Bệnh suy tĩnh mạch hay còn gọi suy giãn tĩnh mạch rất phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 1/3 người trưởng thành. Trong số họ, có khoảng 2% sẽ phát triển thành suy tĩnh mạch mạn tính mỗi năm. Tình trạng này gây sưng phù, tê ngứa và đau nhức ở hai chân và bàn chân. Nếu không được điều trị, bệnh suy giãn tĩnh mạch sẽ nặng dần hơn theo thời gian, tăng nguy cơ gây tàn phế.
Vậy suy tĩnh mạch là gì? Làm sao điều trị bệnh hiệu quả? Mời bạn tham khảo bài viết sau đây
Tìm hiểu chung
Bệnh suy tĩnh mạch là gì?
Động mạch giúp mang máu từ tim đến các bộ phận khác trong cơ thể. Ngược lại, các tĩnh mạch giúp mang máu trở về tim và các van trong tĩnh mạch trong chi dưới sẽ giúp máu lưu thông ngược chiều trọng lực mà không chảy ngược lại được.
Khi tĩnh mạch gặp vấn đề trong việc đưa máu từ chân trở lại tim, tình trạng này được gọi là suy tĩnh mạch hay suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Lúc này, máu dồn ứ trong các tĩnh mạch ở chân và làm chúng càng giãn rộng ra theo thời gian.
Giãn tĩnh mạch có nguy hiểm không? Bệnh này hiếm khi gây biến chứng nhưng vẫn phải thận trọng. Các biến chứng tiềm ẩn của suy tĩnh mạch chi dưới có thể bao gồm loét da, hình thành cục máu đông gây đau và sưng phù chân, chảy máu do các tĩnh mạch nông gần bề mặt da bị vỡ ra.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng suy giãn tĩnh mạch chân
Các triệu chứng suy tĩnh mạch chi dưới bạn có thể gặp phải gồm:
- Sưng phù chân hoặc mắt cá chân
- Đau chân hơn khi đứng và cải thiện khi đưa chân lên cao
- Có các cơn chuột rút ở bắp chân
- Đau âm ỉ hoặc có cảm giác nặng chân
- Ngứa chân
- Vùng da ở chân hoặc trên mắt cá chân dày và cứng hơn
- Thay đổi màu sắc của da, đặc biệt là phần da xung quanh mắt cá chân như da đỏ hoặc sưng, chảy nước hay đóng vảy. Nếu bạn gãi, da sẽ rất dễ bị kích ứng hoặc nứt nẻ
- Vết loét hoặc vết thương ở chân chậm lành
- Các tĩnh mạch trên bề mặt da giãn rộng, thấy rõ những đường tĩnh mạch màu xanh trên da
- Cảm giác căng cứng ở bắp chân khi vận động và tăng dần cả khi nghỉ ngơi
Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?
Hãy đến cơ sở y tế gần nhất nếu bạn thấy:
- Xuất hiện các triệu chứng giãn tĩnh mạch kể trên
- Đã dùng vớ y khoa và hạn chế đứng, ngồi lâu một tư thế nhưng tình trạng bệnh không thuyên giảm hoặc ngày càng nặng hơn
- Đau chân hoặc sưng phù chân đột ngột, sốt, xuất hiện mảng đỏ da ở chân hoặc có vết thương hở ở chân
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây bệnh suy giãn tĩnh mạch chân là gì?
Nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch chi dưới chủ yếu là do các van trong tĩnh mạch gặp trục trặc (suy yếu hay mất chức năng) hoặc do từng có cục máu đông trong chân. Sau khi cục máu đông tan rã, nó có thể để lại mô sẹo làm hỏng tĩnh mạch. Những điều này ngăn cản máu di chuyển ngược chiều trọng lực để về tim.
Một số trường hợp, cơ bắp ở chân bị suy yếu gây chèn ép dòng máu về tim cũng có khả năng góp phần gây suy giãn tĩnh mạch.
Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:
- Tuổi tác, bệnh phổ biến hơn ở người trên 50 tuổi do các van tĩnh mạch bắt đầu bị lão hóa
- Giới tính nữ do thay đổi nội tiết tố
- Béo phì, thừa cân
- Mang thai
- Hút thuốc
- Tiền sử gia đình bị suy tĩnh mạch
- Ngồi hoặc đứng trong thời gian dài mà không di chuyển
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trong từng trường hợp.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán bệnh suy giãn tĩnh mạch chân?
Đọc tiếp
Đầu tiên, bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe và xem tiền sử bệnh của bạn và gia đình. Đồng thời, họ sẽ quan sát chân của bạn để tìm kiếm các triệu chứng gợi ý suy tĩnh mạch.
Bạn có thể cần thực hiện siêu âm Doppler. Xét nghiệm này sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh tĩnh mạch ở chân trên một màn hình máy tính, nhằm quan sát dòng máu chảy qua các van trong tĩnh mạch. Nhờ đó, bác sĩ sẽ phát hiện ra cục máu đông.
Ngoài ra, để loại trừ các vấn đề khác có thể gây ra triệu chứng giống với suy tĩnh mạch chân, bác sĩ có thể chỉ định thêm nghiệm pháp đo huyết áp hai chân, chụp cắt lớp vi tính mạch máu để kiểm tra xem bạn có bị bệnh động mạch ngoại biên kèm theo hay không.