Atropin là chất có tác dụng kháng acetylcholin trên thụ thể muscarin (ức chế thần kinh đối giao cảm), ngăn chặn kích thích thần kinh đến các cơ và tuyến, làm giãn cơ trơn. Để tìm hiểu rõ hơn về công dụng của hoạt chất này trong y khoa, cũng như liều dùng và những lưu ý khi sử dụng, mời bạn cùng đọc tiếp bài viết sau.
Tác dụng của atropin là gì?
Atropin (hay atropine) có khả năng gây ra nhiều tác động trong cơ thể, bao gồm làm giảm co thắt cơ trơn và giảm tiết dịch (như nước bọt, dịch nhầy hoặc các dịch tiết khác trong đường hô hấp). Điều này giúp kiểm soát các tình trạng như viêm đại tràng, bàng quang co thắt, viêm túi thừa, đau bụng co thắt ở trẻ sơ sinh, đau co thắt thận và mật, viêm loét dạ dày tá tràng, hội chứng ruột kích thích hay dùng trong quá trình phẫu thuật để giảm tiết dịch hô hấp.
Thuốc chứa atropin cũng được dùng trong:
- Điều trị triệu chứng cứng, run, tiết nước bọt, và đổ mồ hôi quá mức do bệnh Parkinson.
- Tác động lên tim, được dùng trong quá trình phẫu thuật để duy trì chức năng tim. Trong những trường hợp khẩn cấp liên quan đến tim, thuốc có thể được dùng để điều trị một số rối loạn về tim.
- Kiểm soát các giai đoạn thay đổi về tâm trạng (như khóc và cười) do các khối u não.
- Trong nhãn khoa, atropin được dùng làm thuốc với tác dụng làm giãn đồng tử mắt.
Một số trường hợp, atropin còn được sử dụng như thuốc giải độc để điều trị một số loại ngộ độc.
Một số tác dụng khác của thuốc có thể không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lý chỉ khi có chỉ định của bác sĩ.
Liều dùng
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.
Liều dùng atropin cho người lớn là bao nhiêu?
- Liều dùng thông thường cho người bị rối loạn nhịp tim chậm: 0,4–1mg tiêm tĩnh mạch trong mỗi 1–2 giờ nếu cần thiết. Trường hợp đặc biệt, liều tối đa có thể sử dụng lên đến 2mg.
- Liều dùng thông thường cho người bệnh block nhĩ thất: 0,4–1mg, tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp hoặc tiêm dưới da. Liều có thể được tăng lên trong một số trường hợp đặc biệt theo chỉ định bác sĩ.
- Liều dùng cho trường hợp ngộ độc các chất ức chế men cholinesterase: 0,4–0,6mg, tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp hay tiêm dưới da. Liều dùng có thể được tăng lên khi cần thiết.
- Liều dùng khi ngộ độc phospho hữu cơ hay các tác nhân gây độc thần kinh: 0,8mg dùng đường tiêm bắp. Nếu không có tác dụng rõ ràng trong vòng 30 phút hoặc có các triệu chứng ngộ độc xảy ra (như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, co thắt đồng tử, phù phổi, rung giật mắt và lưỡi, đổ mồ hôi quá mức, tiết dịch nước bọt và dịch phế quản nhiều) thì tiêm bắp 2mg atropin mỗi giờ cho đến khi có dấu hiệu atropinization. Liều 2mg có thể được tiêm 2–3 lần (tổng cộng là 4–6mg) trong trường hợp nặng.
- Liều dùng khi gây tê/ gây mê, chấn thương đầu, loét đường tiêu hóa: 0,4–0,6mg, tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp hay tiêm dưới da, có thể tăng liều trong một số trường hợp.
- Liều dùng để làm giãn đồng tử và liệt cơ mi trong đo khúc xạ: Nhỏ 1–2 giọt dung dịch thuốc atropin 1% vào kết mạc trước 40–60 phút khi đo. Bạn có thể được nhỏ thuốc lần hai khi cần thiết.
- Liều dùng khi bị viêm mống mắt, viêm màng bồ đào: Nhỏ 1–2 giọt dung dịch thuốc atropin 1% vào mắt, tối đa 4 lần/ngày.
