Những ngày vừa qua thời tiết quá khắc nghiệt, có những ngày nhiệt độ lên đến 400C, cùng với các phương tiện làm mát cho trẻ như điều hòa, quạt, tắm… và các loại virus xâm nhập và phát triển thì tỷ lệ các trẻ bị viêm nhiễm đường hô hấp cấp tính đang gia tăng nhanh chóng, bác sĩ viết sơ lược bài này giúp các bố mẹ nhận biết và có khái niệm về bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính để kịp thời ngăn chặn kịp thời cho các con.
Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính (NKHHCT) ở trẻ em là bệnh phổ biến, có tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao, trẻ có thể mắc bệnh nhiều lần trong một năm (trung bình từ 3 -5 lần) do đó ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, phát triển thể chất, thậm chí cả tính mạng của trẻ.
Phần lớn (NKHHCT) ở trẻ em là do căn nguyên virus, do đặc điểm phần lớn các loại virus có ái lực với đường hô hấp. Khả năng lây lan của virus dễ dàng, tỷ lệ người lành mang virus cao và khả năng miễn dịch của virus ngắn và yếu cho nên bệnh dễ có nguy cơ phát triển trong một cộng đồng hoặc thành dịch và dễ bị nhiễm lại.
Các biểu hiện lâm sàng của (NKHHCT) ở trẻ em rất đa dạng và ở nhiều mức độ khác nhau:
Thông thường trẻ thường bắt đầu với các triệu chứng ho, sốt, chảy mũi, rồi sau đó là thở nhanh, cánh mũi phập phồng, nặng hơn nữa là nhìn thấy lồng ngực bị rút lõm trong khi thở vào, thở rít, tím tái. Nếu không được xử trí kịp thời trẻ có thể bị hôn mê, co giật…
Một đặc điểm cần lưu ý là diễn biến của trẻ từ mức độ nhẹ sang nặng rất nhanh do đó việc đánh giá, phân loại, xác định điều trị kịp thời là rất quan trọng.
Vì vây khi thấy con có những dấu hiệu trên các bố mẹ cần theo dõi con sát và đưa bé đến bác sĩ để được khám, chẩn đoán, điều trị kịp thời. Không nên tự tiện dùng thuốc khi chưa có chẩn đoán và cũng không thể chủ quan lơ là mà bệnh trở nên nặng. Kết hợp với chế độ điều trị bằng thuốc, một chế độ dinh dưỡng hợp lý phù hợp lứa tuổi và giai đoạn bệnh giúp trẻ chóng hồi phục và để bắt kịp với sự phát triển thể chất của các bé.
BSCKII. Mai Thị Lệ Tịch, Phòng khám tư vấn dinh dưỡng chất lượng cao, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội – 70 Nguyễn Chí Thanh