Bánh tiêu là một loại bánh dân dã, chỉ đơn giản được làm từ bột và rắc mè trắng lên trên là đã có một món ăn ngon dẻo, hấp dẫn. Nếu ai đã từng ăn món ăn này đều sẽ muốn ăn nữa và thòm thèm mãi. Bánh tiêu không chỉ ngon mà lại còn rất dễ làm nữa! Các nguyên liệu của bánh tiêu đều có thể tìm thấy ở hàng tạp hóa hay ở những cửa hàng đồ làm bánh. Vậy còn chần chừ gì nữa, hãy cùng Lam Sơn Food tìm hiểu chi tiết cách làm bánh tiêu bằng bột mì ngay trong bài viết dưới đây.
Nguyên liệu cần thiết khi làm bánh tiêu

- 200g bột mì số
- 50ml nước sôi
- 120ml nước lạnh
- 40g đường
- 10g men khô
- 20g sữa đặc
- 40g mè trắng
- 1 ống vani
- Bột nổi
- Muối
- Dầu ăn

Hướng dẫn cách làm bánh tiêu ngon chuẩn vị Trung Hoa
Bước 1: Làm bột bánh
Bạn cho 50ml nước sôi và 120ml nước lạnh hòa vào nhau để thu lại hỗn hợp nước ấm. Nước ấm này có nhiệt độ phù hợp để men của chúng ta nở tốt nhất. Cho thêm 40g đường vào nước ấm và khuấy cho đến khi đường tan hết.

Cho đường vào hỗn hợp nước ấm sẽ giúp men nở của bạn được kích hoạt nhanh. Sau khi đường tan, bạn cho men nở vào hỗn hợp nước ấm vừa pha. Loại men này là loại men khô chưa được kích hoạt, chính vì thế bạn cần phải thực hiện các bước này để kích hoạt men.
Bạn khuấy men cho tan rồi ủ cho men nở chừng 5 – 10 phút. Men nở là khi hỗn hợp men của bạn lên bọt giống như gạch cua. Khi đó, hãy cho thêm sữa đặc vào hỗn hợp và khuấy đều. Chúng ta sử dụng sữa đặc với mục đích tạo ngọt thay cho đường, không làm bánh bị ngọt gắt và giúp bánh thơm béo hơn.

Tiếp đến, chúng ta tiến hành trộn bột. Bột làm bánh tiêu trong công thức này là bột mì số 13, là loại có tỉ lệ protein khoảng 12 – 13%, có nhiều gluten, thường được sử dụng để làm bánh mì.
Các bạn cho bột mì ra một chiếc âu lớn, sau đó cho thêm ½ thìa cà phê muối, một thìa cà phê bột nổi, một ống vani, sau đó trộn đều hỗn hợp bột này. Trộn bột xong, ta cho hỗn hợp men nở vừa pha vào hỗn hợp bột khô này. Bạn hòa các hỗn hợp này với nhau, rồi dùng tay nhồi bột cho đến khi bột hút hết nước. Không nên nhồi quá nhiều, bột sẽ bị chai và bánh sẽ mất độ ngon.

Nếu bạn sử dụng men khô mà không cần kích hoạt, hãy cho men khô, bột nở, đường và nước vào bát và nhồi. Nhồi khoảng 2 phút, bạn hãy cho ½ thìa cà phê muối vào hỗn hợp. Sở dĩ ta không cho muối vào ngay từ đầu là muối và men phản ứng với nhau, nếu cho cả hai thứ cùng một lúc có thể khiến men bị hỏng. Bạn nhào bột thêm một chút nữa rồi để bột vào bát để ủ. Cũng như cách làm với men kích hoạt, nhồi bột quá lâu sẽ khiến bột bị chai.

Xem thêm: Chia sẻ cách làm bánh mochi Nhật Bản mềm dẻo, ngon chuẩn vị
Khi trộn bột, nếu thấy bột bị nhão, bạn cũng đừng quá lo lắng. Bột bánh tiêu nhão và ướt thì lúc chiên mới nở đẹp. Bạn sử dụng màng bọc thực phẩm để bọc âu bột lại rồi ủ trong khoảng 30 – 50 phút.
Bước 2: Ủ bột
Bạn ủ bột lần đầu sau khi nhào chừng khoảng 30 – 50 phút xong thì bỏ bột ra ngoài. Và mở màng bọc thực phẩm, cho 15ml dầu ăn rồi nhồi bột khoảng 2 phút để bột được mềm mịn. Để bột không bị vào dính tay, bạn hãy xoa tay với một chút dầu ăn trước khi nhồi nhé.
Cho nốt 15ml dầu ăn vào bát, xoa đều dầu lên khối bột rồi ta lại bắt đầu ủ bột lượt 2. Bọc lại bát bằng màng bọc, sau đó ta để ủ cho đến khi bột nở cao và mịn, quá trình này mất khoảng 2 giờ đồng hồ.

