Tỏi Lý Sơn là một trong những đặc sản nổi tiếng ở Quảng Ngãi và được mệnh danh là “vua” của các loại tỏi nhờ vào những công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe. Loại thực phẩm này được đánh giá là tốt cho người tiểu đường, người bị cao huyết áp và người mắc bệnh về khớp.
Xuất xứ tỏi Lý Sơn
Tỏi Lý Sơn được trồng nhiều ở đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Loại thực phẩm này đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận và được lưu hành trên thị trường với thương hiệu tỏi Lý Sơn.
Khác với những loại tỏi khác, tỏi Lý Sơn chỉ có 1 củ duy nhất hình bầu dục, trắng mẩy và chắc. Đây có thể là nguyên nhân sâu xa khiến nó có tên gọi khác là tỏi cô đơn. Về mùi vị, tỏi được trồng ở Lý Sơn khá thơm, cay, ngọt dịu, đặc biệt là không gây hôi miệng như các loại tỏi khác. Tỏi cô đơn Lý Sơn cũng được xem là dược liệu quý và có thể chữa được nhiều bệnh.
>>> Có thể bạn quan tâm: 7 lợi ích sức khỏe khi bạn ăn tỏi sống mỗi ngày
Công dụng tỏi Lý Sơn với sức khỏe
Tỏi Lý Sơn nổi tiếng tốt cho sức khỏe bởi chứa nhiều dinh dưỡng quan trọng như flavonoid, oligosaccharides, axit amin, lưu huỳnh và allicin (hợp chất kháng sinh tự nhiên rất mạnh). Bên cạnh đó, tỏi Lý Sơn còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là selen giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch. Tỏi Lý Sơn thường được dùng làm gia vị chế biến thức ăn và làm được các bài thuốc dân gian, giúp phòng ngừa các bệnh phổ biến.
Những công dụng nổi bật của tỏi Lý Sơn bao gồm:
Kháng khuẩn
Vì chứa chất kháng sinh tự nhiên cao nên tinh dầu tỏi hay các dung dịch ngâm tỏi đều có tác dụng kháng khuẩn và ức chế vi khuẩn hiệu quả. Đặc biệt, tỏi Lý Sơn còn có khả năng ngăn ngừa sự phát triển của nấm trên cơ thể.
Phòng ngừa cảm cúm
Tỏi Lý Sơn có các thành phần giúp cơ thể được tăng cường miễn dịch. Được biết, sử dụng tỏi hàng ngày giúp làm giảm số lần cảm lạnh, cảm cúm lên đến hơn 60%. Ngoài ra, những người dùng tỏi sẽ giảm được các triệu chứng của cảm cúm từ 5 ngày xuống còn 1,5 ngày.
Giúp hạ huyết áp
Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh về tim mạch. Theo các nhà nghiên cứu, tỏi có các thành phần giúp giảm huyết áp đáng kể ở người bị cao huyết áp. Trong đó 600 – 1.500 mg chiết xuất tỏi có hiệu quả tương đương thuốc Atenolol trong việc giảm huyết áp khi dùng trong 24 tuần.
Chống oxy hóa
Trong tỏi chứa rất nhiều thành phần giúp chống oxy hóa, giúp cơ thể bảo vệ lại tác hại của quá trình oxy hóa. Đồng thời, tỏi cũng giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về não phổ biến như chứng sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer.
Loại trừ độc tố kim loại nặng
Các hợp chất lưu huỳnh có trong tỏi giúp bảo vệ và chống lại các tổn thương cơ thể do nhiễm độc kim loại nặng.
>>> Có thể bạn quan tâm: Mẹ bầu nên cân nhắc điều gì khi ăn tỏi
Cách nhận biết tỏi Lý Sơn
Vì những tác dụng và hương vị khác biệt mà tỏi Lý Sơn rất được ưa chuộng. Dưới đây là một vài mẹo nhỏ giúp bạn phân biệt tỏi Lý Sơn để không bị nhầm lẫn khi mua:
– Củ tỏi Lý Sơn có kích thước từ 2cm đến 5cm, vỏ trơn, láng, vân nhỏ màu vàng nhạt ít nổi lên trên bề mặt. Trong khi đó, các loại tỏi khác sẽ có kích thước to hơn, vân màu vàng đậm hơn.
