“Bé ăn sữa công thức, mấy ngày hôm nay trời nóng thấy bé đi ngoài nhiều lần, phân có nước, bọt, nhầy mũi, mặc dù chế độ ăn không thay đổi, bé không đau hay viêm nhiễm ở đâu cả…”, đó là điều lo lắng của các mẹ gọi bác sĩ trong tuần qua.
1. Các mẹ chú ý tiêu chảy của bé do nhiều nguyên nhân gây nên:
Nhiễm trùng do vi khuẩn; do virus; thực vật ký sinh; thuốc kháng sinh; thức ăn; nước uống có quá nhiều đồ ngọt; dị ứng thức ăn; cơ thể không dung nạp thức ăn; ngộ độc.
Đã có rất nhiều các bài viết của Phòng khám dinh dưỡng 70 Nguyễn Chí Thanh, các bạn cần tham khảo.
Vi khuẩn, Vius, Ký sinh trùng… xâm nhập vào cơ thể từ nhiều đường khác nhau, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các cơ quan trong cơ thể.
Ăn, uống là con đường trực tiếp mà vi khuẩn gây tiêu chảy cho bé nhanh nhất, đặc biệt vào mùa hè, vì vậy bác sĩ nêu ra một số điều để hạn chế vấn đề tiêu chảy của các bé chưa đến giai đoạn ăn dặm, các mẹ cố gắng khắc phục.
2. 10 điều cần thiết đảm bảo an toàn khi cho bé ăn sữa ngoài tránh gây tiêu chảy:
1. Rửa thật sạch, luộc bình sữa và núm ty, dụng cụ pha sữa khác (nếu có) của bé ngay sau mỗi lần ăn xong.
2. Tráng lại nước sôi (cả trong và ngoài) bình, núm, dụng cụ khác (nếu có) trước khi pha sữa bữa tiếp theo
3. Rửa tay xà phòng sạch sẽ trước khi pha sữa và cho bé ăn.
4. Đun nước sôi 7 – 10 phút (đảm bảo 1000C) và đổ nước dần ra cho nguội đến nhiệt độ khuyến cáo, để ở bàn sạch cao (có thể đậy khăn xô sạch, mỏng, thoáng cho chóng nguội để tránh vi khuẩn hay bụi trong không khí bay vào cốc, bình nước pha sữa của bé.
5. Tuyệt đối không được lấy nước nguội chế với nước sôi để có nhiệt độ vừa pha sữa, đặc biệt cấm dùng nước nguội qua ngày hoặc nước đóng chai bán sẵn chế với nước sôi.
6. Pha sữa đúng công thức hướng dẫn (không được pha quá đặc).
7. Pha sữa xong phải thử xem nhiệt độ vừa cho bé bú chưa, nếu vừa thì cho bé ăn luôn trong vòng 20 – 30 phút, không nên cho bé ăn kéo dài quá 30 phút/bữa, không để lại chỗ thừa, có thể người lớn uống hoặc đổ đi và rửa, luộc dụng cụ ngay. Không nên ép bé ăn, chỉ nên cho bé ăn số lượng phù hợp: tháng tuổi, nhu cầu, bé trai, bé gái, thời tiết. Nếu bé ăn số lượng quá ít/bữa, các mẹ nên tăng số lần, đừng ép bé số lượng/bữa.
8. Lau sạch miệng cho bé, tráng miệng bằng nước trắng, ăn xong bế bé cao đầu lên khoảng 10 – 15phút hãy cho bé nằm.
9. Bổ sung nước mùa hè cho bé, bổ sung rải rác trong ngày. Bé nên uống nước chín ấm trong ngày, không sử dụng nước qua ngày, ngày thay 2-3 lần nước trong bình của bé. Luộc bình, núm, hoặc dụng cụ uống nước trắng của bé ít nhất 1lần/ngày.
10. Nếu muốn thay sữa mới cho bé, không thay đổi sữa đột ngột mà chỉ nên thay tăng dần để bé quen sữa mới, lúc đó mới được thay hoàn toàn loại sữa phù hợp với sự phát triển của bé.
3. Đồ chơi cũng có thể gây tiêu chảy đối với bé
Một yếu tố ảnh hưởng không nhỏ tới vấn đề tiêu hóa của bé mà các mẹ và những người chăm sóc trực tiếp bé không được bỏ qua: Bé yêu luôn cho tất cả mọi thứ “vớ” được vào miệng mình, những đồ vật này có thể nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, hoặc gây dị ứng đường tiêu hóa cho bé, khi bé gặm, mút, hoặc bé nuốt phải những vật rất nhỏ thì một phản ứng có lợi của cơ thể là đường ruột sẽ tăng co bóp để tống những chất lạ có hại cho cơ thể, nên bé sẽ đi ngoài, vì vậy mọi đồ vật không để gần tầm với của bé. Những đồ chơi của bé phải thường xuyên được rửa xà phòng sạch sẽ hoặc khử khuẩn và cất giữ sạch, gọn gàng, đúng nơi quy định, mỗi lần cần cho bé chơi phải được rửa lại cho sạch, dùng khăn khô sạch lau trước khi đưa cho bé cầm, nắm và đừng quên thường xuyên lau, rửa bàn tay cho bé.
Bé của chúng ta đang lớn dần, hệ tiêu hóa còn non nớt, yếu ớt, hãy bình tĩnh, kiên trì nuôi và chăm sóc các bé phù hợp với từng giai đoạn phát triển, đảm bảo an toàn vệ sinh: Vệ sinh ăn uống, vệ sinh thân thể, vệ sinh môi trường sống… là bé sẽ lớn nhanh, khỏe mạnh và thông minh. Chúc các mẹ thành công!