Nước biển mặn là chuyện đương nhiên rồi. Nhưng tại sao nó mặn và muối đại dương do đâu mà ra?
Ta biết muối là chất có thể hòa tan trong nước. Do đó, muối hòa tan trong nước ở đại dương. Muối ở trên mặt địa cầu thường xuyên hòa tan, sau đó theo suối, theo sông chảy hết ra biển. Nhưng điều ta không hiểu được là lượng muối ngày ngày theo suối theo sông đổ vào đại dương có thể giải thích được lượng muối khổng lồ chứa trong các đại dương không. Nếu có cách nào tách được muối chứa trong các đại dương ra thì ta có thể dùng khối lượng muối ấy để xây một bức tường thành cao gần 300 km, dầy 2 km bao quanh quả đất theo đường xích đạo.
Muối ta dùng hằng ngày được sản xuất từ nước biển hay từ các hồ nước mặn, các giếng phun mặn và các mỏ muối. Nồng độ muối trong nước biển các đại dương là vào khoảng từ 3 đến 3,5 phần trăm. Ở các biển nội địa như Địa Trung Hải hoặc Biển Đỏ chẳng hạn thì nồng độ muối cao hơn.
Biển chết với diện tích chỉ có 340 dặm vuông nhưng chứa tới 11,6 tỷ tấn muối. Nhiều mỏ muối được tìm thấy ở nhiều nơi trên lục địa là do nước biển đã bốc hơi cách nay cả triệu năm. Bởi vì muốn thành muối mỏ thì phải làm cho 9/10 nước biển bốc hơi. Do đó, người ta cho rằng muối mỏ thực chất chỉ là biển – nhất là các biển nội – đã bị bốc hơi. Có những biển “nội địa” bốc hơi nhanh hơn số lượng nước ngọt đổ vào các biển ấy, do đó lần lần biển nội địa biến thành mỏ muối.
Muối dùng trong công nghiệp thường là muối mỏ. Phương pháp thông thường để khai thác muối mỏ là đào những giếng xuống tới các lớp muối. Sau đó bơm nước ngọt xuống cho hòa tan muối rồi hút nước muối lên. Chắc các bạn thắc mắc: làm chi cho mất công vậy, sao không lấy nước biển? Đồng ý! Nhưng những quốc gia nằm sâu trong lục địa và không có biển thì đành phải lấy muối mỏ là đúng rồi.