Thời kỳ đầu của thời đại băng hà, ở vùng Bắc Mỹ ngày nay có thể coi là một lục địa nước đá cũng như Nam, Bắc cực ngày nay vậy.
Cả lục địa Bắc Mỹ bị “đè” dưới khối nước đá dày tới 4,5 km. Xin nói rõ: dày tới 4 kilômét rưỡi! Khối nước đá ấy hình thành và tan chảy ít nhất cũng bốn lần trong thời kỳ băng hà.
Trong thời băng hà, nhiều khối nước đá ở nhiều nơi trên trái đất không có cơ may tan chảy hết. Chẳng hạn toàn thể diện tích đảo Greenland ngày nay vẫn nằm dưới tấm “thớt” nước đá chỉ trừ một dải đất hẹp quanh đảo. Phía bên trong đảo, nước đá dày tới hơn 3 km. Nam cực là cả một lục địa bị bao phủ bởi một lớp nước đá dày từ 3 km đến 3,5 km.
Bởi vậy, ta có lý do để nói rằng ở một vài nơi trên trái đất hiện nay, thời kỳ băng hà chưa chấm dứt vì khối băng hà ấy chưa tan chảy hết. Tuy nhiên hầu hết các băng hà hiện đang tồn tại mới chỉ được hình thành trong thời gian gần thôi. Những băng hà này thường có dạng thung lũng băng.
Ở khởi điểm, thung lũng băng có vách dốc như hình một rạp hát lớn. Tuyết từ trên trời, từ các đỉnh núi và bờ dốc cao rớt xuống. Tuyết này không chảy hết trong những tháng hè. Do đó, ngày càng dày lên. Đồng thời do sức ép từ tuyết bên trên, tuyết bên dưới tan chảy, tái đóng băng và đẩy bọt khí ra để trở thành nước đá. Do sức ép càng ngày càng lớn, khối nước đá bên dưới bắt đầu chậm chạp “bò” xuống thung lũng tạo thành “cái lưỡi”. Đó chính là lúc băng hà bắt đầu di chuyển.
Trên rặng núi Alpes bên châu Âu có tới 1200 băng hà như vậy. Ở các rặng núi như Pyrénée, Carpathes và Caucasus cũng đều có băng hà. Ở miền Nam Alaska có tới hàng chục ngàn băng hà như vậy. Có những “cái lưỡi” băng hà dài từ 40 đến 80 km!