Ngày càng có nhiều người mắc phải các bệnh nghiêm trọng về gan, đặc biệt là ung thư gan. Quá trình điều trị cho các bệnh nhân này thường gặp nhiều khó khăn do phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Vì vậy, việc chẩn đoán ung thư gan ở giai đoạn sớm là cần thiết và giúp ích rất nhiều cho quá trình trị liệu. Sinh thiết gan được xem là một phương pháp hữu hiệu giúp chẩn đoán và xác định tình trạng của các bệnh về gan, đặc biệt là ung thư gan.
Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về sinh thiết gan và những điều mà bệnh nhân ung thư gan nên biết về thủ thuật y khoa này.
1. Sinh thiết gan là gì?
Sinh thiết gan là một thủ thuật y tế dùng để lấy một lượng nhỏ các mô gan nhằm kiểm tra và phân tích những bất thường của gan dưới kính hiển vi. Thủ thuật này có thể giúp phát hiện ra các tổn thương hoặc bệnh tật ở gan.
2. Các loại sinh thiết gan
Về cơ bản, sinh thiết gan được chia làm 3 loại là sinh thiết qua da, sinh thiết qua tĩnh mạch ở cổ và sinh thiết bằng nội soi. Trong thực tế, thủ thuật sinh thiết qua da là loại được sử dụng nhiều nhất.
- Sinh thiết qua da (Percutaneous biopsy): Bác sĩ sẽ sử dụng một kim đặc biệt đâm từ da vào mô dưới da, cơ liên sườn, phúc mạc đến gan để lấy một mảnh gan nhỏ.
- Sinh thiết qua tĩnh mạch cảnh (Transjugular biopsy): Trong một số trường hợp chống chỉ định với sinh thiết gan qua da, bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết gan qua tĩnh mạch cảnh. Dụng cụ từ tĩnh mạch cảnh trong sẽ được đưa qua tĩnh mạch chủ trên, tĩnh mạch chủ dưới vào tĩnh mạch gan, sau đó chọc xuyên thành tĩnh mạch gan để lấy mẫu tế bào.
- Sinh thiết bằng nội soi (Laparoscopic biopsy): Phương pháp này thường ít được sử dụng.
3. Mục đích của sinh thiết gan
Sinh thiết gan có thể được thực hiện với nhiều mục đích khác nhau, chủ yếu nhằm tầm soát, chẩn đoán và theo dõi các bệnh ở gan, đặc biệt là ung thư gan. Các mục đích chính của sinh thiết gan bao gồm:
- Chẩn đoán những vấn đề ở gan mà bác sĩ không thể xác định được bằng các phương pháp khác.
- Tầm soát ung thư gan: Sinh thiết gan có thể được áp dụng để tầm soát ung thư gan ở những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ. Tuy nhiên, vì chứa nhiều rủi ro hơn nên sinh thiết gan chỉ được sử dụng khi không thể dùng các phương pháp nào khác.
- Lấy mẫu mô để kiểm tra do nhận thấy các bất thường sau khi thực hiện xét nghiệm máu (nồng độ AFP) hoặc xét nghiệm hình ảnh (siêu âm).
- Xác định mức độ nghiêm trọng của các bệnh ở gan, xác định giai đoạn tiến triển của ung thư gan.
- Giúp bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị dựa trên tình trạng của gan.
- Xác định mức độ đáp ứng của bệnh nhân đối với phương pháp điều trị đang áp dụng.
- Theo dõi tình trạng gan sau khi cấy ghép.
Phương pháp sinh thiết gan có thể được thực hiện với nhiều mục đích khác nhau như chẩn đoán và theo dõi quá trình điều trị các bệnh ở gan, đặc biệt là ung thư gan. Bác sĩ có thể đề nghị tiến hành phương pháp sinh thiết gan nếu nhận thấy các triệu chứng sau đây:
- Nhận thấy các bất thường không giải thích được trong kết quả xét nghiệm gan
- Sau khi thực hiện các xét nghiệm hình ảnh (siêu âm, chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ), bác sĩ nhận thấy có một khối u hoặc các bất thường khác ở gan.
