Rau răm thường mọc tự nhiên trong vườn nhà và được sử dụng như vị rau ăn kèm rất được ưa chuộng tại Việt Nam nhờ hương vị cay nồng cùng mùi thơm đặc trưng khiến cho món ăn thêm phần đậm đà.
Bà bầu ăn rau răm có làm sảy thai không?
Theo Đông y, rau răm có vị cay nồng, tính ấm, mùi thơm, không có độc nên dùng ăn kèm với các món ăn có tính hàn như hến, trai, trứng vịt lộn, thịt gà. Hơn nữa, ngay từ thời xa xưa, rau răm đã được biết đến với công dụng tiêu thực, làm ấm bụng, kích thích tiêu hóa, tán hàn, sát trùng, làm mạnh gân cốt, sáng mắt, ích trí…
Mặc dù mang đến nhiều lợi ích nhưng rau răm lại không mang đến lợi ích cho bà bầu, thậm chí nó còn có thể gây nguy hiểm. Bà bầu ăn rau răm 2 tháng đầu có thể dẫn đến sảy thai. Nguyên nhân là do rau răm có chứa thành phần kích thích co bóp tử cung dẫn đến nguy cơ cơ thể làm sảy thai, thai đẩy ra ngoài. Sau 3 tháng thai kỳ, mẹ bầu có thể ăn rau răm thoải mái hơn.
Cũng bởi lý do này mà nhiều mẹ vẫn băn khoăn về việc bầu lỡ ăn rau răm có sao không. Thực chất, ăn rau răm khi mang thai sẽ không nguy hiểm hoặc không có ảnh hưởng đến thai nhi nếu các mẹ ăn vừa đủ với tần suất ít. Nếu như thích ăn rau răm, mỗi tuần mẹ có thể ăn 1-2 lần, mỗi lần chỉ khoảng vài lá (tối đa 5-7 lá) và ăn với các món chính khác.
Ngoài ra, trong giai đoạn đầu thai kỳ, nếu mẹ có tiền sử sinh non, sảy thai, dọa sảy…thì nên hạn chế, tốt nhất không ăn rau răm cũng như một số loại thực phẩm có khả năng gây co bóp tử cung như quả dứa, quả nhãn, rau ngót, rau ngải cứu, rau sam…
Bà bầu 3 tháng cuối ăn rau răm được không?
Như đã chia sẻ, ngoài 3 tháng đầu nên hạn chế hoặc không nên ăn rau rằm thì các tháng tiếp theo trong thai kỳ, bà bầu có thể ăn rau răm thoải mái hơn một chút nhưng vẫn chỉ đảm bảo trong lượng cho phép. Nếu bà bầu thích ăn rau răm, có thể ăn vài lá kèm các món để vẫn thưởng thức được hương vị của răm nhưng vẫn không gây nguy hiểm cho thai nhi. Một số món ăn với rau răm cho mẹ bầu tham khảo như:
– Cháo trai, cháo hến, cháo ngao, cháo gà…
– Trứng vịt lộn, một số món hải sản, thịt dê, thịt cá…để món ăn thơm ngon, hấp dẫn, không còn mùi tanh của thực phẩm.
– Canh ngao, canh thịt bò…
Mẹ lưu ý là chỉ dùng một lượng nhỏ vừa đủ để chế biến thôi nhé. Vì nếu dùng quá nhiều và dùng liên tục hàng ngày thì vị cay, tính ấm của rau răm cũng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe của mẹ và thai nhi đấy.
Ngoài ra, nếu không thực sự cần thiết và không ăn cũng không có vấn đề gì thì mẹ có thể bỏ qua rau răm trong thực đơn hằng ngày để tránh cho các mẹ có những lo lắng, băn khoăn không cần thiết. Chúc các mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn!