Nếu đạm thực vật được cân đối trong chế độ ăn, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, béo phì và bệnh tim thông thường sẽ giảm, theo Tiến sĩ Andrea Glenn, Đại học Harvard.
Thông tin trên được Tiến sĩ Andrea Glenn khẳng định tại hội thảo “Dinh dưỡng Thực vật và Giải pháp sức khỏe của thế kỷ 21” do Vinasoy kết hợp cùng Viện Dinh dưỡng Quốc gia tổ chức. Bà dẫn chứng theo nghiên cứu Adventist Health Study ở Mỹ và EPIC, Oxford ở Vương quốc Anh, những người ăn chay và thuần chay có tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, chỉ số BMI thấp hơn người tiêu thụ đạm động vật.
Còn tại Việt Nam, Viện Dinh dưỡng khuyến nghị người trưởng thành (từ 19 tuổi) nên ăn đạm động vật theo tỷ lệ 30-35% tổng số đạm nạp vào. Đồng thời, tuổi càng cao nên giảm lượng đạm động vật nạp vào, nên theo tỷ lệ 1/3 động vật và 2/3 thực vật. Dựa trên những đặc điểm riêng, giải pháp giảm đạm động vật, thêm đạm thực vật hướng đến chế độ ăn lành mạnh, giúp người dùng không tăng cholesterol xấu vào cơ thể, từ đó ngăn ngừa béo phì và các bệnh mạn tính không lây.
Đạm đậu nành được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng, nhờ cung cấp tất cả 9 axit amin thiết yếu cho cơ thể. Hơn nữa, đậu nành còn giàu chất béo thực vật và axit béo không no (omega-6, omega-3) có lợi cho sức khỏe. Do đó, Viện Dinh dưỡng khuyến nghị đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành là một trong những nguồn cung cấp đạm thực vật, chất xơ cần thiết để góp phần duy trì, bảo vệ và phát triển cơ thể.
Tiến sĩ Mark Messina, Giám đốc Nghiên cứu Dinh dưỡng Đậu nành, Viện Dinh dưỡng Đậu nành toàn cầu, Mỹ khuyến nghị, người trưởng thành nên nạp 15-25 gram đạm đậu nành (khoảng 2 phần ăn) mỗi ngày. Có thể bổ sung bằng các món được chế biến từ đậu phụ, tàu hũ ky, giá đậu nành, edamame… Hoặc nhanh chóng nhất là uống sữa đậu nành mỗi ngày.
Kiến thức tăng cường đạm “xanh” đặc biệt quan trọng với những ai đang giữ vai trò chăm sóc sức khỏe cho gia đình. Vì những quyết định dinh dưỡng như cân bằng đạm động vật và đạm thực vật trong bữa ăn hàng ngày giúp các gia đình bảo vệ sức khỏe lâu dài.
Theo các chuyên gia, người Việt cần ý thức và thực hiện đều đặn chế độ ăn giảm đạm “đỏ”, tăng đạm “xanh”. Khi xét đến các chỉ số dinh dưỡng, cả hai loại đạm này đều thể hiện rõ vai trò và lợi ích quan trọng với cơ thể. Trong đó, đạm động vật có lượng cholesterol cao, ít chất chống oxy hóa, nhiều chất béo no và khoáng chất; đạm thực vật lại không có cholesterol, giàu chất xơ hòa tan, chất béo không no có lợi cho sức khỏe, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Vì vậy, người Việt nên cân đối lượng đạm động vật và đạm thực vật trong chế độ ăn theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị (RDA), tùy vào độ tuổi và đối tượng.
Thanh Thư