- Liều dùng cho bệnh lý túi thừa, hội chứng ruột kích thích, chứng khó tiêu không do loét: uống 0,6–1,2mg trước khi ngủ, một liều duy nhất.
Liều dùng atropine cho trẻ em là gì?
- Liều dùng cho trẻ mắc bệnh rối loạn nhịp tim chậm: liều ban đầu 0,02mg/kg/lần, tiêm tĩnh mạch có thể dùng sau mỗi 5 phút. Liều tối đa là 0,5mg.
- Liều dùng cho trường hợp ngộ độc phospho hữu cơ: liều ban đầu 0,05–0,1mg/kg qua đường tiêm tĩnh mạch hay tiêm bắp trong mỗi 5–10 phút cho đến khi các dấu hiệu và triệu chứng ngộ độc biến mất.
- Liều dùng để gây mê: dùng qua đường tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da, tiêm thuốc trước khi gây mê từ 30–60 phút với liều như sau:
- Trẻ dưới 3kg: 0,1mg
- Trẻ 7–9kg: 0,2mg
- Trẻ 12–16kg: 0,3mg
- Trẻ hơn 20kg: 0,4–0,6mg
- Liều dùng để làm giãn đồng tử và liệt cơ mi khi đo khúc xạ: nhỏ 1 giọt dung dịch thuốc atropin 1% vào mỗi mắt, 2 lần/ngày trong khoảng 1–3 ngày trước khi tiến hành đo.
- Liều dùng khi bị viêm mống mắt, viêm màng bồ đào: nhỏ 1 giọt dung dịch atropin 1% vào mỗi mắt, tối đa 3 lần/ngày.
Cách dùng
Bạn nên sử dụng thuốc atropin như thế nào?
Bạn cần sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn từ bác sĩ. Thuốc dạng viên uống có thể uống cùng hoặc không cùng với thức ăn. Thuốc dạng tiêm sẽ được nhân viên y tế tiến hành, bạn không được tự ý sử dụng.
Bạn nên làm gì trong trường hợp khẩn cấp hoặc dùng quá liều?
Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.
Các triệu chứng quá liều atropin bao gồm:
- Đau đầu
- Buồn nôn, nôn mửa
- Khô miệng, mũi hoặc cổ họng
- Tăng nhịp thở
- Mờ mắt, giãn đồng tử
- Tăng thân nhiệt, khô da
- Chóng mặt
- Buồn ngủ
- Không tỉnh táo, hay nhầm lẫn
- Lo âu
- Co giật
- Mạch yếu
- Nhịp tim bất thường
Bạn cũng cần tìm kiếm sự điều trị y tế khẩn cấp nếu nhận thấy có các dấu hiệu của dị ứng thuốc, gồm:
- Phát ban
- Khó thở
- Sưng mặt, môi, lưỡi và cổ họng
Bạn nên làm gì nếu quên một liều?
Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.
Trường hợp dùng thuốc ở dạng tiêm, bạn sẽ được nhân viên y tế kiểm soát liều dùng nên tình quên liều khó có thể xảy ra.
Tác dụng phụ
Bạn có thể gặp phải tác dụng phụ nào khi dùng thuốc atropin?
Hầu hết tác dụng phụ xảy ra là do tác động quá mức của atropin lên thụ thể muscarinic-cholinergic và có thể phục hồi lại khi ngừng dùng thuốc. Mức độ nghiêm trọng và tần suất gặp tác dụng phụ liên quan đến liều dùng và mức độ dung nạp thuốc ở từng người.
Một số tác dụng phụ thường gặp gồm:
- Khô miệng, khô da
- Mờ mắt
- Liệt cơ thể mi
- Giãn đồng tử
- Sợ ánh sáng
- Giảm tiết mồ hôi
- Tiếu rắt, tiểu lắt nhắt hoặc bí tiểu
- Nhịp tim nhanh, đánh trống ngực
- Khô mắt
- Táo bón
Một số trường hợp người bệnh gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong, như:
- Vô tâm thu
- Rối loạn nhịp nhĩ thất
- Rung nhĩ
- Phân ly nhĩ thất
- Nhịp nhanh thất
- Suy hô hấp
- Hôn mê
- Phù mạch (hiếm khi xảy ra)
Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu gặp phải bất kỳ tác dụng không mong muốn nào sau khi dùng thuốc, hãy thông báo ngay cho bác sĩ.
