“Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sống được bao lâu?” là một trong những mối quan tâm của người mắc phải căn bệnh này. Để ước đoán tiên lượng sống, bác sĩ sẽ dựa trên giai đoạn tiến triển bệnh và một số yếu tố khác ở từng bệnh nhân.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong trên toàn thế giới và làm tăng gánh nặng kinh tế xã hội.
Vì đây là một bệnh lý mạn tính, tiến triển nặng dần theo thời gian nên người bệnh thường băn khoăn rằng “bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính sống được bao lâu?”. Để đánh giá mức độ nghiêm trọng và khả năng ảnh hưởng đến cuộc sống, các bác sĩ phân chia bệnh thành từng giai đoạn.
Theo Chiến lược toàn cầu về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (GOLD), bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) được chia thành 4 giai đoạn từ nhẹ đến rất nặng, dựa trên chỉ số trong đo chức năng hô hấp – thể tích khí thở ra gắng sức trong 1 giây (FEV1).
Tắc nghẽn phổi mạn tính giai đoạn 1 sống được bao lâu?
Ở giai đoạn này, giá trị FEV1 ≥ 80% trị số lý thuyết sau khi test hồi phục phế quản, tức là so sánh với giá trị FEV1 ở một người cùng độ tuổi nhưng không mắc bệnh phổi.
Đây còn được gọi là giai đoạn nhẹ, các dấu hiệu và triệu chứng thường ít được để ý, nhận biết. Bạn có thể bị ho mạn tính, có khi kèm theo tăng sản xuất đờm nhưng không hay biết chức năng phổi đang suy giảm dần. Cho đến khi các triệu chứng bệnh xuất hiện thì phổi đã bắt đầu bị tổn thương.
Do đó, bạn cần chú ý bản thân có các yếu tố nguy cơ hay không (như hút thuốc, tiếp xúc với các chất ô nhiễm, trên 40 tuổi…) để kịp thời đến gặp bác sĩ chẩn đoán. Nếu có biện pháp can thiệp sớm ngay từ giai đoạn này sẽ tăng hiệu quả điều trị và tiên lượng sống tốt. Thậm chí, tuổi thọ bình thường của người bệnh không bị ảnh hưởng đáng kể.
Tắc nghẽn phổi mạn tính giai đoạn 2 sống được bao lâu?
Giai đoạn 2 hay giai đoạn trung bình, giá trị FEV1 nằm trong khoảng 50–79% so với trị số lý thuyết sau test hồi phục phế quản.
Ở giai đoạn này, các triệu chứng bệnh COPD bắt đầu gây ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường.. Người bệnh thường ho có đờm nhiều hơn so với giai đoạn 1 (nhất là vào buổi sáng), khó thở, thở khò khè và các đợt cấp trở nên nghiêm trọng hơn.
Thông thường, người bệnh hay để đến giai đoạn này mới bắt đầu đi khám bệnh. Tiên lượng cho người bệnh COPD giai đoạn 2 chắc chắn không tốt như giai đoạn 1 nhưng mức giảm tuổi thọ có thể thấp hơn nếu có biện pháp điều trị và thay đổi lối sống kịp thời, đặc biệt là bỏ hút thuốc lá.
Có thể bạn quan tâm
Tắc nghẽn phổi mạn tính sống được bao lâu nếu ở giai đoạn 3?
Giai đoạn 3 hay còn gọi là giai đoạn nặng, người bệnh có giá trị FEV1 nằm từ 30–49% trị số lý thuyết sau khi test hồi phục phế quản.
Khi đến giai đoạn này, luồng khí vào và ra phổi ngày càng hạn chế. Do đó, tình trạng khó thở sẽ nghiêm trọng hơn dù bạn chỉ hoạt động hơi gắng sức, thường xuất hiện các đợt cấp và gây mệt mỏi kéo dài. Chất lượng cuộc sống của người bệnh sẽ giảm sút trong giai đoạn này.
Người bệnh lúc này phải thường xuyên theo dõi chức năng phổi và cùng bác sĩ đánh giá hiệu quả các thuốc điều trị. Vậy nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn 3, người bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính sống được bao lâu? Một nghiên cứu năm 2009 cho thấy bệnh nhân nam 65 tuổi mắc COPD và vẫn còn hút thuốc có thể giảm bớt 5,8 năm tuổi thọ.
Người đang bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 4
Đây là giai đoạn cuối của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hay còn gọi là giai đoạn rất nặng. Giá trị FEV1 sau khi test hồi phục phế quản lúc này thấp hơn 30% trị số lý thuyết.
Người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối có các tổn thương không phục hồi ở phổi lan rộng đến các khu vực trao đổi oxy. Cuối cùng, phổi sẽ không còn khả năng cung cấp đầy đủ oxy cho cơ thể. Điều này khiến nhiều cơ quan khác trong cơ thể bị ảnh hưởng, như tim, động mạch phổi… dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề, đe dọa đến tính mạng. Các triệu chứng nghiêm trọng xuất hiện trong đợt cấp có thể khiến người bệnh phải nhập viện cấp cứu.
Tiên lượng cho bệnh nhân COPD giai đoạn cuối thường rất xấu. Tỷ lệ tử vong ước tính trên người bệnh được đưa vào phòng hồi sức cấp cứu do COPD là khoảng 24%. Con số này có thể tăng gấp đôi nếu như bệnh nhân trên 65 tuổi.
Tổng kết
Dù cùng mắc phải một bệnh lý nhưng tình trạng tắc nghẽn phổi ở mỗi người sẽ hoàn toàn khác nhau. Một số trường hợp, bệnh có thể tiến triển từ từ theo thời gian. Ngược lại, có những ca bệnh diễn biến rất nhanh và nghiêm trọng.
Dựa trên kết quả chẩn đoán và giai đoạn của bệnh, bác sĩ sẽ giúp bạn đưa ra một chiến lược điều trị phù hợp, bao gồm dùng thuốc cùng với thay đổi lối sống. Điều trị càng sớm thì chức năng phổi càng được bảo toàn hiệu quả, chất lượng cuộc sống cũng được duy trì.
Và để trả lời cho câu hỏi “bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính sống được bao lâu?” sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bệnh hiện đang ở giai đoạn nào? Người bệnh đã giảm thiểu các yếu tố nguy cơ chưa? Phác đồ điều trị có được tuân thủ hay không? Vậy nên, điều quan trọng là bạn phải nhận biết các yếu tố nguy cơ cũng như dấu hiệu, triệu chứng sớm của bệnh COPD và kịp thời đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và can thiệp sớm.
[embed-health-tool-bmi]