1. Nguyên nhân
– Thời tiết nóng bức, đồ ăn, thức uống, hoặc thực phẩm tươi nếu không bảo quản cẩn thận sẽ rất chóng hỏng, nếu mẹ tiếc mà nấu thực phẩm đó sẽ ảnh hưởng đến bé.
– Thực phẩm nấu xong để quá 1-2h mới ăn, vi khuẩn đã xâm nhập, khi mẹ ăn vào cũng sẽ không an toàn cho bé.
– Trời nóng quần áo luôn đọng mồ hôi, vi khuẩn dễ dàng hoạt động, cọ xát vào da thịt đặc biệt là đầu vú của những mẹ đang cho con bú có rỉ sữa ra là “miếng mồi ngon cho các loại vi khuẩn.
Sau mỗi lần cho bé bú, hoặc trước khi cho bé bú nếu mẹ không lau rửa đầu vú sạch sẽ thì vi khuẩn nhanh chóng xâm nhập và bé sẽ bú vào, vi khuẩn sẽ vào theo làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của bé.
– Bàn tay kẹp vú cho con bú rất gần miệng bé, thậm chí bịp đầu vú mỗi khi sữa xuống quá nhiều đã rửa sạch sẽ chưa?
2. Các mẹ cần phải làm gì?
– Thực phẩm tươi: khi mua về các bạn phải xử lý sạch sẽ và bảo quản lạnh trong vòng 3 ngày, không nên để lâu quá (Thịt, cá, tôm, cua để ngăn đá, trứng, rau, quả để ngăn mát).
– Thức ăn nấu xong cần ăn khi còn ấm nóng (không quá 1h ở ngoài khi thời tiết quá nóng bức, không quá 2h khi trời mát, lạnh), để quá lâu vi khuẩn sẽ xâm nhập vào thức ăn.
– Mọi người, đặc biệt là các mẹ còn nuôi bé bú không nên ăn những thức ăn để quá lâu ngày trong tủ lạnh, hoặc để trong tủ lạnh không nhiều ngày nhưng khi mang ra ăn không được đun sôi kỹ lại.
– Những ngày nắng nóng mọi người thường ăn canh cua, rau đay, mồng tơi quá nhiều: Các mẹ đang cho con bú không nên ăn đơn điệu thực phẩm, cần đa dạng thực phẩm, đa dạng cách chế biến. Ăn quá nhiều rau nhuận tràng như rau đay, mồng tơi làm cho bé bú sữa mẹ sẽ đi ngoài quá dễ, thậm chí đi nhiều lần khi không cần thiết, bởi : “mẹ ăn gì, con ăn nấy”.
– Trước mỗi lần cho bé bú, mẹ cần lau sạch đầu vú (lau rộng cả vú càng tốt) bằng nước chín ấm, có thể hòa tí nước muối nhạt để sát trùng đầu vú.
– Mỗi lần chuẩn bị cho bé bú mẹ thay áo sạch sẽ, áo mềm, thoáng, mát, hai bàn tay cần được rửa xà phòng sạch sẽ để phòng khi kẹp, hoặc bịt đầu vú khi sữa xuống quá nhiều làm con dễ sặc.
– Sau khi cho bé bú xong và khi sữa tự chảy nhiều cần lau, rửa sạch đầu vú, đặt khăn vải xô hoặc khăn vải thô mềm thấm nước ở đầu vú và thay giặt thường xuyên khi sữa thường rỉ ra.
3. Các mẹ cần chú ý
– Khi bé đi ngoài có nhiều nước, tướt mạnh, không đau quặn, không mót rặn, không bỏ bú: theo dõi nhiễm vi rút
– Khi bé đi ngoài có bọt, nhầy mũi, đau quặn, mót rặn, thậm chí buồn nôn, bỏ bú kèm sốt: Theo dõi nhiễm khuẩn đường ruột
– Khi bé đi ngoài có nhầy mũi, đau quặn, mót rặn, có khi ra tí máu, sốt: theo dõi lỵ
– ……..
– Khi bé có những dấu hiệu đi ngoài trước hết mẹ phải kiểm tra các vấn đề nêu trên (thực phẩm, ăn uống, vệ sinh vú…) và kịp thời chỉnh sửa ngay.
– Sau khi mẹ đã khắc phục mà tình trạng đi ngoài của bé không cải thiện, cần đưa bé đến khám bác sĩ chuyên khoa, hoặc vào bệnh viện nhi – tùy tình trạng, mức độ ỉa chảy, để khám, hướng dẫn, theo dõi cụ thể và uống thuốc hợp lý, an toàn, không được tự ý mua thuốc khi không được chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Chúc các mẹ tận dụng tối đa nguồn sữa mẹ cho bé bú từ 18 – 24 tháng, phải đảm bảo chất và lượng sữa để nuôi bé chóng lớn, khỏe mạnh, thông minh. Lưu ý nguồn sữa mùa hè an toàn cho bé yêu.
Bs. Hoàng Ngọc Anh, Phòng khám tư vấn dinh dưỡng chất lượng cao, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội