Bệnh phì đại tuyến tiền liệt là một tình trạng rất phổ biến, xảy ra với khoảng 50% nam giới 50-60 tuổi và 90% nam giới từ 80-90 tuổi [1]. Nếu không điều trị, theo thời gian, tình trạng này có thể gây ra các triệu chứng làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hoặc dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.
Dù vậy không phải ai cũng biết phì đại tuyến tiền liệt (hay phì đại tiền liệt tuyến) là gì, phì đại tuyến tiền liệt có nguy hiểm không và điều trị phì đại tuyến tiền liệt như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các vấn đề này.
Phì đại tuyến tiền liệt có nguy hiểm không?
Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ trong hệ thống tiết niệu sinh sản của nam giới, nằm bao quanh niệu đạo và có nhiệm vụ tạo ra phần lớn chất lỏng trong tinh dịch [6]. Vậy phì đại tuyến tiền liệt là gì?
Bệnh phì đại tuyến tiền liệt hay còn được gọi là tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt (BPH) hay u xơ tuyến tiền liệt xảy ra khi các tế bào của tuyến tiền liệt bắt đầu nhân lên. Những tế bào này khiến tuyến tiền liệt phình to lên, chèn ép niệu đạo và cản trở dòng chảy bình thường của nước tiểu [2].
Bệnh phì đại tuyến tiền liệt không phải ung thư tuyến tiền liệt và không có khả năng làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Tuy nhiên, nó có thể gây ra các triệu chứng hoặc dẫn đến các biến chứng làm ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống như [2], [6]:
- Bí tiểu cấp tính
- Bí tiểu mãn tính, kéo dài
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu
- Tổn thương bàng quang, thận
- Sỏi bàng quang
- Chảy máu.
Đôi khi, tình trạng phì đại tuyến tiền liệt nghiêm trọng có thể gây tắc nghẽn đường tiểu đến mức hoàn toàn không có nước tiểu ra khỏi bàng quang. Đây là biến chứng được xem là nguy hiểm, bởi vì nước tiểu bị mắc kẹt trong bàng quang có thể gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu, làm hỏng thận và thậm chí có thể dẫn đến suy thận [2].
Ai có nguy cơ mắc bệnh phì đại tuyến tiền liệt?
Phì đại tuyến tiền liệt là vấn đề thường gặp ở nam giới trên 50 tuổi [6]. Các triệu chứng tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt thường ít gặp những người dưới tuổi 40. Sự xuất hiện các triệu chứng sẽ tăng lên theo tuổi, cụ thể ảnh hưởng đến khoảng 50% nam giới trong độ tuổi từ 51 đến 60 và lên đến 90% nam giới ở độ tuổi trên 80 [1]. Bên cạnh đó, khả năng mắc phì đại tuyến tiền liệt cũng sẽ cao hơn ở những đối tượng có một số yếu tố nguy cơ dưới đây [6]:
- Tiền sử gia đình có người bị bệnh phì đại tuyến tiền liệt
- Béo phì, mắc bệnh tim, bệnh liên quan đến tuần hoàn hoặc đái tháo đường tuýp 2
- Không thường xuyên luyện tập thể dục
- Rối loạn cương dương.
Phì đại tuyến tiền liệt: Khi nào cần đi khám?
Dù không phải là bệnh lý nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng nhưng phì đại tuyến tiền liệt vẫn có thể gây nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và làm giảm chất lượng sống của bệnh nhân bao gồm cả đời sống tình dục [5]. Ngoài ra, nếu kéo dài hoặc trì hoãn điều trị, các triệu chứng có thể trở nên nặng hơn và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như bí tiểu, nhiễm khuẩn đường tiết niệu… Do đó, khi nhận thấy bất kỳ biểu hiện nào của phì đại tuyến tiền liệt như [6]:
- Dòng tiểu yếu hoặc bị gián đoạn
- Tiểu khó hoặc phải rặn khi tiểu
- Tiểu không tự chủ, tiểu gấp (khó nhịn tiểu), tiểu són
- Tiểu đêm
- Tiểu nhiều lần hơn trong ngày, kể cả ban đêm
- Tiểu nhỏ giọt cuối bãi
- Đau sau xuất tinh hoặc đau khi đi tiểu.
Bạn nên đi khám ngay dù cho hiện tại những triệu chứng này vẫn chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. Mục tiêu của việc thăm khám là để tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra những triệu chứng trên để có phương pháp điều trị phù hợp [3]. Ngoài ra, một lưu ý bạn cần nhớ là tránh tự ý đoán bệnh và tự ý mua thuốc khi chưa được chuyên gia y tế xác định rõ nguyên nhân. Bởi cùng 1 nhóm triệu chứng có thể do nhiều loại bệnh khác nhau gây ra và mỗi bệnh sẽ có cách điều trị khác nhau. Việc dùng không đúng không những không mang lại hiệu quả mà thậm chí một số trường hợp còn khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
Để hiểu hơn về lợi ích của chẩn đoán và điều trị sớm triệu chứng đường tiểu dưới, bạn có thể tham khảo thêm thông tin được chia sẻ bởi PGS.TS.BS. Nguyễn Văn Ân – Trưởng khoa Niệu học chức năng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM ở video sau:
Điều trị phì đại tuyến tiền liệt thế nào?
Khi có các biểu hiện của phì đại tuyến tiền liệt, bạn có thể đến khám tại chuyên khoa khoa tiết niệu, lão khoa… Khi đến thăm khám, bác sĩ có thể hỏi về các triệu chứng bạn gặp phải và yêu cầu thực hiện 1 số xét nghiệm như siêu âm bụng, phân tích nước tiểu, xét nghiệm máu… [3]. Nếu kết quả chẩn đoán cho thấy bạn mắc phì đại tuyến tiền liệt, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp tùy theo tình trạng bệnh [4].
Hiện phương pháp điều trị tuyến tiền liệt chủ yếu vẫn là [6]:
- Điều chỉnh sinh hoạt
- Điều trị bằng thuốc
- Phẫu thuật
Ở giai đoạn đầu, điều chỉnh sinh hoạt và điều trị bằng thuốc vẫn là phương pháp chính. Các triệu chứng có thể được cải thiện nhanh nhờ những loại thuốc điều trị hiệu quả, ít tác dụng phụ, chẳng hạn như các thuốc chẹn alpha. Điều trị phẫu thuật được chỉ định khi điều trị nội khoa không hiệu quả hoặc các triệu chứng của bệnh đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống hoặc đã gây ra các biến chứng [4].
Trong quá trình điều trị, bạn cần tuân thủ 2 nguyên tắc tối quan trọng:
- Dùng đúng thuốc được ghi trong toa, đúng liều lượng và đủ thời gian điều trị
- KHÔNG tự ý ngưng thuốc dù triệu chứng đã bớt bởi các triệu chứng có thể quay lại và làm bệnh trở nên xấu hơn.
Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ về bệnh phì đại tuyến tiền liệt và biết được tình trạng phì đại tuyến tiền liệt có nguy hiểm không. Mong rằng những thông tin hữu ích trên có thể giúp bạn cập nhật kịp thời về bệnh, đồng thời có sự bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe của chính mình và người thân.