Khám chấn thương sọ não giúp bác sĩ đánh giá các tổn thương dựa trên những triệu chứng và kết quả xét nghiệm. Kết quả của quá trình này là cơ sở quan trọng để họ đưa ra phác đồ điều trị chính xác, kịp thời. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để giảm thiểu di chứng sau chấn thương sọ não.
Nếu không được thăm khám và điều trị sớm thì tình trạng sức khỏe của bệnh nhân có thể xấu đi nhanh chóng. Vậy, khám chấn thương sọ não được tiến hành như thế nào? Mời bạn cùng Bệnh lý tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Những ai cần được khám chấn thương sọ não?
Bất kỳ ai phải chịu những chấn thương đáng kể tác động mạnh đến vùng đầu, não, cấu trúc xương sọ và cột sống, đều cần được khám chấn thương sọ não nhằm đánh giá bản chất, mức độ của chấn thương và tiến hành điều trị kịp thời.
Chấn thương sọ não thường là trường hợp khẩn cấp cần được cấp cứu kịp thời tại bệnh viện. Tuy nhiên, một vài trường hợp triệu chứng chấn thương sọ não không biểu hiện ngay lập tức (chấn thương sọ não kín) nhưng lại âm thầm gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong tại nhà. Vì vậy, khi phải chịu chấn thương nghiêm trọng ở vùng đầu, hãy đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được thăm khám kịp thời.
Khám chấn thương sọ não bằng xét nghiệm nào?
1. Khám chấn thương sọ não dựa trên thang điểm hôn mê Glasgow
Đây là bước đầu tiên để chẩn đoán chấn thương sọ não và đánh giá mức độ nghiêm trọng của tổn thương. Bác sĩ sẽ tiến hành khám vùng đầu và đánh giá khả năng nói, chức năng vận động cơ, chuyển động của mắt theo thang điểm hôn mê Glasgow.
Cụ thể như sau:
Bác sĩ sẽ đánh giá phản ứng của bệnh nhân chấn thương sọ não thông qua các hạng mục này và tính tổng điểm. Nếu điểm từ 13 – 15 thì mức độ chấn thương nhẹ, đạt từ 9 – 12 cho thấy mức độ tổn thương trung bình và từ 8 điểm trở xuống cho thấy là trường hợp chấn thương sọ não nặng. Điểm số càng cao tức là mức độ thương tích ít nghiêm trọng hơn.
Bác sĩ cũng có thể sử dụng thang điểm này để theo dõi tiến trình hồi phục của bệnh nhân.
Một số bác sĩ còn căn cứ thêm vào mức độ ý thức, mất trí nhớ và điểm Glasgow của người đó để xác định mức độ chấn thương sọ não. Cụ thể như sau:
- Chấn thương sọ não nhẹ: không bất tỉnh hoặc bất tỉnh dưới 30 phút, mất trí nhớ kéo dài dưới 24 giờ, điểm Glasgow 13 – 15
- Chấn thương sọ não vừa: bất tỉnh trong hơn 30 phút cho đến 24 giờ, mất trí nhớ 24 giờ – 7 ngày, điểm Glasgow 9 – 12
- Chấn thương sọ não nặng: bất tỉnh trên 24 giờ, mất trí nhớ kéo dài trên 7 ngày, điểm Glasgow từ 8 trở xuống.
2. Chẩn đoán chấn thương sọ não thông qua hình ảnh
Trong quá trình khám chấn thương sọ não, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh. Những xét nghiệm này giúp phát hiện tình trạng chảy máu do chấn thương sọ não và những trường hợp cần được phẫu thuật ngay lập tức.
Cụ thể như sau:
- Chụp cắt lớp vi tính (CT). Xét nghiệm này thường được thực hiện đầu tiên nếu một trường hợp bị nghi ngờ là chấn thương sọ não được đưa đến phòng cấp cứu. Hình ảnh từ chụp CT sọ não cung cấp cho bác sĩ phát hiện ra tình trạng gãy xương, chảy máu trong não, tụ máu não, mô não bị thương nhẹ hoặc mô não bị sưng.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI). Xét nghiệm này chỉ thường được sử dụng sau khi tình trạng bệnh nhân đã ổn định, hoặc nếu các triệu chứng không cải thiện ngay sau chấn thương.
3. Đo áp lực nội sọ
Các mô trong não bị sưng có thể làm tăng áp lực bên trong hộp sọ và gây thêm tổn thương cho não. Vì vậy, các bác sĩ sẽ theo dõi áp lực nội sọ bằng một đầu dò qua hộp sọ.
4. Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu trong khám chấn thương sọ não vẫn là một lĩnh vực còn khá mới mẻ.
Vào năm 2018, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA đã phê duyệt xét nghiệm máu dùng trong việc phát hiện 2 loại protein, UCH-L1 và GFAP, được não giải phóng vào máu khi xảy ra chấn động nhẹ. Xét nghiệm có thể giúp xác định những trường hợp có thương tích trong não khó phát hiện khi chụp CT.
5. Các bài xét nghiệm khác
Một vài các bài xét nghiệm khác có thể được tiến hành trong quá trình khám chấn thương sọ não, bao gồm:
- Các bài kiểm tra về nhận thức để khám bệnh nhân chấn thương sọ não xem họ có còn tỉnh táo, có thể tư duy, lập luận, giải quyết vấn đề, hiểu và ghi nhớ hay không.
- Các bài kiểm tra lời nói và ngôn ngữ để xác định mức độ bệnh nhân có thể nói và sử dụng ngôn ngữ, bao gồm mức độ hoạt động của các cơ cần thiết để hình thành từ ngữ và khả năng đọc – viết tốt như thế nào.
- Các bài kiểm tra kỹ năng giao tiếp xã hội và các tình huống để đánh giá xem hành vi hoặc hành động của bệnh nhân có bị ảnh hưởng hay không.
- Kiểm tra khả năng nuốt để đảm bảo bệnh nhân có thể ăn và nuốt an toàn, nhằm nhận đủ chất dinh dưỡng.
- Kiểm tra khả năng thở và chức năng phổi để tìm xem có cần hỗ trợ thở máy hoặc bổ sung oxy hay không.
- Đánh giá tâm lý thần kinh để tìm hiểu thêm về các chức năng xã hội, bao gồm khả năng kiểm soát hành vi và hành động của một người.
Hi vọng thông qua bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn quá trình khám chấn thương sọ não và các xét nghiệm chẩn đoán cần thiết. Đừng bỏ qua các triệu chứng chấn thương sọ não nhẹ bởi bệnh có thể tiến triển rất nhanh và gây tử vong cao, hãy đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.