Hội chứng tâm lý dễ mắc phải
Hội chứng tâm lý cô độc hướng ngoại (Outgoing Autism), hay còn được biết đến là tự kỷ hướng ngoại.
Hai khái niệm “cô độc” và “hướng ngoại” hoàn toàn trái ngược nhưng chúng có thể tồn tại trong cùng một con người. “Cô độc hướng ngoại” là hội chứng tâm lý người trẻ dễ mắc phải do nhiều yếu tố khách quan tác động bao gồm môi trường sống, cách giáo dục, những mối quan hệ xung quanh.
Những người mắc hội chứng cô độc hướng ngoại thường gặp khó khăn trong việc giao tiếp, thiết lập và duy trì các mối quan hệ, luôn cảm thấy bất an và dễ bị chi phối bởi người khác. Họ có thể giải quyết và đưa ra lời khuyên cho người khác nhưng không giải quyết được vấn đề cá nhân. Những người mắc hội chứng này thường rất khó nhận biết bởi những biểu hiện không rõ ràng.
Nguyễn Việt Anh, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương, cho biết bản thân mới ý thức được những dấu hiệu của hội chứng cô độc hướng ngoại trong vài tháng gần đây. “Mình thích hòa nhập vào đám đông, tham gia nhiều sự kiện lớn. Tuy nhiên, mình hay có cảm giác lạc lõng, khó kết nối với những người xung quanh”, nam sinh chia sẻ.
Giống với Việt Anh, chị Lê Minh Đan (29 tuổi, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ cảm xúc: “Thành thật mà nói, tâm trạng của mình khó kiểm soát, thay đổi thất thường. Có lúc vui vẻ gặp gỡ bạn bè nhiều ngày. Đôi khi, mình lại có xu hướng ngại giao tiếp với đám đông”.
Chăm sóc sức khỏe tinh thần ở người trẻ
Theo PGS-TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, các bạn trẻ hiện nay sống trong thế giới BANI (Brittle – mong manh; Anxious – nhiều lo lắng; Non-linear – phi tuyến tính; Incomprehensible – khó hiểu). Cuộc sống của thế hệ trẻ hiện nay mang nhiều điều bất ổn, thường xuyên thay đổi, dễ gãy vỡ và không thể biết trước cho cá nhân, con người và tương lai xã hội.
PGS-TS Trần Thành Nam cho biết: “Các bạn trẻ đã chịu nhiều áp lực xã hội, luôn phải trở thành những con người năng nổ, hướng ngoại để được ghi nhận. Tuy nhiên, nhiều bạn đã kiệt sức và bị tổn thương sức khỏe tâm thần nhưng không thể hiện ra ngoài. Từ đó dẫn đến trạng thái cô độc hướng ngoại”.
Ông nói tiếp: “Hội chứng cô độc hướng đang phản ánh những nghịch lý về kỳ vọng của thị trường lao động đối với những bạn trẻ. Nhà sử dụng lao động muốn họ tối đa hiệu suất làm việc nhưng lại muốn tiết kiệm chi phí.
Hệ quả khiến các bạn trẻ rơi vào trạng thái quá tải, căng thẳng, trầm cảm, quên mất bản thân. Vì thế, người trẻ đành đeo một cái mặt nạ năng động, tích cực để giấu đi tổn thương tận sâu bên trong”.
PGS-TS Trần Thành Nam dành những lời khuyên bổ ích để cải thiện sức khỏe tinh thần: Người trẻ nên rèn luyện tính kỷ luật bản thân, kỹ năng quản lý thời gian, quản lý cảm xúc, tự chăm sóc sức khỏe tâm thần của chính mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Song, mỗi người cần rèn luyện kỹ năng thấu cảm và lắng nghe những thông tin tích cực, giao tiếp thuyết phục và kỹ năng tự tạo động lực để phục hồi nhanh chóng sau mỗi lần vấp ngã.