Sầu riêng là thức quả mùa hè quen thuộc với nhiều người. Ngoài ứng dụng làm thực phẩm, sầu riêng còn được sử dụng rộng rãi như vị thuốc cổ truyền. Nếu là tín đồ của loại quả này, hẳn bạn đã từng thắc mắc: ăn sầu riêng nhiều có tốt không?
Sức khỏe mời bạn cùng tìm hiểu công dụng của sầu riêng, cũng như những nguy cơ mà món ăn đặc biệt này có thể mang lại nếu ăn quá nhiều!
Tìm hiểu chung về sầu riêng
Quả sầu riêng chứa hàm lượng dinh dưỡng cao và mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Giá trị dinh dưỡng của sầu riêng
Phần thịt quả sầu riêng cung cấp nhiều dưỡng chất. Giá trị dinh dưỡng trên 100g sầu riêng theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ như sau:
- Nước: 64,99g
- Năng lượng: 147 kcal
- Chất đạm: 1,47 g
- Tổng chất béo: 5,33 g
- Carbohydrate: 27,09 g
- Chất xơ: 3,8 g
- Canxi: 6 mg
- Sắt: 0,43 mg
- Magie: 30 mg
- Phốt pho: 39 mg
- Kali: 436 mg
- Vitamin C, tổng axit ascorbic: 19.700 mg
Với hàm lượng carbohydrate cao, sầu riêng được xem là loại thực phẩm cung cấp năng lượng tức thì. Sầu riêng chứa chất béo không bão hòa đơn có lợi cho tim (giúp giảm cholesterol xấu LDL). Ngoài ra, sầu riêng cũng cung cấp một lượng kali cao giúp giảm mệt mỏi, căng thẳng và lo lắng.
Sầu riêng bao nhiêu calo?
Cứ 100g sầu riêng sẽ chứa 147 calo. Múi sầu riêng trung bình khoảng 250g sẽ cung cấp cho bạn 367 calo.
Để dễ hình dung hàm lượng sầu riêng bạn nên ăn, bạn có thể tham chiếu với lượng calo mỗi ngày cơ thể cần theo khuyến cáo của chuyên gia dinh dưỡng. Lượng calo cần thiết trong 1 ngày dành cho phụ nữ trưởng thành dao động từ 1.600 – 2.400 calo. Hàm lượng calo cần thiết trong 1 ngày ở nam giới sẽ cao hơn một chút. Cụ thể là trong khoảng từ 2.200 – 3.200 calo mỗi ngày.
Hãy cân nhắc lượng calories mà cơ thể bạn cần để hoạt động để lựa chọn khẩu phần ăn phù hợp cho bản thân.
Mùa sầu riêng tháng mấy?
Thông thường, mùa sầu riêng miền Tây Việt Nam bắt đầu vào khoảng tháng 4 đến tháng 8 (âm lịch). Tuy nhiên, với công nghệ trồng trọt hiện nay, chúng ta có thể trồng và thu hoạch sầu riêng nhiều vụ. Để có thể lựa chọn sầu riêng ngon, đúng mùa vụ, mời bạn tham khảo:
- Tháng 3 – 5: Miền Tây thu chính vụ.
- Tháng 4 – 7: Thu chính vụ ở các tỉnh miền Đông như Đồng Nai, Đức Linh (Bình Thuận)
- Tháng 5 – 7: Thu chính vụ ở các vùng như Tây Ninh, Bình Phước.
- Tháng 7 – 8: Khu vực Đắk Nông thu chính vụ.
- Tháng 8 – 9: Khu vực Đắk Lắk thu hoạch chính vụ.
- Tháng 9 – 10: Thu hoạch chính vụ tại vùng Gia Lai.
- Tháng 10 – 11: Vùng Bảo Lộc thu hoạch chính vụ. Vào thời điểm nghịch vụ thì giá sầu riêng ở đây khá cao vì diện tích trồng nhỏ.
- Tháng 11 – 3 năm sau: Thu nghịch vụ ở miền Tây.
Ăn nhiều sầu riêng có tốt không?
Để tìm câu trả lời cho thắc mắc ăn sầu riêng nhiều có tốt không, chúng ta cần đánh giá cả lợi ích và tác hại mà sầu riêng mang lại cho cơ thể.
Lợi ích của sầu riêng
Sầu riêng cũng rất giàu polyphenol như flavonoid và carotenoid – những hợp chất có đặc tính chống oxy hóa. Nhờ đó sầu riêng có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, ung thư và tiểu đường nếu được đưa vào chế độ ăn uống lành mạnh.