- Sốt liên tục không rõ nguyên nhân.
4. Thủ thuật sinh thiết gan áp dụng cho các đối tượng nào?
Đa số các trường hợp, sinh thiết gan dùng để chẩn đoán và xác định ung thư gan. Tuy nhiên, phương pháp này cũng thường được thực hiện để chẩn đoán và xác định giai đoạn của một số bệnh ở gan khác như:
- Viêm gan B hoặc C mãn tính
- Viêm gan tự miễn
- Xơ gan
- Viêm đường mật xơ cứng tiên phát
- Bệnh huyết sắc tố
- Bệnh Wilson.
5. Những điều bệnh nhân cần chuẩn bị trước khi tiến hành sinh thiết gan
Trước khi tiến hành sinh thiết gan, bác sĩ sẽ thông báo với bạn một số điều cần lưu ý trước khi thực hiện. Đây là giai đoạn bạn có thể trao đổi với bác sĩ những điều còn vướng mắc về việc sinh thiết gan cũng như lợi ích và rủi ro mà thủ thuật này có thể gây ra. Những điều bạn cần làm trước khi tiến hành thủ thuật sinh thiết gan bao gồm:
Dừng sử dụng thuốc: Trước khi đến gặp bác sĩ, bạn hãy lên sẵn danh sách các loại thuốc mà mình đang sử dụng, bao gồm cả các thuốc không kê đơn, vitamin và thực phẩm chức năng. Trước khi sinh thiết, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn tạm dừng sử dụng các loại thuốc và thực phẩm hỗ trợ có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, bao gồm:
- Aspirin, ibuprofen và một số loại thuốc giảm đau khác
- Các thuốc làm loãng máu (thuốc chống đông máu) như warfarin
- Một số thực phẩm bổ sung có thể làm tăng nguy cơ chảy máu không kiểm soát
Xét nghiệm máu: Trước khi sinh thiết gan, bạn sẽ được yêu cầu xét nghiệm để kiểm tra khả năng đông máu. Nếu gặp các vấn đề về đông máu, bác sĩ có thể kê cho bạn dùng thuốc trước khi sinh thiết để giảm nguy cơ chảy máu.
Không được ăn uống trước khi sinh thiết: Bạn có thể sẽ được yêu cầu không uống hoặc ăn bất kỳ thứ gì từ 6 – 8 giờ trước khi tiến hành sinh thiết gan. Một số người có thể ăn nhẹ vào bữa sáng.
Chuẩn bị cho quá trình sau sinh thiết: Bình thường, sau khi tiến hành sinh thiết, bạn có thể về nhà ngay. Tuy nhiên, bác sĩ có thể cho bạn sử dụng thuốc an thần để ổn định tinh thần và sức khỏe. Thuốc an thần có thể khiến bạn mệt mỏi hoặc buồn ngủ, vì vậy bạn nên đi cùng người thân. Nhiều bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân nên ở lại bệnh viện theo dõi 1 ngày để đề phòng các biến chứng có thể xảy ra.
6. Phương pháp tiến hành sinh thiết gan
Tùy vào loại sinh thiết mà quá trình chuẩn bị và phương pháp tiến hành sinh thiết có thể khác nhau. Sinh thiết gan qua da là hình thức sinh thiết gan phổ biến nhất nhưng phương pháp này vẫn có thể bị chống chỉ định đối với một số trường hợp như:
- Bệnh nhân gặp khó khăn trong việc giữ nguyên tư thế khi sinh thiết
- Có tiền sử hoặc có nguy cơ bị chảy máu, các bệnh nhân gặp phải các vấn đề về rối loạn đông máu
- Bệnh nhân có các khối u liên quan đến mạch máu trong gan
- Bệnh nhân bị cổ trướng, có một lượng chất lỏng bất thường trong khoang bụng
- Béo phì
- Bệnh nhân bị nhiễm trùng gan
Trước khi tiến hành sinh thiết gan
Sinh thiết gan được thực hiện tại bệnh viện hoặc trung tâm ngoại trú. Bạn thường được yêu cầu đến bệnh viện từ sáng sớm, bác sĩ sẽ xem xét tình trạng sức khỏe, lịch sử y tế cũng như loại thuốc bạn dùng trước khi thực hiện thủ thuật. Ngay trước khi sinh thiết gan, bác sĩ sẽ thực hiện một số chuẩn bị ban đầu như:
- Đặt một đường truyền tĩnh mạch IV, thường là ở tĩnh mạch cánh tay, bác sĩ có thể truyền thuốc cho bạn nếu cần thiết.
