Cơ thể mệt mỏi buồn ngủ nhiều không chỉ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày mà còn tiềm ẩn nhiều vấn đề sức khỏe như bệnh tim, tiểu đường…
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), có khoảng 15,3% phụ nữ và 10,1% nam giới tại Hoa Kỳ thường xuyên cảm thấy người hay mệt mỏi và buồn ngủ. Tình trạng buồn ngủ mệt mỏi có thể gây ra một loạt các vấn đề nghiêm trọng khác. Theo báo cáo, cứ khoảng 1 trong 25 tài xế sẽ xảy ra tình trạng ngủ gật khi đang lái xe mỗi tháng. Khoảng 72.000 vụ tai nạn và 44.000 thương tích mỗi năm là hậu quả của tình trạng buồn ngủ khi đang lái xe, trong đó chiếm đến 6.000 vụ gây tử vong.
Bạn có thể cảm thấy mệt mỏi do thức khuya để xem bộ phim yêu thích hoặc dành thêm thời gian để làm việc, song vẫn có nhiều nguyên nhân khác. Hãy cùng Sức khỏe đi tìm lời giải đáp cho vấn đề tại sao hay buồn ngủ để tìm cách ngăn ngừa nhé!
1. Thiếu ngủ khiến cơ thể mệt mỏi buồn ngủ nhiều
Tình trạng thiếu ngủ là một lý do rõ ràng khiến cho người mệt mỏi buồn ngủ. Theo Viện Y học Giấc ngủ Hoa Kỳ và Hiệp hội Nghiên cứu Giấc ngủ, những người có độ tuổi từ 18 – 60 tuổi cần ngủ từ 7 giờ trở lên mỗi ngày để tăng cường sức khỏe tối ưu. Tình trạng thiếu ngủ có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như béo phì, huyết áp cao, trầm cảm, bệnh tim, đột quỵ và tăng nguy cơ tử vong.
Dưới đây là một số bí quyết giúp bạn đi vào giấc ngủ buổi tối dễ dàng hơn:
• Duy trì thói quen ngủ đều đặn: Bạn nên cố gắng đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi tối, thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi sáng đã đặt ra và duy trì điều này kể cả khi cuối tuần.
• Hạn chế ngủ trưa: Cơ thể bạn cần một thời lượng ngủ nhất định trong vòng 24 giờ. Thói quen ngủ trưa đôi khi làm giảm thời gian ngủ trong ngày, dẫn đến khó ngủ và giấc ngủ bị đứt quãng.
• Giới hạn thời gian thức trên giường: Khi bạn lên giường ngủ, bạn nên cố gắng ngủ trong vòng 5 – 10 phút. Nếu bạn cảm thấy khó ngủ, hãy thử ra khỏi giường và đọc sách cho đến khi bạn cảm thấy buồn ngủ, sau đó trở lại giường.
• Tạo môi trường giúp ngủ dễ dàng: Bạn nên để phòng ngủ yên tĩnh, tối và nhiệt độ thoải mái. Ánh sáng trong phòng có thể làm phiền giấc ngủ của bạn. Nhiệt độ phòng mát mẻ có thể thúc đẩy bạn dễ dàng ngủ hơn.
• Hạn chế đồ uống chứa caffeine: Bạn nên tránh tiêu thụ đồ uống chứa caffeine sau buổi trưa. Tác dụng kích thích của caffeine có thể kéo dài trong nhiều giờ sau khi uống và gây ra vấn đề với giấc ngủ.
• Tránh thuốc lá và rượu trước khi đi ngủ: Thói quen hút thuốc lá và uống rượu trước khi đi ngủ có thể khiến giấc ngủ bị gián đoạn.
Nếu bạn đã áp dụng nhiều cách mà vẫn không cải thiện tình trạng cơ thể mệt mỏi buồn ngủ, bạn nên đi khám sức khỏe. Bạn có thể bị mắc các chứng như mất ngủ, ngưng thở khi ngủ hoặc hội chứng chân không yên.
