Không biết từ bao giờ, chả giò đã trở thành món ăn đặc trưng cho nhiều dịp lễ và thường xuất hiện trong mâm cỗ Việt Nam. Chả giò rán với lớp ngoài giòn tan, nhân bên trong ngọt, bùi và dậy lên mùi thơm của các nguyên liệu tạo thành một món ăn hấp dẫn trong mâm cơm gia đình.
Cách làm chả giò rán rất đơn giản, song nhiều người ngại cho chả giò vào thực đơn hằng ngày vì nghĩ rằng đây là một món ăn khá mất thời gian. Hôm nay, hãy cùng Lam Sơn Food vào bếp để làm món chả giò rán thơm ngon chuẩn vị đơn giản ngay tại nhà. Vậy cùng chuẩn bị nguyên liệu và tiến hành thực hiện món ăn này thôi nào.
Chuẩn bị nguyên liệu làm chả giò
- 25 – 30 cái vỏ nem rế hoặc bánh tráng
- 300g thịt nạc vai băm
- 2 – 3 quả trứng
- 100g tôm tươi
- 100g giá đỗ
- 100g miến dong
- 50g mộc nhĩ
- 50g nấm hương
- Cà rốt
- Củ đậu
- Su hào
- Gia vi: hạt nêm, tiêu, hành tây
Nguyên liệu pha nước chấm:
- Nước mắm
- Đường trắng
- Giấm
- Nước ấm
- Tỏi băm
- Ớt băm
- Tiêu
Hướng dẫn chi tiết cách làm chả giò giòn rụm tại nhà
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Như đã được đề cập rất nhiều ở các bài viết trước, khâu lựa chọn nguyên liệu cho món ăn luôn là khâu quan trọng nhất. Để có được một món ăn vừa thơm ngon vừa đảm bảo an toàn, nhất là một món ăn có nhiều nguyên liệu trộn chung với nhau như chả giò. Cần phải lựa chọn nguyên liệu sạch, tươi sống ở các địa điểm phân phối uy tín.
Tùy vào sở thích, bạn chọn mua vỏ nem rế hoặc bánh tráng làm vỏ chả giò rán. Lớp vỏ ngoài có tác dụng bao bọc và cố định phần nhân bên trong. Khi rán lên, lớp vỏ trở nên giòn, đem lại cảm giác ngon miệng hơn khi thưởng thức. So với vỏ nem rế thì bánh tráng có bề ngoài dày hơn, khi rán lên sẽ giòn hơn nên bạn có thể lựa chọn tùy theo sở thích.
Thịt heo để làm chả giò ngon nhất là thịt nạc vai do phần thịt này khá dày dặn và ngọt, không quá nạc cũng không quá mỡ. Thịt mua về bạn rửa sạch rồi băm nhuyễn, bạn cũng có thể cho vào máy xay nhuyễn nhưng lưu ý không nên xay thịt quá mịn.
Tôm tươi sau khi mua về bạn rửa sạch và bóc vỏ, loại bỏ phần đầu, đuôi, chỉ sống lưng. Bạn băm nhỏ tôm rồi ướp cùng 1 chút muối để tôm sống để lâu không bị ươn.
Các nguyên liệu khô như miến dong, mộc nhĩ, nấm hương trước khi mua cần phải kiểm tra thật kỹ. Nếu đã xuất hiện mốc, mọt thì bạn không nên sử dụng. Bạn rửa sạch các nguyên liệu khô rồi ngâm một lát cho mềm. Mộc nhĩ và nấm hương bạn thái nhỏ, miến dong thái miếng tầm 2cm.
Đối với cà rốt, củ đậu, hành tây, hành lá và giá thì bạn sơ chế kỹ rồi rửa sạch với nước sau đó để ráo. Cà rốt, củ đậu đem thái sợi, còn hành tây và hành lá thì bạn cắt nhỏ. Phần giá chỉ cần dùng tay vò 2,3 lần để loại bỏ bớt nước và giá được mềm hơn.
Bước 2: Trộn và ướp các nguyên liệu cuốn chả giò
Xem thêm: Chia sẻ cách làm lạp xưởng tại nhà thơm ngon chuẩn vị
Cho tất cả các nguyên liệu thịt, rau, củ đã cắt nhỏ ở trên vào một thau hoặc tô lớn. Sau đó, bạn cho các loại gia vị đã chuẩn bị như hạt nêm, bột ngọt, tiêu vào thau trộn đều. Đập thêm 2 quả trứng vào hỗn hợp và trộn đều. Việc cho thêm trứng sẽ giúp kết dính nguyên liệu và giúp phần nhân mềm hơn khi rán.
Bạn có thể trộn đều các nguyên liệu bằng tay hoặc đũa cho đến khi nhân tơi. Không nên trộn quá nhiều sẽ làm nhân bị nát và ra nước. Sau khi trộn xong, bạn để hỗn hợp nghỉ khoảng 5 – 10 phút để nhân ngấm gia vị.
Bước 3: Cuốn chả giò
Khi chuẩn bị cuốn chả giò, bạn dùng tay kiểm tra độ mềm của vỏ. Nếu vỏ chả giò hơi khô thì bạn cần bôi 1 lớp nước đã pha giấm lên. Nước pha với giấm vừa có tác dụng làm mềm vỏ khi gói chả giò, vừa giúp chả giò được giòn hơn khi rán lên.
Tiếp đó, bạn cho khoảng 1,5 thìa lớn nhân chả giò đã trộn đều vào giữa gần mép cuối của vỏ bánh rế hoặc bánh tráng. Cuộn nhân về phía trước thành một vòng hoàn chỉnh. Lưu ý, không cần cuộn nhân quá chặt để tránh rách vỏ khi rán.
Nhẹ nhàng ấn hai đầu vỏ gói xuống và điều chỉnh phần nhân gọn lại vào phía trong thành hình trụ tròn. Tiếp tục gập hai mép vỏ vào giữa cuộn chả giò rồi cuộn chả giò về phía trước đến khi hết vỏ.
Khi cuốn xong bạn xếp mép gấp xuống dưới để chả giò không bị bung. Thông thường lớp vỏ sẽ dính vào nhau, nhưng nếu không dính lại thì bạn có thể tạo kết dính bằng cách tra nước vào mép rồi gấp lại.
Sau khi gói xong, bạn đựng hết phần chả giò vừa gói trên khay lớn. Bạn không bên để chả giò ở ngoài quá lâu để tránh vỏ bánh bị không khí làm cho mềm nhũn.
Bước 4: Rán chả giò
Bạn làm nóng chảo và cho vào chảo lượng đầu đủ ngập nửa cuốn chả giò trở lên để chả giò đảm bảo được độ giòn khi chiên. Để tránh dầu ăn bị bắn lên khi rán, bạn có thể chà chanh vào đáy chảo khoảng một phút trước khi đổ dầu ăn vào và cho một lát chanh tươi vào chảo khi dầu đã nóng già.
Khi dầu đã nóng đủ, bạn xếp chả giò lần lượt vào chảo. Bạn không nên xếp quá nhiều chả giò vào chảo trong một lần rán và cần xếp chả giò cách nhau ra để chả giò không bị dính vào nhau khi chiên. Ngoài ra, việc xếp cách xa nhau còn đảm bảo dầu nóng tiếp xúc hết các mặt để chả giò chín đều.
Một tip nhỏ khi chiên chả giò là bạn lấy đũa lăn chả giò trên chảo để làm cho hình dáng của chả giò được tròn hơn. Nếu bạn chỉ để yên khi chiên thì chả giò sẽ bị bẹp một mặt, trong không đẹp mắt.
Để chả giò được ngon giòn hơn thì chúng ra nên rán chả với 2 lần lửa. Vậy nên, khi rán lần đầu tiên, khi lớp vỏ chuyển sang màu vàng nhạt thì bạn gắp ra, để nguội rồi chờ lát sau rán lần hai. Nếu bạn dùng không hết thì có thể lưu trữ trong hộp kín để dùng dần khi cần.
Ở lần rán chả giò thứ hai, bạn rán đến khi chả giò chuyển thành màu vàng nâu đẹp mắt, gắp lên có cảm giác giòn rụm. Khi rán chả giò xong, bạn cho chả giò vào khay hoặc giấy thấm để lấy bớt lượng dầu thừa khi chiên, giúp chả giòn ngon hơn và bớt ngấy.
Bước 5: Pha nước chấm chả giò và hoàn thành món ăn
Xem thêm: Chia sẻ cách làm bánh xèo giòn, ngon chuẩn vị 3 miền
Công đoạn cuối cùng nhưng phần lớn quyết định hương vị của món chả giò chính là nước chấm. Để thực hiện phần này, bạn hòa tan nước mắm, đường trắng và giấm đã chuẩn bị vào nước ấm với tỉ lệ lần lượt là 1:1:1:5. Sau đó, bạn cho thêm tỏi băm, ớt băm và tiêu đen xay vào. Nêm nếm và điều chỉnh gia vị sao cho hợp khẩu vị nhất là được.
Bạn cũng có thể dùng nước lọc hoặc nước đun sôi để nguội cũng được. Tuy nhiên, pha nước chấm bằng nước ấm sẽ giúp các nguyên liệu tan nhanh hơn và giúp tỏi tiết ra nhiều tinh dầu hơn.
Chả giò chiên xong có thể dùng được ngay, hoặc kết hợp cùng một số món ăn khác để tăng thêm hương vị đặc trưng. Một trong số đó phải kể đến là món chả giò ăn kèm với bún, rau sống và dưa món. Hoặc đơn giảm hơn là bạn chỉ cần một chén tương ớt ăn kèm sau khi chiên xong là đã có một món chả giò trọn vị rồi.
Chả giò là một món ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Khi được bày biện trong mâm cơm gia đình, món ăn này đem đến cảm giác đầy đặn, kích thích vị giác hơn. Món ăn giòn, ngon, hòa cùng nước chấm chua ngọt, thường xuất hiện trong các món như bún đậu mắm tôm, bún chả, chả cốm,… phù hợp với mọi lứa tuổi và sẽ cuốn hút những người dù có khẩu vị khó tính nhất.
Những lưu ý khi làm chả giò tại nhà
Để món ăn trở nên thơm ngon, ngoài việc thực hiện theo đúng các bước trên ra bạn cũng cần lưu ý đến một số vẫn đề sau:
- Khi chiên lên cho lửa nhọ để lớp vỏ bên ngoài không bị cháy, với cả các nhân bên trong được chín đều.
- Nên chiên ngập dầu dể chả giò được chín đều các mặt và trông cũng sẽ bắt mắt hơn.
- Khi gói nên bọc 2 đầu chả giò để nhân bên trong không bị rơi ra ngoài khi chiên.
- Nếu có thời gian nên chiên 2 lần cách nhau, để phần vỏ ngoài được giòn và ngon hơn.
Hy vọng qua những chia sẻ này, Lam Sơn Food sẽ giúp bạn thực hiện thành công cũng như bổ sung vào thực đơn của gia đình bạn một món ăn thơm ngon. Các bạn cũng đừng quên đồng hành cùng Lam Sơn Food trong những công thức nấu ăn tiếp theo nhé!