- Bác sĩ có thể cho bạn sử dụng thuốc an thần để thư giãn trong suốt quá trình thực hiện sinh thiết gan.
- Hãy đi vệ sinh trước khi tiến hành sinh thiết vì bạn có thể phải nằm trên giường vài giờ sau khi thực hiện thủ thuật.
Khi tiến hành sinh thiết gan
Các bước thực hiện sinh thiết gan sẽ khác nhau tùy theo từng loại:
Sinh thiết qua da: Để bắt đầu sinh thiết, bác sĩ sẽ tiến hành xác định vị trí gan của bạn bằng cách chạm vào bụng hoặc sử dụng siêu âm. Trong một số trường hợp nhất định, siêu âm có thể được sử dụng để định hướng vị trí kim đâm vào gan. Bạn sẽ được yêu cầu nằm ngửa và đặt tay phải phía trên đầu. Bác sĩ sẽ sử dụng thuốc gây tê tại khu vực đâm kim. Sau đó, họ sẽ rạch một đường nhỏ ở gần đáy xương sườn bên phải của bạn và đâm kim sinh thiết vào. Quá trình sinh thiết chỉ mất khoảng vài giây. Khi kim tiêm được đâm vào và rút ra khỏi cơ thể, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn phải nín thở.
Sinh thiết qua đường tĩnh mạch: Bạn được nằm ngửa trên một bàn X-quang. Bác sĩ sẽ sử dụng thuốc tê ở một bên cổ, rạch một đường nhỏ và chèn ống nhựa dẻo vào tĩnh mạch cổ của bạn. Các ống được đẩy từ tĩnh mạch cổ xuống tĩnh mạch gan. Tiếp theo, bác sĩ sẽ tiêm một loại thuốc cản quang vào ống và chụp lại một loạt các hình ảnh X-quang. Các hình ảnh này sẽ giúp bác sĩ quan sát được tĩnh mạch gan của bạn. Sau đó, một kim sinh thiết sẽ được luồn vào ống và tiến hành cắt lấy mẫu gan. Cuối cùng, ống được loại bỏ một cách cẩn thận và bác sĩ sẽ băng vết rạch ở cổ của bạn lại.
Sinh thiết bằng nội soi: Trong phương pháp sinh thiết bằng nội soi, bạn sẽ được gây mê toàn thân. Bạn nằm ngửa trên bàn phẫu thuật và bác sĩ sẽ rạch một hoặc nhiều vết nhỏ ở bụng. Các dụng cụ đặc biệt sẽ được đưa vào cơ thể thông qua những vết mổ này, bao gồm cả một máy quay nhỏ được sử dụng để truyền hình ảnh ra màn hình lớn trong phòng mổ. Bác sĩ sẽ quan sát những hình ảnh này và điều khiển các dụng cụ nội soi để lấy mẫu tế bào gan. Sau đó, các dụng cụ sẽ được đưa ra khỏi cơ thể và vết mổ sẽ được khâu lại.
Sau khi sinh thiết gan
Sau khi sinh thiết xong, bạn sẽ được chuyển vào phòng hồi sức. Tại đây, các y tá theo dõi huyết áp, mạch và nhịp thở của bạn. Bạn sẽ được nghỉ ngơi trong khoảng từ 2 – 4 giờ. Tuy nhiên, đối với các bệnh nhân thực hiện thủ thuật sinh thiết gan qua đường tĩnh mạch, thời gian nghỉ ngơi có thể sẽ kéo dài hơn. Bạn sẽ cảm thấy hơi đau ở vị trí đưa kim vào, cơn đau này có thể kéo dài đến một tuần tùy theo thể trạng của bạn. Trong một tuần đầu tiên sau khi tiến hành sinh thiết, bệnh nhân không được nâng vật nặng quá 4kg. Sau đó, bạn có thể quay lại các hoạt động thường ngày.