Bước 3: Tạo hình bột
Sau 2 tiếng, bột đã nở khá cao và có bề mặt mềm mượt hơn trước. Bạn cho bột ra ngoài và bắt đầu tạo hình. Trải tấm lót nhào bột lên mặt bếp, sau đó phủ một lớp bột mì lên tấm lót nhằm áo quanh hỗn hợp bột khi nhào, giúp bột không bị dính.

Cho hỗn hợp bột vừa ủ ra khỏi tô để cắt và chia nhỏ thành những phần bằng nhau, sau đó ta tạo hình bột thành những khối tròn. Trong công thức làm bánh tiêu này, bạn có thể chia bột được thành 8 phần để làm 8 bánh. Ước chừng khối lượng từng phần bánh là khoảng 50g.
Viên bột thành hình tròn rồi lăn bột qua mè trắng. Bột bánh tiêu khá ướt nên bạn đừng quên phủ bột khô lên tay trước khi nặn bột nhé. Sau đó sử dụng cây cán bột để cán viên bột thành hình tròn mỏng.

Bước 4: Chiên bánh
Các bạn nên chiên bánh ngập dầu, để bánh nở phồng đều. Đặt nồi chiên lên bếp, sau đó đổ dầu khoảng nửa nồi. Bạn để bếp ở lửa trung bình hoặc vừa để dầu nóng từ từ.
Khi dầu sôi, xuất hiện bọt khí ở dưới đáy nồi, bạn hãy cho bột vào nồi chiên. Bột chưa phồng, bánh sẽ chìm xuống đáy nồi, sau khi đã phồng, bánh sẽ nổi lên trên mặt dầu. Bạn đừng quên lật mặt bánh liên tục để bánh không bị cháy và được vàng đều 2 mặt.

Xem thêm: Hướng dẫn cách làm bánh gối ngon, đơn giản chuẩn vị Hà Nội
Bánh tiêu chiên khá nhanh, vì thế mọi người nên tập trung chiên để kết thúc phần chiên bánh nhanh. Nên chiên từng cái một để có thể kiểm soát được độ vàng của bánh và không bị vội tay khi trở bánh hay gắp bánh.
Sau khi chiên, hãy đặt bánh lên vỉ hoặc lót giấy thấm dầu ở đĩa để bánh róc hết dầu, ăn không bị ngán dầu. Bánh tiêu chiên đạt là bánh nở đều hai mặt, có màu vàng, bên trong rỗng ruột. Bánh thơm mềm, có vị ngọt, có sự beo béo của vừng.
Những lưu ý khi làm bánh tiêu tại nhà
Khi làm bánh tiêu, bạn hãy lưu ý những điều sau để mẻ bánh được thành công nha:
- Không nên nhồi bột quá lâu như làm bánh mì, nếu nhồi lâu bánh sẽ chị chai.
- Nên cho nước vào từ từ để dễ điều chỉnh độ đặc nhão của bột.
- Nên lăn vừng trước khi áo bột khô lên bánh, nếu áo bột khô trước, vừng sẽ không dính được vào bánh.
- Nên canh dầu cẩn thận khi chiên bánh, nếu dầu không đủ nóng, bánh sẽ không nở kịp hay bột sẽ bị chai, nếu quá nóng và không kịp trở tay, bánh sẽ không nở đều hai mặt.
- Khi gắp bánh tránh làm thủng bên trong, bánh sẽ bị xẹp ngay lập tức, dầu sẽ tràn vào bên trong.
- Nếu ăn không hết, bạn có thể bảo quản bánh trong hộp, tuy nhiên bánh sẽ không còn ngon và dai hơn lúc mới chiên.
Bánh tiêu ăn với món gì ngon
Sau khi chiên bánh, bạn hãy đợi bánh nguội, khi đó bạn đã có thể thưởng thức bánh tiêu ngay. Hoặc bạn có thể kẹp bánh tiêu cùng xôi xéo để ăn, tạo ra một hương vị vừa mới mẻ lại vừa quen thuộc. Hay bạn có thể ăn kèm bánh tiêu với bánh bò để đổi khẩu vị, vừa có sự dai dai của vỏ bánh tiêu, vừa có sự mềm mềm thơm sữa của bánh bò.

Vậy là chúng ta đã hoàn thành xong món bánh tiêu rồi. Nếu hôm nào đấy bạn không muốn mua bánh tiêu bên ngoài, hãy thử lấy dụng cụ và nguyên liệu ra để làm bánh tiêu nha! Bánh tiêu giòn dai thơm thơm sẽ giúp giữ cho dạ dày của bạn không còn kêu gào mỗi tầm chiều chưa đến giờ cơm đó.
Bạn thấy cách làm bánh tiêu của Lam Sơn Food như thế nào? Nếu bạn thích công thức này, đừng ngại chia sẻ cho những người khác cùng biết nha! Còn nếu bạn muốn làm thêm những món ăn khác, hãy truy cập trang web của Lam Sơn Food để biết thêm nhiều món ăn ngon khác nhé!