Lợi ích tổng hợp của sầu riêng đối với sức khỏe, bao gồm:
- Khả năng tăng cường hệ miễn dịch
- Ngăn ngừa ung thư và ức chế hoạt động của các gốc tự do
- Cải thiện tiêu hóa
- Giúp xương chắc khỏe
- Cải thiện các dấu hiệu thiếu máu
- Ngăn ngừa lão hóa
- Giúp giảm huyết áp
- Ngăn ngừa các bệnh tim mạch
Ngoài ra, các nghiên cứu cũng ghi nhận một số lợi ích bổ sung sầu riêng là giảm viêm khớp, giúp tuyến giáp khỏe mạnh, giảm đau đầu và giảm các triệu chứng trầm cảm, lo lắng và căng thẳng. Hầu hết các lợi ích sức khỏe đến từ hàm lượng vitamin và khoáng chất ấn tượng có trong sầu riêng.
Có thể bạn quan tâm: Sầu riêng: Liều thuốc có thể chữa bệnh vô sinh?
Tác hại của sầu riêng
Ăn sầu riêng nhiều có tốt không? Bên cạnh những lợi ích sức khỏe sầu riêng mang lại, bạn nên cân nhắc những rủi ro tiềm ẩn mà loại thực phẩm này mang lại. Ngoài giá trị vitamin và khoáng chất, sầu riêng cũng chứa nhiều đường. Sầu riêng chứa các loại đường đơn – sucrose, fructose và glucose.
Mặc dù sầu riêng không chứa cholesterol hoặc chất béo không lành mạnh, nhưng nó chứa hàm lượng calo cao. Trung bình một quả sầu riêng chứa đến 884 calo. Con số này chiếm đến 44% lượng calo được khuyến nghị cho một người trưởng thành trung bình.
Ăn quá nhiều sầu riêng nghĩa là bạn hấp thụ dư thừa calo so với lượng cần thiết. Việc này có thể dẫn đến việc tăng cân, tích tụ mỡ cho cơ thể của bạn.
-
Gây nóng trong người, khó tiêu
Theo Đông y, sầu riêng là loại thực phẩm có “tính ấm”. Nếu ăn nhiều sầu riêng, bạn có thể gặp các triệu chứng nóng trong người như: đau họng, loét miệng, táo bón hoặc tăng đờm.
Từ quan điểm dinh dưỡng khoa học, sầu riêng có thể gây ra cảm giác nóng trong người. Sầu riêng giàu calo. Do đó, khi ăn nhiều sầu riêng, cơ thể cần tăng cường hoạt động trao đổi chất để tiêu hóa. Điều này sẽ dẫn đến nhiệt độ cơ thể của chúng ta tăng lên.
Ngoài ra, nạp quá nhiều calo từ sầu riêng sẽ gây áp lực khiến hệ tiêu hóa phải làm việc nhiều hơn. Ăn quá nhiều sầu riêng có thể gây khó tiêu và đầy bụng.
-
Ảnh hưởng đến thận
Trong sầu riêng có chứa ethanol, methanol, ethyl methacrylate, và chất lưu huỳnh. Rủi ro đến từ việc bệnh nhân có vấn đề về thận không thể chuyển hóa những chất này.
Ngoài ra, hàm lượng kali cao trong sầu riêng cũng mang đến nhiều nguy cơ cho người bệnh thận. Lượng kali tích tụ quá nhiều có thể làm suy thận.
Ai không nên ăn sầu riêng?
- Bệnh nhân tiểu đường
- Người gặp các vấn đề về thận
- Người béo phì, thừa cân
Lưu ý khi ăn sầu riêng
Các hợp chất lưu huỳnh trong sầu riêng có thể ngăn chặn một số enzym phân hủy rượu, làm tăng nồng độ cồn trong máu của bạn. Điều này có thể dẫn đến các triệu chứng như buồn nôn , nôn mửa và tim đập nhanh. Thậm chí vừa ăn sầu riêng vừa uống rượu có thể gây ngộ độc.
Để an toàn, bạn nên tránh ăn sầu riêng và uống rượu cùng một lúc.
Kết luận
- Lượng calo quá cao trong sầu riêng có thể khiến bạn tăng cân và tích mỡ.
- Lượng đường cao trong sầu riêng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe đường huyết.
- Ăn quá nhiều sầu riêng sẽ gây nóng trong người và nguy cơ đầy bụng.
- Sầu riêng chứa những khoáng chất thận không thể chuyển hóa. Nếu ăn quá nhiều sầu riêng có thể ảnh hưởng đến thận của bạn.
Tuy nhiên, những lợi ích tuyệt vời mà sầu riêng mang lại là không thể phủ nhận. Bạn có thể bổ sung món ăn này vào thực đơn của ăn uống của bạn với một lượng sầu riêng phù hợp. Tốt nhất, bạn không ăn quá 3 múi sầu riêng một ngày.
Hy vọng bài viết đã giúp bạn giải đáp thỏa đáng thắc mắc ăn sầu riêng nhiều có tốt không và những thông tin liên quan đến loại trái cây này. Chúc bạn có những lựa chọn dinh dưỡng an toàn và khỏe mạnh!
[embed-health-tool-bmr]