trong loại ung thư tế bào mầm.
2. Xét nghiệm ung thư buồng trứng bằng chẩn đoán hình ảnh
Các xét nghiệm ung thư buồng trứng bằng hình ảnh giúp phát hiện khối u, độ lớn của nó cũng như liệu nó đã lan sang các bộ phận lân cận hay chưa.
Một số các xét nghiệm ung thư buồng trứng bằng hình ảnh có thể bao gồm:
- Siêu âm qua ngả âm đạo: sử dụng đầu dò đưa vào âm đạo, để tìm kiếm khối u. Thủ thuật này thường được bác sĩ đề xuất đầu tiên nếu nghi ngờ có vấn đề ở buồng trứng vì vừa dễ thực hiện, hiệu quả lại cao.
- Siêu âm qua ngả bụng: Cũng có thể phát hiện bất thường nếu cơ sở y tế không có siêu âm qua ngả âm đạo.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): chụp CT vùng bụng và chậu sẽ giúp bác sĩ thấy được khối u và biết được chúng đã lan rộng hay chưa.
- Soi ổ bụng: Phát hiện u, cũng như di căn, thậm chí có thể sinh thiết u làm giải phẫu bệnh.
- Chụp Xquang ngực: Phát hiện di căn phổi, màng phổi nếu có.
- Xạ hình xương: Phát hiện di căn xương nếu có.
- Siêu âm cổ: Phát hiện di căn hạch cổ nếu có.
- Nội soi đường tiêu hóa: Nhằm loại trừ u buồng trứng là khối u di căn từ ung thư đường tiêu hóa (u Krukenberg)
- Phẫu thuật: Sau siêu âm và chụp CT, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật bằng mổ mở hay mổ nội soi để thám sát hoặc cắt khối u cũng như các cơ quan lân cận, tùy theo mức độ bệnh.
- Sinh thiết: Sau phẫu thuật bác sĩ sẽ gửi mẫu khối u lấy được để xét nghiệm xem có phải là ung thư hay không. Đây là cách duy nhất giúp chẩn đoán xác định ung thư buồng trứng. Bên cạnh đó, nếu không phẫu thuật thì việc lấy mẫu có thể thực hiện qua sinh thiết bằng kim hoặc chọc dịch ổ bụng, hạch, dịch màng phổi nếu có để làm tế bào học.
3. Xét nghiệm di truyền
Ngoài ra, xét nghiệm di truyền cũng có thể được bác sĩ yêu cầu trong quá trình tầm soát ung thư buồng trứng, chủ yếu để xác định xem khối u có di căn đến những cơ quan khác hay không.
Cụ thể, xét nghiệm di truyền thực hiện thông qua xét nghiệm mẫu máu, để tìm kiếm những đột biến gen là nguyên nhân gây ung thư buồng trứng. Nếu nguyên nhân gây bệnh là do đột biến gen di truyền thì bác sĩ có thể đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp. Ngoài ra, xét nghiệm di truyền cũng sẽ giúp những người thân có cùng huyết thống với bạn, chẳng hạn như chị em biết được nguy cơ họ có thể mắc bệnh tương tự. Một số đột biến gen thường gặp như BRCA1/2, MLH1, MSH2, MSH6, PMS2, EPCAM, MUTYH, TP53, STK11, PALB2,… giúp tiên lượng bệnh, lựa chọn các thuốc điều trị nhắm trúng đích.
Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã hiểu về các xét nghiệm ung thư buồng trứng để giúp chẩn đoán bệnh. Việc hiểu về các xét nghiệm và quá trình tầm soát ung thư buồng trứng như thế nào sẽ giúp bạn không chủ quan, lơ là khi xuất hiện triệu chứng bệnh.
[embed-health-tool-bmi]