7. Kết quả sinh thiết gan
Mẫu tế bào gan của bạn sẽ được đưa đến phòng thí nghiệm để bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán bệnh kiểm tra. Các bác sĩ sẽ tìm kiếm những bất thường cũng như dấu hiệu của các bệnh về gan. Sau đó, họ sẽ trả kết quả cho bác sĩ phụ trách của bạn trong vòng vài ngày đến một tuần. Ở lần tái khám tiếp theo, bạn sẽ được các bác sĩ giải thích và phân tích về kết quả sinh thiết thu được. Các bác sĩ có thể thông báo liệu bạn có mắc bệnh hay không, xác định được giai đoạn tiến triển hoặc mức độ nghiêm trọng của bệnh. Bác sĩ cũng có thể thảo luận với bạn về phương pháp điều trị nếu cần thiết.
8. Rủi ro và biến chứng từ thủ thuật sinh thiết gan
Nếu được thực hiện bởi các bác sĩ có kinh nghiệm, sinh thiết gan được xem là một thủ thuật tương đối an toàn. Một số tác dụng phụ và rủi ro có thể gặp phải khi tiến hành sinh thiết gan là:
Gây đau: Đau ở vị trí sinh thiết là biến chứng phổ biến nhất sau khi tiến hành thủ thuật này. Các cơn đau này thường chỉ ở mức nhẹ. Nếu các cơn đau ảnh hưởng nhiều đến bạn, hãy thông báo cho bác sĩ. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ kê đơn cho bạn sử dụng các thuốc giảm đau.
Làm các khối u di căn nhanh hơn: Đối với các bệnh nhân đã bị ung thư gan, việc sinh thiết gan có thể tạo đường dẫn cho khối u di căn sang các cơ quan khác.
Chảy máu: Tình trạng chảy máu có thể xảy ra sau khi sinh thiết gan. Nếu chảy máu quá nhiều, bạn cần phải nhập viện để truyền máu hoặc thực hiện các phẫu thuật cầm máu.
Nhiễm trùng: Biến chứng này thường rất ít gặp, xảy ra khi các vi khuẩn xâm nhập vào khoang bụng hoặc vào máu.
Tổn thương ở các cơ quan lân cận: Đây là một biến chứng hiếm gặp. Rủi ro này xảy ra thường do kim sinh thiết dính vào các cơ quan nội tạng khác, chẳng hạn như túi mật hoặc phổi. Thủ thuật sinh thiết qua đường tĩnh mạch có thể dẫn đến nhiều rủi ro hơn so với sinh thiết qua da hoặc sinh thiết bằng nội soi. Các rủi ro có thể gặp phải bao gồm:
- Bị tụ máu ở vùng cổ: Máu có thể bị tích tụ xung quanh vị trí đặt ống thông, từ đấy có thể gây đau và sưng tấy.
- Một số vấn đề tạm thời ở các dây thần kinh mặt: Biến chứng này thường ít gặp, quá trình sinh thiết có thể làm tổn thương các dây thần kinh và ảnh hưởng đến mặt hoặc mắt của bạn, ví dụ như sụp mí mắt.
- Các vấn đề về giọng nói: Bạn có thể bị khàn giọng, giọng bị yếu hoặc mất giọng trong thời gian ngắn.
- Đâm thủng phổi: Nếu kim sinh thiết vô tình đâm vào phổi, phổi của bạn có thể bị xẹp (tràn khí màng phổi).
Sinh thiết gan là phương pháp cuối cùng được thực hiện nhằm xác định chắc chắn các bất thường ở gan. Thủ thuật này có thể giúp bác sĩ chẩn đoán, xác định giai đoạn cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh ung thư gan. Tuy nhiên, sinh thiết gan cũng ẩn chứa nhiều rủi ro nhất định, vì vậy bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ và cân nhắc kỹ trước khi tiến hành thủ thuật này.
Phương Quỳnh/HELLO BACSI
[embed-health-tool-bmi]