Trước khi đưa ra phương pháp chữa bệnh bạch cầu, bác sĩ cần phân tích các dữ liệu sức khỏe liên quan đến nhiều yếu tố như thể trạng, dạng bệnh, tuổi tác… của từng bệnh nhân trước khi đưa ra kết luận.
Bệnh bạch cầu còn có tên gọi khoa học là leukemia. Đây là tình trạng các tế bào bạch cầu bị tổn thương hoặc hoạt động sai cách gây ra bệnh ung thư máu hoặc ung thư tủy xương.
Đối tượng nào dễ mắc bệnh bạch cầu?
Bệnh bạch cầu có thể xảy ra ở mọi đối tượng. Bệnh không phân biệt ngành nghề, giới tính hay độ tuổi. Tuy nhiên, trẻ em dưới 15 tuổi và người lớn từ 50 tuổi trở lên là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Những yếu tố khác có nguy cơ cao khiến bạn mắc bệnh bạch cầu bao gồm: môi trường sống hoặc làm việc có nhiều hóa chất độc hại, hút thuốc lá, thường xuyên dùng thuốc nhuộm tóc…
Các phương pháp chẩn đoán bệnh bạch cầu
Bác sĩ có thể phát hiện bạn mắc bệnh bạch cầu trước khi các triệu chứng bệnh xuất hiện khi khám sức khỏe định kỳ. Khi đó, có thể bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện thêm một vài thủ thuật y tế hoặc xét nghiệm khác để chẩn đoán bệnh chính xác. Những quy trình đó bao gồm:
Thăm khám trực tiếp
Trong quá trình này, bác sĩ sẽ tìm kiếm thêm những biểu hiện thực tế của bệnh bạch cầu như gan và lá lách to bất thường, sưng hạch bạch huyết hoặc da nhợt nhạt do thiếu máu.
Xét nghiệm máu
Kết quả xét nghiệm máu sẽ giúp bác sĩ nhìn thấy những thay đổi bất thường của hồng cầu, bạch cầu hoặc tiểu cầu bên trong cơ thể bạn. Từ đó, bác sĩ có thêm thông tin để kết luận bạn có mắc bệnh bạch cầu hay không.
Xét nghiệm tủy xương
Để thực hiện thủ thuật này, bác sĩ sẽ đề nghị bạn cung cấp mẫu tủy từ xương ức, xương đùi hoặc xương hông. Tủy xương được lấy ra khỏi cơ thể bằng một mũi kim dài và mỏng rồi mang đi phân tích, tìm kiếm tế bào ung thư bạch cầu bằng những xét nghiệm chuyên biệt. Kết quả xét nghiệm cho phép bác sĩ thấy được dạng bạch cầu bạn đang mắc phải để lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.
Phương pháp chữa bệnh bạch cầu
Việc chữa bệnh bạch cầu phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước khi chỉ định phương pháp điều trị, bác sĩ sẽ phân tích các điều kiện như dạng bệnh, tình trạng sức khỏe tổng thể, khả năng đáp ứng phác đồ chữa bệnh, tuổi tác của bệnh nhân và khả năng bệnh lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm cả hệ thần kinh trung ương.
Các phương pháp chữa bệnh bạch cầu phổ biến bao gồm:
Hóa trị giúp chữa bệnh bạch cầu
Hóa trị là hình thức điều trị chính cho bệnh bạch cầu. Bệnh nhân sẽ được sử dụng thuốc hóa trị để tiêu diệt các tế bào bạch cầu. Tùy thuộc vào dạng bệnh bạch cầu đang mắc mà bệnh nhân sẽ được dùng một loại thuốc duy nhất hoặc kết hợp nhiều loại thuốc với nhau.
Thuốc có thể ở dạng viên để uống hoặc dạng lỏng để tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch.
Liệu pháp sinh học
Liệu pháp này sẽ sử dụng các phương pháp điều trị giúp hệ miễn dịch của bạn nhận biết và tấn công các tế bào bạch cầu bị tổn thương hoặc mất chức năng hoạt động.
Trị liệu nhắm mục tiêu hỗ trợ chữa bệnh bạch cầu
Phương pháp điều trị này sẽ sử dụng các loại thuốc tấn công tế bào bạch cầu bị hư hỏng để loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể. Một trong những loại thuốc thông dụng nhất cho phương pháp này là imatinib (gleevec). Thuốc có tác dụng ức chế hoạt động của một loại protein trong các tế bào ung thư của bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu tủy xương mãn tính để kiểm soát triệu chứng bệnh.
Chữa bệnh bạch cầu bằng xạ trị
Xạ trị sẽ sử dụng tia X hoặc các chùm năng lượng cao để làm hỏng các tế bào ung thư bạch cầu và ngăn cản sự phát triển của chúng. Trong quá trình xạ trị, bệnh nhân sẽ được nằm trên bàn, các loại máy y khoa chuyên dụng sẽ di chuyển xung quanh bệnh nhân, hướng tia bức xạ vào các điểm chính xác trên cơ thể để thực hiện phác đồ chữa bệnh.