2. Thiếu dinh dưỡng khiến bạn buồn ngủ nhiều
Bạn có cảm thấy mình ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ? Đó có thể là do cơ thể bạn đang mệt mỏi do thiếu dinh dưỡng. Cách dễ nhất để xua tan tâm trạng mệt mỏi do thiếu dinh dưỡng là điều chỉnh chế độ ăn uống. Một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng có thể giúp bạn cải thiện tình trạng sức khỏe cũng như vấn đề buồn ngủ nhiều. Bạn nên bổ sung đầy đủ năm nhóm thực phẩm lành mạnh, đó là trái cây, rau, ngũ cốc, protein và sữa trong chế độ ăn uống hàng ngày của mình.
Bạn có thể thay đổi thói quen ăn uống của mình ngay hôm nay bằng cách thực hiện một số thay đổi nhỏ sau:
• Ăn đúng lượng calo: Bạn nên tính lượng calo tiêu thụ phù hợp với giới tính, tuổi tác, cân nặng và mức độ hoạt động của bạn. Việc ăn quá nhiều hoặc quá ít đều có thể khiến bạn cảm thấy hay buồn ngủ.
• Tính lượng phần ăn: Mỗi bữa ăn bạn nên tiêu thụ khoảng 50% trái cây và rau củ quả.
• Sử dụng ngũ cốc nguyên hạt: Bạn nên sử dụng các loại ngũ cốc nguyên hạt giúp cung cấp chất xơ và nhiều chất dinh dưỡng khác như gạo lứt, bột yến mạch, bột ngô nguyên chất…
• Dùng sữa ít béo: Việc chuyển sang sữa ít béo và không béo sẽ giúp hạn chế lượng calo từ chất béo bão hòa.
• Thay đổi nguồn tiêu thụ protein: Bạn hãy lựa chọn nguồn cung cấp protein đến từ thịt gia cầm, thịt nạc, một số hải sản giàu omega-3 và hạn chế thịt chế biến.
• Cắt giảm đường: Đường có thể cung cấp cho cơ thể một nguồn năng lượng nhanh chóng, tuy nhiên việc tiêu thụ quá mức có thể khiến cơ thể mệt mỏi buồn ngủ hơn. Vì thế, bạn nên hạn chế dùng thực phẩm và đồ uống có nhiều đường.
• Không bao giờ bỏ bữa sáng: Việc thường xuyên bỏ bữa sáng có thể dẫn đến việc bạn bỏ lỡ hấp thụ các chất dinh dưỡng quan trọng và năng lượng mà bạn cần để khởi đầu ngày mới.
• Ăn uống đều đặn: Bạn nên duy trì mức năng lượng cơ thể bằng cách ăn ba bữa mỗi ngày và hạn chế đồ ăn nhẹ không lành mạnh.
• Uống đủ nước: Việc uống nước có thể giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước – nguyên nhân dẫn đến cơ thể mệt mỏi buồn ngủ, thay đổi tâm trạng và táo bón.
3. Ít vận động khiến cơ thể mệt mỏi buồn ngủ nhiều
Khi buồn ngủ mệt mỏi, thông thường bạn sẽ quyết định ngồi hoặc nằm yên một chỗ để thư giãn. Tuy nhiên, việc đứng dậy và di chuyển hoặc vận động lại là cách hiệu quả hơn để bạn có thể tái tạo năng lượng và xóa tan trạng thái mệt mỏi.
Nghiên cứu của Đại học Georgia (UGA) ở Athens đã phát hiện ra rằng so với việc ngồi nghỉ ngơi, việc tập thể dục cường độ vừa phải kéo dài ít nhất 20 phút giúp cơ thể tăng cường năng lượng tốt hơn. Một nghiên cứu trước đó của UGA cũng cho thấy rằng những người ít vận động sau khi hoàn thành chương trình tập thể dục thường xuyên đã cải thiện chứng mệt mỏi.
Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ khuyến cáo, trong mỗi tuần người trưởng thành nên dành 2 giờ 30 phút tập thể dục cường độ vừa phải và các hoạt động tăng cường cơ bắp cho tất cả các nhóm cơ chính trong ít nhất 2 ngày trở lên.
Nếu bạn đã lâu không tập thể dục, bạn hãy bắt đầu từ từ với 10 phút đi bộ nhanh mỗi ngày, sau đó tăng dần đến 30 phút trong 5 ngày mỗi tuần. Một số hoạt động tập thể dục vừa phải bạn có thể thực hiện như đi bộ nhanh, bơi lội, đi xe đạp, chơi tennis…
4. Căng thẳng khiến người hay mệt mỏi và buồn ngủ nhiều
Công việc, vấn đề tài chính, mối quan hệ, các sự kiện, biến động lớn trong cuộc sống như chuyển nhà, thất nghiệp và mất người thân luôn là những yếu tố gây căng thẳng khiến bạn phải suy nghĩ liên tục, làm cho cơ thể mệt mỏi uể oải buồn ngủ. Một chút căng thẳng có thể giúp bạn tỉnh táo hơn để thực hiện các việc như phỏng vấn, tuy nhiên căng thẳng chỉ là mang lại hiệu quả tích cực nếu nó xảy ra trong thời gian ngắn.
Tình trạng căng thẳng quá mức, kéo dài có thể gây kiệt sức về thể chất và tinh thần, điều này có thể dẫn đến nhiều bệnh tật khác nhau. Nếu những áp lực mà bạn phải đối mặt đang khiến bạn cảm thấy thường xuyên mệt mỏi và buồn ngủ, quá sức, đau đầu, mỏi cơ. Hãy dành thời gian nghỉ ngơi cho đến khi bạn cảm thấy bình tĩnh hơn nhé!
Hãy thử một số lời khuyên sau đây:
• Xác định nguồn gốc của sự căng thẳng: Bạn cần xác định rõ mấu chốt của vấn đề khiến bạn phải suy nghĩ, sau đó bạn định hướng cách giải quyết tối ưu để cải thiện.
• Học cách nói không: Bạn không nên đảm nhận quá nhiều công việc và hãy nhận thức được giới hạn cơ thể.
• Tránh những người làm bạn căng thẳng: Nếu có ai đó trong cuộc sống khiến bạn bị căng thẳng khi tiếp xúc, bạn hãy cố gắng hạn chế gặp gỡ một cách lịch sự.
• Nhìn mọi thứ tích cực hơn: Khi gặp phải các tình huống căng thẳng, bạn nên suy nghĩ theo hướng tích cực hơn. Ví dụ nếu bạn bị giao một công việc chưa từng làm trước đây, hãy xem đây là cơ hội để bản thân tự tìm hiểu và có thêm kiến thức mới.
• Chấp nhận những điều bạn không thể thay đổi: Một số vấn đề gây căng thẳng khiến tâm trạng mệt mỏi, chẳng hạn như bệnh tật hoặc cái chết của người thân là điều không thể tránh khỏi. Thay vì buồn bã, lo lắng mỗi ngày, bạn hãy học cách chấp nhận và để điều đó trôi đi theo thời gian.
• Học cách tha thứ: Bất cứ ai cũng có thể mắc phải sai lầm. Thay vì ghim trong lòng, bạn hãy bỏ qua sự tức giận và hãy tha thứ cho người làm tổn thương mình.
Hoạt động thể chất là một liều thuốc giảm căng thẳng hiệu quả giúp giải phóng endorphin – một loại hormone hạnh phúc. Nếu bạn cảm thấy căng thẳng và thường xuyên mệt mỏi và buồn ngủ, hãy chơi một môn thể thao mình thích, hay chỉ đơn thuần đi dạo ngắm trời cũng đều mang lại hiệu quả tương tự.
5. Bệnh lý khiến người mệt mỏi, buồn ngủ nhiều
Nếu bạn đã thay đổi các yếu tố hoạt động thể chất, chế độ ăn uống, mức độ căng thẳng và giấc ngủ nhưng vẫn cảm thấy cơ thể mệt mỏi buồn ngủ mọi lúc, điều này có thể do bệnh lý tiềm ẩn. Vậy, ngủ nhiều nhưng vẫn buồn ngủ là bệnh gì?
Cơ thể mệt mỏi buồn ngủ có thể là triệu chứng của các tình trạng bao gồm:
Nếu bạn luôn cảm thấy cơ thể mệt mỏi uể oải buồn ngủ dù đã thực hiện tất cả các lời khuyên, bạn nên gặp bác sĩ để được kiểm tra về sức khỏe để biết buồn ngủ nhiều là bệnh gì và điều trị hợp lý.
Cơ thể mệt mỏi buồn ngủ nhiều là triệu chứng thường gặp phải trong cuộc sống hiện đại. Nếu điều chỉnh lối sống lành mạnh hơn, bạn hoàn toàn có thể đẩy lùi tình trạng này và luôn căng tràn sức sống!
[embed-health-tool-bmi]