Trả lời:
Trước đây, nhiều người ăn cơm cháy do bất đắc dĩ, khi đó cơm không đủ ăn, phải ăn cả cháy. Hiện nay, khi cuộc sống đầy đủ, mọi người lại thích ăn cơm cháy, thậm chí còn tạo thành món đặc sản bán dọc đường đến các nhà hàng sang trọng.
Cơm cháy gồm hai loại, thứ nhất là cơm cháy đơn thuần, được nấu ở gia đình, là phần cơm cháy ở đáy xoong, có màu vàng hoặc cháy non thì hoàn toàn tiêu thụ được. Nếu cơm cháy đen, ăn sẽ gây hại.
Loại thứ hai là cơm cháy đã được ướp các nguyên liệu dầu mơ, ruốc, gia vị… Nếu ăn nhiều thực phẩm này cũng gây hại bởi lượng dầu mỡ quá nhiều, quá mặn hoặc quá ngọt. Bên cạnh đó, khi cơm cháy trở thành mặt hàng kinh doanh thì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng cần hết sức lưu ý.
Về mặt sức khỏe, khi ăn cơm cháy, chúng ta phải nhai lâu, tiết ra nhiều nước bọt, thực phẩm khi vào dạ dày sẽ tiêu hóa dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, nếu cơm bị cháy quá, cấu trúc tế bào trong gạo bị chuyển từ tốt thành xấu. Các tế bào này không bị phân hủy bởi nước bọt, chúng đi thẳng xuống hệ tiêu hóa gây bất lợi với sức khỏe. Ngoài ra, cơm bị cháy quá cũng giống thịt cháy, sẽ bẻ gãy các phân tử gây biến chất, ăn nhiều ảnh hưởng xấu sức khỏe.
Nhìn chung, bạn chỉ nên ăn cơm cháy để thưởng thức, không nên ăn quá nhiều và ăn thay cơm hàng ngày.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh
Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội