Nhiều người vẫn kiên trì tập thể dục khi đang ốm để mong chóng khỏe hơn hoặc chỉ đơn giản là vì không muốn bỏ lỡ một buổi tập nào. Về mặt khoa học, người đang ốm có nên tập thể dục không? Mời bạn cùng tìm hiểu cụ thể ngay sau đây!
Người bị ốm có nên tập thể dục không phụ thuộc vào tình trạng bệnh và mức độ nặng nhẹ của bài tập. Nhiều chuyên gia sử dụng quy tắc “phía trên cổ” khi tư vấn cho bệnh nhân về việc có nên tập thể dục khi đang ốm hay không. Theo lý thuyết này, nếu bạn chỉ gặp phải các triệu chứng ở trên cổ như nghẹt mũi, hắt hơi hoặc đau tai, bạn có thể tập thể dục. Mặt khác, nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng dưới cổ như buồn nôn, đau nhức cơ thể, sốt, tiêu chảy… thì nên ngưng tập luyện cho đến khi bạn cảm thấy tốt hơn.
Người bị ốm có nên tập thể dục không?
Những trường hợp người ốm vẫn nên tập thể dục
Bị ốm có nên tập thể dục không? Bạn có thể tập thể dục khi đang ốm nếu thuộc các trường hợp sau đây:
1. Cảm lạnh nhẹ
Bị cảm có nên tập thể dục không? Bệnh cảm là tình trạng bạn nhiễm siêu vi vùng mũi và họng. Mặc dù các triệu chứng khác nhau tùy theo từng người, nhưng hầu hết đều gặp các triệu chứng như nghẹt mũi, nhức đầu, hắt hơi và ho nhẹ. Khi bị cảm nhẹ, bạn vẫn có thể tập thể dục nếu bạn cảm thấy cơ thể đủ sức hoặc bạn có thể cân nhắc giảm cường độ tập luyện hoặc rút ngắn thời gian tập tùy vào sức khỏe của bạn.
2. Đau tai
Đau tai là tình trạng khiến bạn có cảm giác âm ỉ hoặc nóng rát ở một hoặc cả hai tai, có thể do nhiễm trùng xoang, đau họng, nhiễm trùng răng… Bạn vẫn có thể tập thể dục khi đau tai miễn là cảm giác thăng bằng của bạn không bị ảnh hưởng và tình trạng nhiễm trùng đã được loại trừ.
3. Nghẹt mũi
Tình trạng nghẹt mũi có thể khiến bạn khó chịu. Trên thực tế, tập thể dục có thể giúp mở thông mũi, giúp bạn thở tốt hơn. Bạn hãy cân nhắc tình trạng sức khỏe của mình trước khi tập hoặc giảm cường độ và thời gian tập luyện. Bạn có thể đi bộ nhanh hoặc đi xe đạp để tập thể dục khi đang ốm.
4. Đau họng nhẹ
Đau họng thường do nhiễm virus như cảm lạnh hoặc cúm. Nếu bạn đang bị đau họng nhẹ do cảm lạnh thông thường hoặc dị ứng, bạn vẫn có thể tập thể dục. Nếu bạn đau họng liên quan đến sốt, ho khan hoặc khó nuốt, bạn nên ngưng tập thể dục cho đến khi sức khỏe hồi phục.
Nếu đang gặp các triệu chứng khác thường liên quan đến cảm lạnh như mệt mỏi và nghẹt mũi, bạn hãy cân nhắc giảm cường độ tập thể dục bình thường. Bên cạnh đó, bạn hãy bù nước cho cơ thể bằng nước mát là một cách để làm dịu cơn đau họng trong khi tập thể dục.
Trường hợp không nên tập thể dục khi đang ốm
Bị ốm có nên tập thể dục không? Bạn không nên tập thể dục khi bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
1. Sốt cao
Khi bạn bị sốt, thân nhiệt của bạn tăng lên trên mức bình thường. Cơn sốt có thể do nhiều thứ gây ra, nhưng thường bởi nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus. Sốt có thể gây ra các triệu chứng khó chịu như suy nhược, mất nước, đau cơ và chán ăn.
Việc bạn tập thể dục khi đang sốt làm tăng nguy cơ mất nước và có thể sốt nặng hơn. Ngoài ra, sốt làm giảm sức mạnh cơ bắp và sức chịu đựng của bạn, làm tăng nguy cơ chấn thương khi tập luyện.
2. Ho dai dẳng
Ho là một phản ứng bình thường của cơ thể đối với các chất kích thích hoặc chất lỏng giúp bảo vệ đường thở. Tuy nhiên, các cơn ho dai dẳng có thể là triệu chứng của nhiễm trùng đường hô hấp như cảm lạnh, cúm hoặc thậm chí là viêm phổi. Ho dai dẳng có thể khiến bạn khó thở sâu, đặc biệt là khi nhịp tim tăng lên khi tập thể dục, điều này khiến bạn dễ bị khó thở và mệt mỏi.
3. Bệnh dạ dày
Các bệnh về dạ dày có thể gây ra các triệu chứng như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sốt, co thắt dạ dày và chán ăn. Tiêu chảy và nôn mửa khiến bạn có nguy cơ bị mất nước, hoạt động thể chất yếu hơn làm tăng khả năng chấn thương trong quá trình tập luyện. Nếu bạn đang bị bệnh dạ dày, bạn có thể vận động duỗi nhẹ hoặc tập yoga tại nhà.
4. Triệu chứng cúm
Cúm là một bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng đến hệ hô hấp gây ra các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, đau họng, đau nhức cơ thể, mệt mỏi, đau đầu, ho và nghẹt mũi. Cúm có thể nhẹ hoặc nặng, tùy thuộc vào mức độ nhiễm trùng, thậm chí có thể gây tử vong trong những trường hợp nghiêm trọng. Cúm có thể gây ra tình trạng sốt khiến người mắc bệnh có nguy cơ mất nước cơ thể, gây nguy hiểm cho cơ thể khi bạn tập thể dục.
Lưu ý khi tập thể dục trở lại sau khi khỏi ốm
Tập thể dục thường xuyên có thể giúp bạn làm giảm nguy cơ mắc bệnh ngay từ đầu bằng cách tăng cường hệ thống miễn dịch. Điều quan trọng là bạn cần để cho cơ thể hoàn toàn khỏi bệnh trước khi trở lại tập thể dục.
Một số người lo lắng rằng nghỉ tập thể dục vài ngày sẽ gây ra tình trạng mất cơ bắp và sức mạnh. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy, hầu hết mọi người khi ngưng tập thể dục sẽ mất cơ trong khoảng 3 tuần và suy giảm sức mạnh trong khoảng 10 ngày.
Khi các triệu chứng giảm dần, bạn có thể tập thể dục nhẹ nhàng trở lại nhưng đừng quá sức. Vào ngày đầu tiên trở lại phòng tập thể dục, bạn hãy bắt đầu với các bài tập cường độ thấp, thời gian ngắn và bổ sung đủ nước khi tập.
Hy vọng bài viết đã giúp bạn giải đáp thắc mắc người đang bị ốm có nên tập thể dục không. Những nội dung trong bài viết này mang tính chất tham khảo. Điều quan trọng là bạn cần phải lắng nghe cơ thể và lời khuyên của bác sĩ trước khi luyện tập.
[embed-health-tool-heart-rate]