TP HCMChị Hương, 33 tuổi, phát hiện bệnh tim bẩm sinh khi chuẩn bị thụ tinh ống nghiệm nên bác sĩ phẫu thuật vá lỗ hổng tim rồi mới chuyển phôi giúp thai kỳ an toàn.
Chị Hương mắc hội chứng buồng trứng đa nang, mong con 5 năm. Vợ chồng chị đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM năm ngoái để thụ tinh ống nghiệm (IVF).
Các bác sĩ phát hiện chị Hương mắc thông liên nhĩ lỗ thứ phát – bệnh lý tim bẩm sinh thường gặp. Lỗ thông nằm ở trung tâm vách liên nhĩ, buồng tim phải giãn, hở van ba lá trung bình, block nhĩ thất độ I.
Phụ nữ mắc bệnh tim bẩm sinh khi mang thai sẽ tăng gánh nặng lên tim, vì phải đảm bảo lượng máu nuôi cho cả cơ thể mẹ và thai nhi. Tim cần co bóp nhiều hơn bình thường, lượng máu bơm đi tăng 30-50%, nhịp tim tăng, huyết áp giảm do máu đi trực tiếp đến tử cung.
Kích thước thai nhi lớn có nguy cơ chèn ép lên tim. Khi thai kỳ 28-32 tuần, thai phụ mắc bệnh tim bẩm sinh nguy cơ cao gặp các biến chứng nguy hiểm như suy tim, tràn dịch màng phổi, chảy máu hoặc huyết khối, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, thậm chí tử vong. Các biến chứng đối với thai nhi như sảy thai, thai chết lưu, sinh non, nhẹ cân…
Bác sĩ Phạm Thị Mỹ Tú cho biết chị Hương là trường hợp đầu tiên tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM được phát hiện bệnh tim bẩm sinh trong quá trình khám hiếm muộn, do triệu chứng diễn tiến âm thầm. Để đảm bảo khả năng IVF thành công và thai kỳ an toàn, bác sĩ Tú hội chẩn cùng các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, xây dựng phác đồ toàn diện điều trị bệnh tim song song chữa hiếm muộn cho người bệnh.
Chị Hương được kích thích buồng trứng với phác đồ nhẹ, thu được 20 noãn (trứng) trưởng thành. Chuyên viên phôi học lựa chọn tinh binh đủ điều kiện của người chồng tiêm vào bào tương trứng (kỹ thuật ICSI), giúp tăng tỷ lệ thụ tinh ống nghiệm thành công. Phôi được nuôi cấy trong hệ thống tủ nuôi cấy có timelapse, tối ưu các điều kiện về độ ẩm, ánh sáng, khí, độ pH, thu được 8 phôi ngày 5. Toàn bộ phôi được trữ đông để bảo tồn khả năng sinh sản cho vợ chồng chị Hương.
Sau đó, chị phẫu thuật tim tại một bệnh viện khác ở TP HCM để bít lỗ thông vách ngăn liên nhĩ. Sau can thiệp, chị phải dùng thuốc trong 6 tháng liên tục. Khi tình trạng bệnh lý của chị ổn định, sẵn sàng sức khỏe thể chất và tinh thần để mang thai, bác sĩ Tú xây dựng phác đồ chuẩn bị niêm mạc tử cung đủ điều kiện để nhận phôi.
Tháng 5/2024, bác sĩ chuyển phôi chất lượng tốt vào lòng tử cung giúp chị đậu thai. Thể trạng yếu, nghén nặng, khó ăn uống, thai hai lần có nguy cơ bóc tách, chị Hương may mắn được bác sĩ Tú khám, điều trị giữ thai kịp thời. Đến nay, thai kỳ được gần 13 tuần phát triển khỏe mạnh.
Theo bác sĩ Tú, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ IVF thành công như người vợ lớn tuổi, quy trình kích thích buồng trứng và chọc hút trứng không phù hợp, điều kiện của phòng lab. Phụ nữ hiếm muộn cùng lúc mắc các bệnh khác như bệnh lý tuyến giáp, bệnh tim bẩm sinh, ung thư… cũng ảnh hưởng đến khả năng thụ thai, tăng tỷ lệ biến chứng thai kỳ, gây nguy hiểm cho thai phụ và thai nhi.
Tại IVF Tâm Anh TP HCM, các cặp vợ chồng hiếm muộn được thăm khám toàn diện sức khỏe tổng quát và sức khỏe sinh sản. Người chồng được khám hệ thống cơ quan sinh sản, xét nghiệm tinh dịch đồ, xét nghiệm nội tiết. Người vợ được xét nghiệm dự trữ buồng trứng, các chỉ số nội tiết, xét nghiệm máu, siêu âm tuyến giáp, tử cung, buồng trứng, tuyến vú, tim… Một số trường hợp nghi ngờ bệnh tim bẩm sinh được thực hiện đo điện tim, siêu âm tim và một số xét nghiệm chuyên sâu để chẩn đoán chính xác.
Hoài Thương
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |