Viêm phế quản phổi là chứng bệnh gây nhiễm khuẩn ở phế quản và nhu mô phổi. Viêm phế quản phổi ở trẻ em dưới 5 tuổi có tỷ lệ tử vong rất cao.
Trên thực tế, viêm phế quản chiếm 85% tổng số các bệnh về hệ hô hấp ở trẻ dưới 2 tuổi. Tỷ lệ mắc căn bệnh này cũng rất cao ở người lớn tuổi, đặc biệt là những người trên 65 tuổi. Các triệu chứng bệnh có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng. Mời bạn hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này nhé!
Tìm hiểu chung
Viêm phế quản phổi là gì?
Phế quản là những đường dẫn khí lớn nối từ đường khí quản đến phổi. Những phế quản này sau đó phân tách thành nhiều ống khí nhỏ được gọi là tiểu phế quản. Ở cuối các tiểu phế quản là những túi khí nhỏ được gọi là phế nang, nơi diễn ra sự trao đổi oxy từ phổi và carbon dioxide từ máu.
Vậy, viêm phế quản phổi là gì? Đây là tình trạng viêm xảy ra ở cả phế quản và phế nang bên trong phổi. Bệnh viêm phế quản phổi biểu hiện bằng tình trạng viêm khu trú thành từng mảng xung quanh phế quản và có thể ảnh hưởng đến một hoặc nhiều thùy của phổi. Điều này này làm suy yếu chức năng phổi và dẫn đến các vấn đề về hô hấp.
Trong những trường hợp nặng, bệnh có thể dẫn đến hình thành áp xe phổi (túi chứa đầy mủ trong phổi). Ngoài ra, nhiễm trùng có thể lan đến khoang màng phổi, làm đầy dịch tiết (dịch giống như mủ do viêm) gây ra tràn mủ màng phổi.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng viêm phế quản phổi
Các triệu chứng viêm phế quản phổi khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, độ tuổi, bệnh lý đi kèm… Các triệu chứng thường trầm trọng hơn ở những người có hệ thống miễn dịch yếu như trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người bệnh suy giảm miễn dịch hoặc đang dùng thuốc điều trị đặc biệt.
Các triệu chứng bệnh có thể bao gồm:
- Sốt
- Đau cơ
- Đau đầu
- Khó thở
- Ho ra dịch nhầy
- Ho ra máu
- Đổ mồ hôi
- Chóng mặt
- Run, ớn lạnh
- Ăn không ngon
- Buồn nôn, ói mửa
- Đuối sức, mệt mỏi
- Đau ngực, có thể trầm trọng hơn khi ho hoặc thở sâu
- Lú lẫn hoặc mất nhận thức, đặc biệt là ở người lớn tuổi.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản phổi là gì?
Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm phế quản phổi là nhiễm trùng phổi do vi khuẩn, chẳng hạn như: Staphylococcus aureus , Klebsiella pneumoniae, Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae loại B (Hib), Pseudomonas aeruginosa và Escherichia coli…
Ngoài ra, nhiễm trùng do virus hoặc nấm cũng có thể gây ra căn bệnh này, bao gồm vi rút như SARS -Cov-2, hoặc nấm như Aspergillus fumigatus.
Viêm phế quản phổi có lây không?
Viêm phế quản phổi là một bệnh nhiễm trùng dễ lây lan. Các mầm bệnh có thể gây viêm phế quản phổi thường thường lây lan là do hít phải. Thông thường, những chất này lây truyền khi một người ho hoặc hắt hơi, tạo ra những hạt nhỏ li ti trong không khí, có thể lây lan khiến cho người khác ở gần bị nhiễm bệnh.
Sau khi một người hít phải những giọt chứa mầm bệnh, chúng sẽ cư trú ở cổ họng (mũi họng hoặc hầu họng), và sau đó xâm nhập vào phế quản, phế nang và bắt đầu phát triển. Hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ tạo ra các tế bào bạch cầu tấn công các vi khuẩn này gây viêm, làm xuất hiện các triệu chứng bệnh.
Khoảng thời gian chính xác mà một người bị lây nhiễm phụ thuộc vào mầm bệnh gây ra nhiễm trùng. Thời gian ủ bệnh trung bình có xu hướng ngắn, thường từ 3–6 ngày. Sau thời gian ủ bệnh, các triệu chứng có xu hướng bắt đầu xuất hiện sau 7 ngày kể từ khi phơi nhiễm.
Yếu tố nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ phát triển bệnh bao gồm:
- Trẻ em dưới 2 tuổi
- Người lớn trên 65 tuổi
- Hút thuốc lá hoặc sử dụng rượu quá mức
- Sử dụng kháng sinh trước đó
- Mới phẫu thuật hoặc chấn thương gần đây
- Nhiễm trùng đường hô hấp gần đây, chẳng hạn như cảm lạnh và cúm
- Bệnh phổi mạn tính như COPD, xơ nang, giãn phế quản và hen suyễn
- Tình trạng sức khỏe khác đi kèm như bệnh tiểu đường, suy tim, bệnh gan
- Yếu tố làm suy yếu hệ thống miễn dịch, như HIV hoặc một số bệnh rối loạn tự miễn dịch
- Dùng thuốc để ức chế hệ thống miễn dịch như thuốc hóa trị, thuốc chống thải ghép hoặc sử dụng steroid lâu dài.
Những người này nên thực hành các biện pháp phòng ngừa để tránh nhiễm trùng, vì họ dễ bị lây nhiễm các tác nhân gây bệnh viêm phế quản phổi.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán viêm phế quản phổi?
Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra thể chất và xem xét tiền sử bệnh lý. Thông thường thở khò khè là dấu hiệu điển hình của bệnh. Nhưng đôi lúc bệnh có thể gây ra các triệu chứng tương tự như cảm lạnh hoặc cúm, có thể làm cho việc chẩn đoán khó khăn hơn.
Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn mắc phải chứng bệnh này, họ có thể yêu cầu một hoặc nhiều xét nghiệm sau đây để xác nhận chẩn đoán hoặc xác định loại và mức độ nghiêm trọng của tình trạng:
- X-quang ngực hoặc CT scan: Những xét nghiệm hình ảnh này cho phép bác sĩ nhìn thấy bên trong phổi và kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng.
- Xét nghiệm máu: Có thể giúp phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như số lượng bạch cầu bất thường.
- Nội soi phế quản: Thực hiện bằng cách dùng một ống mỏng với ánh sáng và camera qua miệng, xuống khí quản và vào phổi để bác sĩ nhìn thấy bên trong phổi.
- Nuôi cấy đờm: Đây là một xét nghiệm trong phòng thí nghiệm có thể phát hiện nhiễm trùng từ dịch đờm nhầy khi người bệnh ho.
- Đo oxy xung (Pulse oximetry): Đây là loại xét nghiệm được sử dụng để tính toán lượng oxy chảy trong máu.
- Khí máu động mạch: Bác sĩ sử dụng xét nghiệm này để xác định nồng độ oxy trong máu của người bệnh.
Những phương pháp điều trị viêm phế quản phổi
Đối với các dạng nhẹ, bạn có thể điều trị tại nhà bằng cách sử dụng kết hợp nghỉ ngơi và dùng thuốc. Nhưng trong trường hợp nặng, người bệnh có thể phải điều trị tại bệnh viện.
Việc điều trị viêm phế quản phổi có thể phụ thuộc vào loại nhiễm trùng và mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Nếu người bệnh không có vấn đề sức khỏe khác sau khi được điều trị thường phục hồi trong vòng từ 1 – 3 tuần.
Cụ thể về thuốc đặc trị viêm phế quản phổi trong từng trường hợp như sau:
- Viêm phế quản phổi do vi khuẩn: Bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn có hại trong phổi. Khi dùng thuốc kháng sinh, bạn cần lưu ý phải cẩn thận làm theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và hoàn thành hết lượng thuốc được chỉ định.
- Viêm phế quản phổi do virus: Thuốc kháng sinh không có tác dụng đối với tình trạng nhiễm virus. Do đó, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus hoặc thuốc điều trị triệu chứng. Chứng bệnh do virus thường sẽ hết sau 1 – 3 tuần.
- Viêm phế quản phổi do nấm: Bác sĩ có thể kê toa thuốc chống nấm kết hợp cùng chế độ nghỉ ngơi hợp lý.
Biến chứng
Viêm phế quản phổi có nguy hiểm không?
Viêm phế quản phổi có nguy hiểm không? Bệnh có thể dễ dàng dẫn đến các biến chứng, đặc biệt ở trẻ nhỏ, người lớn tuổi và có hệ thống miễn dịch bị suy yếu. Do khả năng ảnh hưởng đến đường thở, chứng bệnh sẽ trở nên trầm trọng, thậm chí gây ảnh hưởng đến tính mạng.
Trong năm 2015, viêm phế quản phổi ở trẻ em dưới 5 tuổi gây ra 920.000 cái chết.
Người mắc bệnh viêm phế quản phối có nguy cơ mắc các biến chứng sau đây:• Suy hô hấp: Điều này xảy ra khi sự trao đổi thiết yếu của oxy và carbon dioxide trong phổi bị suy giảm. Những người bị suy hô hấp có thể cần sử dụng máy thở để hỗ trợ.
- Hội chứng suy hô hấp cấp nặng ở người lớn (ARDS): ARDS là một dạng suy hô hấp nặng và đe dọa tính mạng.
- Nhiễm trùng huyết: Còn được gọi là nhiễm trùng máu, xảy ra khi nhiễm trùng gây ra phản ứng miễn dịch gây tổn hại đến các cơ quan và mô của cơ thể. Nhiễm trùng huyết có thể gây ra suy đa tạng và đe dọa tính mạng.
- Áp xe phổi: Là sự xuất hiện của những túi chứa mủ có thể hình thành bên trong phổi.
Nếu bạn không điều trị viêm phế quản phổi, bệnh hoàn toàn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Do đó, bạn cần thăm khám và điều trị ngay khi có dấu hiệu bất thường.
Phòng ngừa
Những biện pháp nào giúp phòng ngừa viêm phế quản phổi?
Trong và sau khi điều trị và hồi phục, bạn cần phải thực hiện biện pháp phòng ngừa như:
- Phòng ngừa lây nhiễm: Khi bạn mắc bệnh hoặc tiếp xúc với người bệnh viêm phổi, bạn hãy sử dụng khẩu trang y tế và hạn chế giao tiếp để tránh lây nhiễm.
- Tập thói quen rửa tay: Các vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể khi dụi mắt hoặc bốc thức ăn. Thói quen rửa tay thường xuyên và kỹ lưỡng có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
- Tránh xa thuốc lá: Việc hút thuốc có thể làm nặng thêm các triệu chứng, kéo dài thời gian phục hồi bệnh và gây hại sức khỏe.
- Chăm sóc sức khỏe: Bạn nên xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh với thịt gia cầm, trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt kết hợp với tập thể dục đều đặn để giữ cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.
Những thông tin trên hy vọng có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về viêm phế quản phổi là gì, triệu chứng, cách chẩn đoán và thuốc điều trị hiệu quả. Đây là chứng bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, vì thế bạn hãy thăm khám ngay khi có triệu chứng bất thường nhé!
[embed-health-tool-bmi]