Tia bức xạ có thể nhắm vào một khu vực cơ thể cần điều trị. Đó là nơi có các tế bào ung thư bạch cầu đang hoạt động hoặc bức xạ trên toàn bộ cơ thể. Liệu pháp này cũng có thể được sử dụng để chuẩn bị cho quá trình cấy ghép tế bào gốc.
Ghép tế bào gốc
Ghép tế bào gốc là một thủ tục y tế thay thế tủy xương bị bệnh bằng tủy xương khỏe mạnh.
Trước khi ghép tế bào gốc, bạn phải trải qua quá trình hóa trị hoặc xạ trị liều cao để tiêu diệt toàn bộ tủy xương bị bệnh. Sau đó, bạn được truyền tế bào gốc tạo máu vào cơ thể để tái tạo tủy xương.
Bạn có thể nhận tế bào gốc của chính mình hoặc từ một người khác. Thủ thuật ghép tế bào gốc rất giống với thủ thuật cấy ghép tủy xương.
Bệnh bạch cầu có chữa được không? Câu trả lời là có thể chữa khỏi bằng những phương pháp vừa nêu. Tuy nhiên, lựa chọn phương pháp nào, thời gian điều trị dài, ngắn ra sao phụ thuộc vào quá trình chữa bệnh thực tế của từng bệnh nhân.
Bệnh nhân cần chuẩn bị những gì trước khi chữa bệnh bạch cầu?
Ngay khi thấy cơ thể mình có những dấu hiệu bất ổn, bạn cần gặp bác sĩ để xác định đúng nguyên nhân gây ra triệu chứng. Nếu nghi ngờ mình mắc bệnh bạch cầu, bạn hãy chia sẻ điều này với bác sĩ để họ có thêm dữ liệu kiểm tra triệu chứng lâm sàng của bạn.
Để quá trình thăm khám diễn ra suôn sẻ và bạn được giải đáp thỏa đáng các thắc mắc về tình trạng sức khỏe của mình, bạn hãy:
– Viết ra giấy những triệu chứng mình gặp phải. Chúng bao gồm những triệu chứng có vẻ không liên quan đến bệnh bạch cầu để cung cấp thông tin chi tiết cho bác sĩ khi khám bệnh.
– Lập danh sách tất cả các loại thuốc, thực phẩm chức năng, vitamin bạn đang dùng để thông báo đầy đủ cho bác sĩ.
– Nhờ một người đủ khả năng hỗ trợ bạn trong những trường hợp cần thiết đi cùng. Người đó có thể là bạn bè hoặc người thân trong gia đình.
Bệnh nhân nên hỏi bác sĩ những gì khi khám chữa bệnh bạch cầu?
Thời gian khám bệnh có giới hạn. Vì thế, việc chuẩn bị trước danh sách những câu cần hỏi bác sĩ sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian cho cả 2 bên. Đồng thời, danh sách câu hỏi được chuẩn bị trước sẽ giúp bạn có cái nhìn bao quát hơn về bệnh tình của bản thân để biết cách điều trị, chăm sóc bản thân.
Những câu cần hỏi bác sĩ có thể là:
- Tôi có mắc bệnh bạch cầu không?
- Dạng bệnh bạch cầu tôi đang mắc phải là gì?
- Tôi có cần làm thêm thủ tục xét nghiệm nào nữa không?
- Tôi có cần điều trị bệnh bạch cầu ngay lập tức không?
- Tôi có bao nhiêu lựa chọn điều trị bệnh bạch cầu? Chi phí mỗi lựa chọn ra sao?
- Phương pháp điều trị nào tốt nhất dành cho tôi?
- Các tác dụng phụ của phương pháp ấy là gì?
- Khi bắt đầu điều trị, cuộc sống hàng ngày của tôi sẽ bị ảnh hưởng thế nào?
- Tôi có thể vừa điều trị, vừa đi làm (hoặc đi học) không?
- Chi phí điều trị cho toàn bộ liệu trình của tôi là bao nhiêu? Bảo hiểm y tế có chi trả không?
Ngoài ra, trong quá trình thăm khám sẽ có những câu hỏi phát sinh liên quan đến tính chất cuộc trò chuyện giữa bạn với bác sĩ. Bạn đừng ngần ngại hỏi hết những thắc mắc của mình.
Khi nhận được những câu hỏi này, bác sĩ sẽ có ấn tượng tốt về một bệnh nhân có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho thời gian khám bệnh và có ý thức cao trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân. Từ đó, bác sĩ cũng sẽ sẵn sàng giải đáp hết tất cả thắc mắc của bạn.
Trương Phương Đài / HELLO BACSI
[embed-health-tool-bmi]