– Bộ rễ tỏi Lý Sơn nhiều, cùi rễ to, nhô ra bên ngoài, cọng rễ tỏi cô đơn Lý Sơn có màu đen hay vàng đậm, cọng to và dai.
Tỏi Lý Sơn giá bao nhiêu?
Giá tỏi Lý Sơn khá cao, dao động từ 1 triệu – 1,2 triệu đồng mỗi kilogam. Đối với các loại tỏi thường khác ở Lý Sơn thì sẽ có giá từ 50.000 đến 60.000 đồng. Còn loại tỏi hai đến ba tép thì giá bán ở khoảng 600.000 đồng một kilogam.
Cách làm tỏi đen Lý Sơn
Tỏi đen Lý Sơn là một trong các món ăn từ tỏi Lý Sơn được nhiều người ưa chuộng. Dưới đây là hướng dẫn cách làm tỏi đen Lý Sơn:
Chuẩn bị
- Nồi cơm điện
- Tỏi Lý Sơn khoảng 2 – 3 kg tùy vào thể tích nồi cơm điện
- 2 – 3 lon bia
- Giấy bọc thực phẩm và giấy bạc.
Cách làm tỏi đen Lý Sơn
Đầu tiên bạn cần làm sạch, bỏ bớt lớp vỏ bẩn bên ngoài củ tỏi. Sau đó bạn cho tỏi vào thau nhựa sạch, đổ bia đều lên tỏi rồi ngâm trong khoảng 30 phút. Tỉ lệ bia và tỏi là cứ 1kg tỏi tương ứng với 1 lon bia. Trong quá trình ngâm tỏi 30 phút, thì cứ 5 phút bạn lại đảo một lần để tỏi nhanh ngấm men vi sinh của bia.
Sau 30 phút, bạn trải giấy bạc ra rồi vớt tỏi xếp vào. Khi củ tỏi còn đang ướt, bạn bọc giấy bạc kín xung quanh tỏi, lưu ý bọc thật kỹ để tỏi không bị hở. Cuối cùng, cho túi tỏi đã được bọc kín với giấy bạc vào nồi cơm điện rồi nhấn nút giữ ấm (warm) trong vòng 2 tuần.
Trong quá trình 14 ngày làm tỏi đen, bạn có thể mở nồi để kiểm tra tình trạng tỏi. Tuy nhiên, nên nhớ không nên mở nắp quá 5 phút bởi sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng của tỏi đen. Sau thời gian 2 tuần ủ với nồi cơm, tỏi sẽ có màu đen nhánh bên trong, vỏ ngoài có màu nâu sậm. Tỏi đen có mùi thơm, ngọt nhẹ như thảo dược mà không còn vị cay, hăng nồng như khi còn tươi. Ngoài tỏi đen, bạn cũng có thể làm tỏi Lý Sơn ngâm mật ong để tăng cường và bảo vệ sức khỏe.
>>> Có thể bạn quan tâm: Tác dụng của tỏi đen
Lưu ý khi dùng tỏi Lý Sơn
Để tránh những tác dụng phụ của tỏi Lý Sơn, người dùng cần ghi nhớ một vài lưu ý sau:
– Không nên sử dụng tỏi sống quá nhiều vì có thể gây cảm giác nóng trong miệng hoặc dạ dày, hơi thở có mùi hôi, ợ chua, đầy hơi, đầy bụng, buồn nôn, tạo ra mùi cơ thể.
– Tỏi có thể làm tăng nguy cơ chảy máu vì chất làm loãng máu tự nhiên. Do đó, bạn không nên dùng trước bất kỳ ca phẫu thuật nào.
– Đối với những người bị loét dạ dày nên tránh sử dụng tỏi sống nhằm tránh gây hại cho sức khỏe.
– Tỏi có thể gây bỏng, kích ứng da nghiêm trọng nếu bôi trực tiếp chúng lên da.
– Không nên ăn tỏi khi đói bụng bởi chất allicin dễ gây kích ứng và viêm loét gây đau rát dạ dày.
– Những người huyết áp thấp, đang bị tiêu chảy không nên ăn tỏi.
Vừa rồi là những thông tin về tỏi Lý Sơn, hy vọng bạn đã hiểu hơn về loại tỏi này và đặc biệt là có thể tự làm tỏi đen tại nhà để tăng cường sức khỏe.
[embed-health-tool-bmr]