Thận trọng/Cảnh báo
Trước khi dùng thuốc atropin, bạn nên lưu ý những gì?
Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc atropin, bạn nên thông báo với bác sĩ nếu có các vấn đề sức khỏe sau:
- Hen suyễn hoặc các rối loạn hô hấp khác
- Tăng nhãn áp
- Phì đại tuyến tiền liệt
- Có vấn đề về tiểu tiện
- Rối loạn nhịp tim
- Bệnh gan hoặc thận
- Nhược cơ
- Tắc nghẽn đường tiêu hóa (dạ dày hoặc ruột)
Atropin chống chỉ định trong các trường hợp sau:
- Tăng nhãn áp góc đóng
- Block nhĩ thất độ 2 hoặc độ 3
- Co thắt thực quãn
- Tắc ruột do liệt ruột
- Viêm loét đại tràng nặng
- Liệt ruột
- Viêm đại tràng nhiễm độc cấp tính
- Hẹp môn vị
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào trước khi dùng thuốc, hãy hỏi ý kiến từ bác sĩ.
Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc atropin trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật,…)
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết chắc rằng liệu atropin có gây hại cho thai nhi hay không. Tuy nhiên, một số chế phẩm thuốc có thể chứa chất bảo quản gây ảnh hưởng đến thai. Do đó, bạn cần thông báo cho bác sĩ nếu đang mang thai hoặc dự định có thai trước khi dùng thuốc.
Mặt khác, việc thuốc có khả năng truyền sang sữa mẹ và gây hại cho em bé đang bú mẹ vẫn chưa rõ ràng. Nếu bạn đang nuôi con bằng sữa mẹ, hãy hỏi ý kiến bác sĩ khi được chỉ định dùng thuốc này.
Ngoài ra, thuốc có thể gây mờ mắt và làm suy giảm khả năng suy nghĩ, phản xạ của bạn nên hãy tránh lái xe hay vận hành máy móc sau khi dùng thuốc.
Tương tác thuốc
Thuốc atropin có thể tương tác với những thuốc nào?
Một thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.
Một vài thuốc có thể gây ra tương tác khi dùng chung với atropin là:
- Ipratropium
- Diphenhydramine
- Hydromorphone
- Haloperidol
- Hyoscyamine
- Morphine
- Neostigmine
- Paracetamol
- Promethazine
- Scopolamine
- Pralidoxime
Thuốc atropin có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?
Khi dùng atropin chung với rượu, bia có thể xảy ra tương tác thuốc. Do đó, bạn không nên sử dụng các thức uống có cồn trong quá trình điều trị bằng thuốc này.
Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc atropin?
Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.
Bảo quản
Bạn nên bảo quản thuốc atropin như thế nào?
Bảo quản theo thông tin ghi trên nhãn bao bì, dưới 25ºC, tránh ánh sáng. Không bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh, tránh để thuốc đóng băng.
Các thuốc dạng tiêm được sử dụng bởi nhân viên y tế sẽ được bảo quản theo quy định của kho tại cơ sở y tế, đảm bảo chất lượng thuốc sử dụng.
Dạng bào chế và hàm lượng
Thuốc atropin có các dạng bào chế và hàm lượng nào?
Những chế phẩm thuốc có chứa atropin hiện nay thường có dạng và hàm lượng sau:
- Dung dịch tiêm: atropin 0,1 mg/mL, 0,05 mg/mL, 0,4 mg/mL, 0,8 mg/mL, 1 mg/mL
- Thuốc nhỏ mắt dạng dung dịch hoặc thuốc mỡ: atropin 1 %
- Viên nén đường uống: atropin 0,4 mg
Các chế phẩm thường chứa hoạt chất này dưới dạng muối atropin sulfat.
[embed-health-tool-bmi]